Dẫn chúng tôi đi xem rừng keo hơn 2 năm tuổi đang chết dần không còn cách cứu chữa, ông Hoàng Đức Khoa ở thôn Hoa Sơn, xã Kỳ Hoa không khỏi xót xa.
Vườn keo của ông Khoa bị nhiễm bệnh nấm phấn trắng và chết dần, không còn cách cứu chữa.
Theo ông Khoa, gần chục năm trồng rừng nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng keo chết thế này. Lúc phát hiện, cây có biểu hiện là ở phần ngọn cây bị khô, lá vàng, sau khoảng vài tuần cây chết, lan rất nhanh, không thể cứu vãn.
“Gia đình tôi có 5 ha keo hơn 2 năm tuổi. Cây keo còn non nên không thể bán gỗ nguyên liệu, do vậy chỉ còn cách là chặt đốt, trồng mới lại, nhưng khổ nỗi, diện tích lớn quá nên phải thuê người, tốn kém thêm rất nhiều chi phí. Ước tính lần này gia đình tôi thiệt hại khoảng gần 500 triệu đồng”, ông Khoa nói.
Video: Ông Khoa chia sẻ về thiệt hại của gia đình.
Cũng nhiễm nấm phấn trắng, hơn 6 ha keo gần 3 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Văn Thành (thôn Hoa Sơn, xã Kỳ Hoa) buộc phải thuê nhân công chặt bỏ.
Ông Thành cho biết: “Mỗi ha keo chuẩn bị xuất bán, gia đình thu về gần 100 triệu đồng, giờ cộng thêm chi phí thuê nhân công chặt bỏ, trồng mới, gia đình tôi bị thiệt hại khá nặng nề. Hy vọng các cấp, ngành có hỗ trợ, giúp đỡ cho bà con trong việc trồng và chăm sóc cây keo mới để tránh sâu bệnh gây hại”.
Hàng loạt diện tích keo từ 1-4 năm tuổi bị bệnh nấm phấn trắng phải phá bỏ, tiêu huỷ.
Một số thân cây được tận thu làm củi đốt.
Không riêng gia đình ông Khoa, ông Thành mà còn nhiều gia đình trồng keo ở khu vực đồi Chợ Hội, thôn Hoa Sơn, xã Kỳ Hoa đang lao đao vì mất trắng nhiều diện tích rừng keo từ 1-4 năm tuổi.
Biểu hiện chính của bệnh phấn trắng do nấm Oidium acaciae là lá non, ngọn của cây keo phủ một lớp phấn trắng, nấm bệnh mọc trên bề mặt lá để hút dinh dưỡng...
Biểu hiện trên lá non, ngọn của cây keo phủ một lớp phấn trắng do nấm bệnh mọc trên bề mặt lá để hút dinh dưỡng; những diện tích bị nặng nấm bệnh gây hại làm cho ngọn cây bị khô lá chuyển màu vàng nâu và cuối cùng là thân cây bị chết. Bệnh này có tốc độ lây lan rất nhanh.
Lâu dần lá sẽ khô rụng và ngọn cây khô....
Theo thông tin từ UBND xã Kỳ Hoa, khoảng gần cuối tháng 4/2022, bệnh nấm phấn trắng khu vực đồi Chợ Hội thuộc thôn Hoa Sơn, xã Kỳ Hoa được người dân phát hiện. Đến nay, tổng diện tích keo từ 1 - 4 năm tuổi nhiễm bệnh là gần 40 ha của 10 hộ dân. Ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng.
Ngay sau khi phát hiện hiện tượng cây keo chết hàng loạt do nấm bệnh, UBND xã Kỳ Hoa đã báo cáo với UBND thị xã Kỳ Anh, Trung tâm Ứng dụng KHKT và cây trồng - vật nuôi thị xã Kỳ Anh để tìm hướng giải quyết.
Hàng loạt thân cây khô dần và chết.
Sau quá trình kiểm tra thực tế, các chuyên gia xác định, bệnh do nấm Oidium acaciae gây hại. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra các đợt mưa lớn, từ các điểm tổn thương trên cây keo, nấm đã xâm nhập gây hại và lan rộng.
Thêm vào đó, nguồn gốc nấm bệnh cũng được xác định bắt đầu từ những diện tích rừng lâu năm, trong quá trình khai thác, trồng lại nhiều chu kỳ khiến cho mầm bệnh lưu trú, khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi là nấm phát triển nhanh, gây hại trên cây non. Và, cũng không loại trừ nguyên nhân bắt nguồn từ cây giống không đảm bảo chất lượng trong quá trình trồng mới của nhiều hộ dân.
Các hộ dân sau khi tiến hành chặt bỏ diện tích cây keo bị nấm bệnh, phải mua giống mới và thuê nhân công trồng lại nên chi phí thiệt hại càng đội lên cao.
Qua kiểm tra, Trung tâm Ứng dụng KHKT và cây trồng vật nuôi thị xã Kỳ Anh đã hướng dẫn bà con biện pháp chăm sóc, chặt tỉa những cành nhỏ để rừng cây thông thoáng hoặc phun các loại thuốc hóa học có hoạt chất như: Hexaconazole, Posetyl Aluminium cho cây. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời vì diện tích nhiễm bệnh quá lớn, bà con cần áp dụng các biện pháp thủ công để khoanh vùng, dập dịch ngăn không cho bệnh nấm phấn trắng phát sinh lan rộng ra diện tích keo.
Đối với diện tích keo trồng mới, bà con cần lựa chọn cây giống tốt, có khả năng chống chọi với các loại bệnh; theo dõi thường xuyên để phát hiện bệnh sớm, khi thấy cây xuất hiện mầm bệnh, cần tiến hành cắt bỏ, tiêu huỷ cành, lá bị bệnh… và phun hóa chất diệt trừ nấm.