Sáng 26/4, UBND huyện Can Lộc tổ chức hội nghị sơ kết Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 20/8/2020 về tập trung, tích tụ ruộng đất. |
Toàn cảnh hội nghị.
Để cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/11/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; các mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXXVI về các khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2020-2025, UBND huyện đã ban hành Đề án số 2553/ĐA-UBND ngày 13/8/2020 trình Ban Thường vụ Huyện ủy thảo luận ban hành Nghị quyết số 01 - NQ/HU.
Từ sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, qua 3 năm (2020-2023) triển khai thực hiện, Nghị quyết đã đi vào cuộc sống và bước đầu khẳng định được hiệu quả, tính thiết thực.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc Phan Cao Kỳ báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết.
Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích thực hiện đề án tập trung ruộng đất trên địa bàn Can Lộc là 3302.28 ha, chiếm 36 % diện tích sản xuất lúa toàn huyện.
Trong số đó, có 14/18 xã, thị trấn đã thực hiện chuyển đổi ruộng đất với gắn với hình thành vùng sản xuất tập trung với 1.628 ha. Sau chuyển đổi, vụ xuân năm 2023 toàn huyện giảm 30.449 ô thửa so với vụ xuân năm 2021. Bình quân số thửa/hộ trong vùng chuyển đổi là 1,22 hộ. Để thực hiện chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất, toàn huyện cũng đã thực hiện di dời hơn 8.400 ngôi mộ trên đồng ruộng.
Chủ tịch UBND xã Kim Song Trường Nguyễn Anh Tuấn: Cần có phương án xử lý diện tích đất dôi dư và tạo điều kiện cấp đổi quyền sử dụng đất sau chuyển đổi.
Nguồn kinh phí thực hiện đề án trong 3 năm ước tính trên 23 tỷ đồng, trong đó huyện hỗ trợ hơn 9,8 tỷ đồng.
Qua 3 năm triển khai cho thấy, nghị quyết của tỉnh, của huyện về tập trung, tích tụ ruộng đất đã phát huy hiệu quả bước đầu trên địa bàn Can Lộc. Đó là sự thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của người dân, tạo bước đệm cho việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn.
Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn: Can Lộc là huyện đi đầu trong toàn tỉnh về ban hành nghị quyết và thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên, việc tập trung tích tụ ruộng đất phải đi vào thực chất, thực hiện linh hoạt, phù hợp với thực tế từng địa phương. Đối với việc giải quyết tình trạng đất dôi dư sau chuyển đổi, cần xây dựng đề án trình HĐND phê duyệt để có căn cứ pháp lý trong việc thực hiện.
Thực hiện thành công phá bờ thửa cũng tạo điều kiện ứng dụng các tiến bộ KHKT, nâng cao năng suất sản xuất lúa/đơn vị diện tích; đẩy nhanh thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp; thu hút doanh nghiệp hóa sản xuất, liên kết hóa trong xây dựng thương hiệu và bao tiêu sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả sản phẩm nông nghiệp, góp phấn phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận nhiều ý kiến về những tồn tại, hạn chế, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai đề án để tìm giải pháp triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.
Bí thư Huyện ủy Can Lộc Nghiêm Sỹ Đống kết luận hội nghị.
Kết luận hội nghị, Bí thư Huyện ủy Can Lộc Nghiêm Sỹ Đống ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong thực hiện tích tụ ruộng đất, đồng thời khẳng định Nghị quyết về tập trung, tích tụ ruộng đất của huyện đã đi vào thực tế, phát huy hiệu quả.
Để thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, thời gian tới Can Lộc sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc quán triệt nghị quyết của tỉnh, của huyện về tập trung, tích tụ ruộng đất; quan tâm công tác quy hoạch; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp Can Lộc; tiếp tục tăng cường ứng dụng KHKT vào sản xuất, phát triển nông nghiệp hữu cơ; tiếp tục chú trọng chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn.
Huyện sẽ luôn luôn quan tâm, ưu tiên, tìm nguồn hỗ trợ cho các xã về cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp, để triển khai hiệu quả nghị quyết vào cuộc sống.