Chè xanh Hồng Lộc “rộng cửa” vào OCOP

(Baohatinh.vn) - Việc được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận sản phẩm chè Hồng Lộc (Lộc Hà - Hà Tĩnh) là nhãn hiệu tập thể đã mở ra cơ hội lớn cho chính quyền địa phương và người dân trong việc xây dựng đặc sản này sớm đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Trong đợt thu hoạch chè cuối năm nay, ông Bùi Văn Táo ở thôn Nam Đông (Hồng Lộc) không vui vì thị trường chè ế ẩm, giá thấp (5.000 đồng/kg chè tươi), đồi chè của gia đình không đạt sản lượng như mong muốn.

Ông Bùi Văn Táo tranh thủ cắt bỏ các cành khô của một cây lớn tạo độ thoáng cho vườn chè.

Theo nhẩm tính của ông Táo, trong năm nay, thu nhập từ 2 sào chè của gia đình chỉ đạt hơn 6,2 triệu đồng; sau khi trừ chi phí nhân công, phân bón… thì chẳng còn là bao. Tuy nhiên, ông Táo quyết không bỏ bê đồi chè vì đó là niềm tự hào, là nghề truyền thống của cha ông để lại.

Dù bao đời gắn bó với cây chè nhưng hiện nay, người dân làm kinh tế vườn đồi ở Hồng Lộc đều kém vui vì giá chè thấp, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với công sức bỏ ra.

Theo khảo sát, hiện nay, toàn xã có gần 70 ha chè, chủ yếu là của phường chè Cồn Ải - Động Kiến (chiếm 60% tổng diện tích), nhưng có đến 1.000 hộ tham gia trồng. Vì quy mô manh mún, nhỏ lẻ (hộ ít chỉ được 1 sào, hộ nhiều nhất 7 sào) nên dẫn đến hạn chế về thu nhập (từ 3,5 - 20 triệu đồng/hộ/năm) và gây khó khăn trong cơ giới hóa, thiếu tính quy mô để sản xuất hàng hóa. Thị trường tiêu thụ cũng chỉ quanh quẩn trong vùng và phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các thương lái.

Sau 1 buổi thu hoạch, 3 bó chè này của ông Hồ Sỹ Tứ (thôn Trung Sơn) chỉ bán đươc khoảng 75.000 đồng.

Ngoài các vấn đề nêu trên thì quy trình sản xuất, tư duy làm ăn, ý thức xây dựng thương hiệu tập thể cho sản phẩm nhìn chung còn yếu... Hiện mới chỉ có 269/1.000 hộ trồng chè ở Hồng Lộc được bảo hộ nhãn hiệu tập thể do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận, dù đây được xem là cơ sở, nền tảng quan trọng ban đầu để phát triển cây chè trong tương lai.

Để phát huy hiệu quả sản xuất thì phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là mở rộng đối tượng tham gia; nâng cao kiến thức, năng lực cho các thành viên trong quản lý, khai thác, phát triển thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm; phát triển hệ thống quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…

Người trồng chè Hồng Lộc mong muốn cây chè truyền thống được phát triển xứng tầm.

Ông Bùi Văn Đồng - Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hồng Lộc bày tỏ: "Chúng tôi rất mong muốn đặc sản quê hương sẽ không bị dư thừa, không bị cắt bỏ vì không bán được, người làm chè không phải bỏ vườn đồi tha hương. Tuy nhiên, HTX mới thành lập (1 năm) nên chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất lẫn năng lực điều hành. Chúng tôi chưa có kinh nghiệm sản xuất tập trung, tài chính chưa đủ đầu tư theo hướng hàng hóa, chưa biết cách thể hiện rõ quy trình sản xuất hữu cơ và làm sản phẩm OCOP... Vì vậy, tất cả đều trông chờ vào sự hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trơ từ cấp trên”.

Ngày 24/11 vừa đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã công nhận sản phẩm chè Hồng Lộc là nhãn hiệu tập thể. Theo đó, các sản phẩm và hoạt động như: lá chè tươi, cành chè tươi; trà, lá chè đã qua sơ chế, cành chè đã qua sơ chế; mua bán trà, lá chè đã qua sơ chế, cành chè đã qua sơ chế, lá chè tươi, cành chè tươi… của 269 hộ sẽ được bảo hộ nhãn hiệu trong 10 năm và các đối tượng có thể được mở rộng nếu đáp ứng yêu cầu.

Nhãn hiệu chè xanh Hồng Lộc vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận nhãn hiệu tập thể.

Ông Nguyễn Huy Trọng - Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh cho rằng: “Cây chè Hồng Lộc đã có từ hàng chục năm nay, là cây trồng chủ lực của địa phương và có đóng góp không nhỏ trong đời sống sản xuất, thu nhập của người dân trên địa bàn. Chúng tôi đã cùng chính quyền và người dân nỗ lực xây dựng thương hiệu với mong muốn được quảng bá, đưa cây chè phát triển một cách căn cơ, bài bản, nâng tầm sản phẩm lên tầm cao mới…”.

Đại biểu tham quan sản phẩm chè xanh Hồng Lộc tại lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Người trồng chè Hồng Lộc tham khảo tài liệu, trao đổi thông tin với mong muốn đưa sản phẩm vươn ra thị trường.

Ông Phan Bá Ninh - Phó Chánh Văn phòng NTM huyện Lộc Hà thông tin: “Chúng tôi đang chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ để xây dựng chè Hồng Lộc thành sản phẩm OCOP, bởi người dân có kinh nghiệm trồng chè, đang sản xuất theo quy trình hữu cơ, có vùng nguyên liệu khá dồi dào… Theo chủ trương, chúng tôi đang định hướng làm OCOP đối với các sản phẩm chè tươi vì không phải thay đổi vùng nguyên liệu, không phải đầu tư máy móc, thị trường chưa có sản phẩm này và nhu cầu tiêu thụ chè tươi lớn”.

Khu đất được UBND xã Hồng Lộc quy hoạch để làm bãi tập kết và sơ chế chè xanh.

Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc Lê Viết Bình chia sẻ: “Hiện nay, các vấn đề cốt lõi về vốn, kinh nghiệm, kỹ thuật, cách tiếp cận thị trường của người trồng chè Hồng Lộc đều chưa tốt. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn quyết tâm và luôn đồng hành để cùng cấp trên, các ngành chuyên môn và người trồng chè khắc phục khó khăn, mở rộng vùng nguyên liệu lên 200 ha, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, sớm đạt chuẩn OCOP để có thể mở rộng thị trường, ổn định sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói