Điểm bắt đầu của Cồn Cồ xưa, nay thuộc TDP Bắc Quý, phường Thạch Quý.
Từ mảnh đất bi thương…
Theo lịch sử Đảng bộ phường Thạch Quý, địa phương trước đây là 4/11 thôn của xã Trung Tiết, thuộc tổng Thượng Nhị, phủ Thạch Hà. Năm 1954, thực hiện chủ trương của Chính phủ, xã Trung Tiết chia thành 4 xã: Thạch Quý, Thạch Hưng, Thạch Yên và Thạch Phú thuộc huyện Thạch Hà. Đến năm 1989, xã Thạch Quý được sáp nhập vào TX Hà Tĩnh. Tại đây có địa danh Cồn Cồ - nơi gắn liền với ký ức đau thương của người dân Hà Tĩnh khi từng là địa điểm chôn cất người chết đói năm 1945.
Ngược dòng thời gian, trở về trước năm 1945, thời đó dân làng nơi đây phải “ăn cơm vay, cày ruộng rẽ”, cuộc sống khốn khổ trăm bề, không được học hành. Số ít gia đình nông dân có ruộng nhưng cuộc sống chật vật, ăn không đủ no.
Là địa bàn nằm sát và gần như bao quanh tỉnh lỵ, Nhân dân 11 thôn của xã Trung Tiết luôn trong tình trạng bị vơ vét tài nguyên phục vụ quân Nhật ráo riết. Sưu thuế thu bằng thóc, cứ mỗi mẫu ruộng sản lượng 3 tạ thóc thì phải nộp 1 tạ, thường gọi là thuế 3 mẫu. Chúng bắt dân phá lúa trồng đay, thu hồi các đồ vật bằng đồng, thiếc để phục vụ quốc phòng, của cải trong Nhân dân tận thu hết sạch.
Trụ sở hành chính khang trang của phường Thạch Quý hiện nay.
Tình thế lúc này ở Hà Tĩnh nói chung, vùng phụ cận đô thị nói riêng diễn biến hết sức phức tạp, kinh tế trống rỗng. Sau tết Ất Dậu, tình hình càng trở nên gay go do chính sách khai thác, bóc lột, vơ vét của Pháp - Nhật nên đời sống Nhân dân ta vô cùng khổ cực. Từng đoàn người trẻ, già, đàn ông, đàn bà, quần áo tả tơi từ các vùng nông thôn kéo về thị xã ăn xin.
Từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1945, nạn đói khủng khiếp xảy ra trong cả nước đã cướp đi sinh mệnh của hơn 2 triệu người dân. Riêng Hà Tĩnh có 5 vạn người chết đói. Địa bàn Trung Tiết và thị xã có số người chết đói cao, nằm la liệt khắp nơi, hằng ngày chính quyền phải đưa xe bò đi lượm xác bỏ vào hố chôn chung ở những bãi hoang dọc theo đường mương nước (nay là một phần đường Phan Đình Giót), bãi cát Cồn Cồ.
Trước tình hình cấp bách đó, không thể để người dân tiếp tục chết đói, nhiều cán bộ thoát khỏi chốn lao tù cùng với các tổ chức cách mạng lãnh đạo quần chúng ở các huyện: Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh phá kho thóc của Nhật, cứu đói cho Nhân dân. Bà con nông dân ở các huyện này đã nhường cơm, sẻ áo cho Nhân dân các huyện bạn. Quỹ cứu đói cũng được thành lập ở nhiều nơi.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1937) - bà Trương Thị Dung (SN 1937) đều là những người trải qua nạn đói “kinh hoàng” năm 1945.
Ở thị xã, với chính sách mị dân, chính quyền đã cho lập trại tế bần. Đây là khu trại được dựng lên để thực hiện việc cứu tế, cung cấp lương thực miễn phí. Một số gia đình kinh doanh lớn và các tín đồ phật giáo cũng mở quỹ cứu đói. Hàng trăm người tuy nhận được cơm, cháo từ phát chẩn nhưng rồi cũng phải chết vì sức cùng lực kiệt. Hoàn cảnh đau thương này càng thúc đẩy Nhân dân ta quyết tâm đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.
Tháng 8/1945, Nhân dân Trung Tiết đã rầm rập kéo lên tỉnh lỵ, phối hợp cùng bà con khắp mọi miền đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay Nhân dân.
Tôi tìm đến ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1937) tại tổ dân phố (TDP) Bắc Quý - một trong những người đã trải qua nạn đói năm 1945. Ông Tiến nhớ lại: Năm 1945, riêng trong làng đã có hơn 250 người chết đói, trong đó, gia đình tôi có 5 người. Lúc ấy, tôi mới 8 tuổi, hễ tìm kiếm được thứ gì thì cha mẹ sẽ đưa cho tôi ăn, vì thế, tôi mới sống sót. Nhiều người hàng xóm của tôi phải rời bỏ nhà cửa để ra đường đi xin ăn, lê lết dọc đường. Dù nạn đói đã trôi qua hơn 77 năm nhưng với hồi ức lúc 8 tuổi của tôi thì đó vẫn là một ký ức kinh hoàng.
Một góc Cồn Cồ ngày nay.
… đến miền quê đầy sức sống
Rảo bước trên những con đường mới, phố thị sầm uất của phường Thạch Quý hôm nay, tôi cảm nhận được một sức sống mới của đô thị trẻ như đang bừng lên trong nắng ấm mùa thu. Như bao miền quê khác, sự đổi thay của Thạch Quý cũng bắt đầu từ Cách mạng tháng Tám 1945. Từ mùa thu cách mạng ấy, đến nay, cán bộ và Nhân dân Thạch Quý luôn đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, chung sức xây dựng cuộc sống mới no ấm, hạnh phúc, xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.
Người dân phường Thạch Quý chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ông Võ Tá Trúc - Tổ trưởng TDP Bắc Quý cho biết: “Cồn Cồ từng được ví như “vùng đất chết” năm xưa, nay đã hoàn toàn đổi khác. Ngày nay, một màu xanh tươi mới của cây cối, những mái nhà cao tầng, những công trình hiện đại đang dần được hình thành. Cùng với phường Thạch Quý, TDP Bắc Quý đang trên đường xây dựng đô thị văn minh, hiện đại”.
Đã 77 năm trôi qua kể từ ngày thu lịch sử ấy, ngày nay, phường Thạch Quý đã mang một diện mạo mới. Đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao, tổng thu nhập bình quân đầu người 6 tháng đầu năm 2022 đạt 60,4 triệu đồng; nhiều tuyến phố văn minh được xây dựng, những mô hình kinh tế tiền tỷ được hình thành… Đó là minh chứng cho sự can trường, vượt khó bền bỉ của các thế hệ cha anh và của cả hậu thế hệ mai sau.
Phường Thạch Quý đang từng bước xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Quý cho biết: “Phường đã đạt tiêu chí văn minh đô thị năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2022, phường đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí phường văn minh đô thị. Đặc biệt, phường đã tổ chức phát động 60 ngày cao điểm chỉnh trang vườn hộ, phá bỏ vườn tạp, xây dựng đô thị văn minh. Tính đến thời điểm hiện tại, địa phương đã chỉnh trang được 37 vườn hộ, phá bỏ 6 vườn tạp. Triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí phường văn minh đô thị”.
Chia tay mảnh đất Thạch Quý, nhìn những gương mặt rạng rỡ của người dân, tôi hiểu rằng: Khó khăn đã hun đúc thêm ý chí vươn lên của con người nơi đây. Bằng bàn tay và khối óc, họ không cam chịu đói nghèo như cách các thế hệ đi trước đã vùng lên chống lại thực dân phong kiến để giành độc lập”.
* Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn Lịch sử Đảng bộ phường Thạch Quý (1930-2015).