Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo khẩn cấp phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi

(Baohatinh.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành công điện về việc thực hiện khẩn cấp công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, trong đó nhấn mạnh, đến ngày 17/2/2019, đã có 105 ổ dịch xuất hiện tại 25 tỉnh và hơn 950 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Kiểm soát vận chuyển gia súc, tiêu độc khử trùng là một trong những giải pháp phòng ngừa dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn

Tại Việt Nam, theo thông báo của Bộ NN&PTNT, bệnh dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện ở tỉnh Thái Bình và Hưng Yên.

Hà Tĩnh có tổng đàn lợn lớn, chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao, công tác kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển gặp nhiều khó khăn nên nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn trong thời gian tới rất cao.

Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi; để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của bệnh vào địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã trên cơ sở "Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn Châu Phi" (ban hành theo Quyết định số 332/QĐ-UBND ngày 25/1/2019 của UBND tỉnh) khẩn trương xây dựng, phê duyệt kế hoạch của địa phương với các hoạt động cụ thể, tương ứng với các tình huống;

Huy động toàn hệ thống chính trị của địa phương cùng tham gia triển khai phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo chính quyền địa phương và phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở để theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, nếu phát hiện lợn bệnh ốm, chết không rõ nguyên nhân; có các triệu chứng, bệnh tích của bệnh dịch tả lợn Châu Phi hoặc nghi là lợn, sản phẩm lợn nhập vào địa bàn trái phép phải báo cáo ngay để lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm xác định dịch bệnh. Địa phương nào dấu dịch, không báo cáo kịp thời thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh.

Tăng cường quản lý kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn trên địa bàn; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành định kỳ, đột xuất kiểm tra để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn bị dịch bệnh, nhập lậu, không đảm bảo hồ sơ theo quy định;

Thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các cơ sở giết mổ tập trung, chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật; chỉ đạo thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ. Bố trí cán bộ chuyên môn thực hiện kiểm soát giết mổ theo đúng quy trình, đảm bảo gia súc đưa vào cơ sở an toàn dịch bệnh; kiểm tra chặt chẽ và ghi chép đầy đủ thông tin gia súc trước khi đưa vào cơ sở; nghiêm cấm việc nhập gia súc từ tỉnh khác vào cơ sở giết mổ mà không có hồ sơ thủ tục theo đúng quy định;

Thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, các dấu hiệu nhận biết lợn nghi mắc bệnh; người chăn nuôi chỉ mua lợn giống từ các cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng; sử dụng sản phẩm từ lợn đã được kiểm soát của thú y;

Khuyến cáo người chăn nuôi không tái đàn, tăng đàn tại các vùng có mật độ chăn nuôi cao, nơi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh lớn; hướng dẫn tổ chức chăn nuôi với quy mô hợp lý, phù hợp khả năng quản lý và phòng, chống dịch bệnh của từng cơ sở; chăn nuôi khép kín, tự sản xuất con giống, chăn nuôi lợn thịt, các mô hình chăn nuôi liên kết, nuôi an toàn...

Rà soát, củng cố lại hệ thống thú y các cấp, nhất là cấp huyện, xã; bố trí đủ cán bộ chuyên môn, đảm bảo thực hiện kịp thời, hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh động vật, quản lý giết mổ và các nhiệm vụ được giao trên địa bàn;

Tổ chức kiểm điểm nghiêm túc và có hình thức xử lý theo quy định đối với tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch, để dịch lây lan sang địa phương khác.

Giám đốc Sở NN&PTNT chủ động nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình dịch bệnh trên lợn nói chung và bệnh dịch tả lợn Châu Phi nói riêng để kịp thời tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh;

Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp chủ động phòng, phống dịch bệnh tại các địa phương; đồng thời phối hợp với các sở, ngành chức năng tổ chức tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn, sản phẩm của lợn sai quy định, không rõ nguồn gốc;

Chỉ đạo ngành chuyên môn hướng dẫn các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống bệnh, các phương án cụ thể và tham mưu sẵn sàng vật tư, hóạ chất, nhân lực để ứng phó với bệnh dịch tả lợn Châu Phi; Phối hợp với các địa phương, đơn vị rà soát, nắm chắc tổng đàn chăn nuôi, khuyến cáo người chăn nuôi không tái đàn, tăng đàn tại các vùng có mật độ chăn nuôi cao, nơi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh lớn;

Hướng dẫn tổ chức chăn nuôi với quy mô hợp lý, phù hợp khả năng quản lý và phòng, chống dịch bệnh của từng cơ sở; chăn nuôi khép kín, từ sản xuất con giống, chăn nuôi lợn thịt, các mô hình chăn nuôi liên kết, nuôi an toàn cùng vào, cùng ra...

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT rà soát, chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí để phục vụ công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; đề xuất phương án hỗ trợ kinh phí trong trường hợp phát hiện lợn và các sản phẩm của lợn dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi và buộc phải tiêu hủy; rà soát mức hỗ trợ kinh phí và cơ chế, thời gian hỗ trợ để người chăn nuôi tích cực hợp tác, báo cáo dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định...

Chủ đề Dịch bệnh GS-GC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói