Chè xanh tốt, búp đều, người dân Hương Khê phấn khởi thu hái

(Baohatinh.vn) - Những ngày này, trên đồi chè bạt ngàn xanh mướt, người dân Hương Khê (Hà Tĩnh) đang tất bật thu hoạch. Thời tiết từ đầu năm tới nay khá thuận lợi, chè xanh tốt, búp đều và dày nên bà con càng thêm phấn khởi.

Chè xanh tốt, búp đều, người dân Hương Khê phấn khởi thu hái

Người dân Hương Khê tất bật thu hái chè giữa ngày hè nắng nóng.

Trên nông trường sản xuất chè công nghiệp liên kết với Xí nghiệp Chè 20/4 ở xã Hương Trà và Hương Xuân (huyện Hương Khê), thời điểm này không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đang cõng giỏ trên lưng để thu hái chè. Màu xanh non của những ngọn chè như làm dịu bớt cái nắng gắt của những ngày cuối tháng 5, tiếp thêm động lực cho người nông dân lao động.

Vừa thoăn thoắt đôi bàn tay hái chè, chị Đặng Thị Hoàng (thôn Tiền Phong, xã Hương Trà) chia sẻ: “Nhờ thời tiết đầu năm tới nay thuận lợi và cây chè được chăm sóc bài bản nên búp chè dày, đẹp và đều. Nhìn những ngọn chè non xanh mơn mởn, chúng tôi cũng bớt đi phần nào mệt nhọc và có thêm động lực để thu hái. Điều vui mừng là đến thời điểm này, người trồng chè chưa phải tưới tiêu chống hạn cho cây chè như những năm trước”.

Chè xanh tốt, búp đều, người dân Hương Khê phấn khởi thu hái

Vụ thu hoạch này, chị Đặng Thị Hoàn thu về khoảng 10 triệu đồng.

Sản xuất trên diện tích 3.300m2, dự kiến vựa chè gia đình chị Hoàng sẽ cho thu hoạch tầm 1,5 tấn chè tươi. Với giá bình quân chè búp tươi là 6.700 đồng/kg sẽ giúp gia đình chị thu về khoảng 10 triệu đồng.

Chị Hoàng cho biết, trồng chè cho thu nhập khá, hơn nữa, công việc theo thời điểm nên chị vẫn có thời gian làm thêm việc khác để tăng thêm thu nhập. Do đó, gia đình chị đã gắn bó với cây chè hơn 20 năm nay.

Chè xanh tốt, búp đều, người dân Hương Khê phấn khởi thu hái

Nhờ thời tiết thuận lợi, chè Hương Khê xanh tốt, búp đều và dày.

Trên đồi chè, chị Biện Thị Hoài Thanh (thôn Tân Hương – xã Hương Trà) cùng nhân công cũng đang tất bật thu hái. Chè hái đến đâu, chị chở thẳng đến nhà máy chế biến chè để bán tới đó. Gia đình chị Thanh liên kết trồng chè với Xí nghiệp Chè 20/4 hơn 10 năm nay. Với diện tích 1,1 ha, chị Thanh nhẩm tính, đợt hái chính vụ này được khoảng 4,2 tấn chè búp tươi dự kiến sẽ thu về hơn 28 triệu đồng.

Chè xanh tốt, búp đều, người dân Hương Khê phấn khởi thu hái

Thời điểm này, người trồng chè ở các xã Hương Trà, Hương Xuân đang tập trung nhân lực, vật lực để thu hái.

Cùng với gia đình chị Hoàng, chị Thanh, thời điểm này, gần 400 hộ dân liên kết trồng chè với Xí nghiệp Chè 20/4 cũng đang tập trung nhân lực, vật lực thu hoạch chè.

Để “trốn” nắng, bà con bắt đầu hái chè từ 4h sáng tới tầm 9h rồi chiều muộn tiếp tục quay lại đồi chè. Các hộ trồng chè đã bắt đầu thu hái được khoảng 10 ngày nay. Dự kiến khoản 1 tuần nữa sẽ kết thúc đợt thu hoạch.

Chè xanh tốt, búp đều, người dân Hương Khê phấn khởi thu hái

Nguồn nước phục vụ tưới chè ở hồ Khe Bắc (thôn Tân Trà, xã Hương Trà) hiện đang dồi dào.

Theo những người trồng chè, thời tiết là yếu tố quan trọng quyết định đến sự phát triển cây chè. Thời điểm này năm 2020, các hộ dân đang phải nỗ lực bằng mọi biện pháp để chống hạn, cứu cây chè thì năm nay bà con chỉ mới phải tưới nước để tạo ẩm cho đất. Nhờ đó, nguồn nước ở hồ Khe Bắc (phục vụ cho tưới chè) hiện đang dồi dào, chưa bị cạn khô như năm trước.

Chè xanh tốt, búp đều, người dân Hương Khê phấn khởi thu hái

Chè sau khi thu hái được chở tới nhà máy chế biến để cân và bán cho xí nghiệp.

Phó Giám đốc Xí nghiệp Chè 20/4 Trần Văn Hòa cho biết, năm 2020, người trồng chè Hương Khê bị thất thu do nắng hạn làm chết khoảng 30 ha chè vào mùa thu hoạch. Từ đầu năm tới nay, thời tiết thuận lợi, cùng đó là việc chăm bón kỹ lưỡng của người trồng và sự đồng hành của xí nghiệp để đảm bảo khâu chăm sóc đúng quy trình nên cây chè sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ đó, vụ thu hái này, chè đạt cả về năng suất và chất lượng.

Chè xanh tốt, búp đều, người dân Hương Khê phấn khởi thu hái

Năm 2021, Xí nghiệp Chè 20/4 đặt kế hoạch thu mua 1.600 tấn chè tươi để chế biến chè thành phẩm.

“Xí nghiệp đang liên kết sản xuất với khoảng 400 hộ dân. Diện tích chè cho thu hoạch đợt này là 140 ha, thuộc 7 thôn của xã Hương Trà và 1 thôn của xã Hương Xuân. Năng suất chè dự kiến đạt từ 12 – 22 tấn/ha/năm, tùy thuộc vào sự đầu tư, chăm sóc của các hộ trồng. Ước tính đợt thu hoạch này xí nghiệp sẽ thu mua được khoảng 480 tấn chè tươi với giá 6.700 đồng/kg. Cùng với nỗ lực thực hiện kế hoạch thu mua 1.600 tấn chè và chăm sóc diện tích chè đã được trồng lại do bị chết hạn, năm nay, xí nghiệp cũng đặt mục tiêu trồng mới 8 ha” - ông Trần Văn Hòa cho biết thêm.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.