Còn mãi với thời gian...

(Baohatinh.vn) - Vậy là một con người nghiêm cẩn, khả kính, vô cùng gần gũi, thân thiết với tất cả mọi người, đặc biệt là cán bộ hai ngành Tuyên giáo - Văn hóa Nghệ Tĩnh, nay đã không còn nữa. Ông Trần Nhật Tiến đã theo mây ngàn gió núi Sơn Tân - Xa Lang (Hương Sơn, Hà Tĩnh) về với tiên tổ muôn đời, để lại những nỗi nhớ thương và sự cảm phục trong lòng người ở lại.

Còn mãi với thời gian...

Ông Trần Nhật Tiến

Dù tôi gặp gỡ, tiếp xúc với ông không nhiều nhưng với gia đình tôi, ông thật gần gũi, thân thiết và đáng kính. Lật giờ từng trang của cuốn sách Còn mãi với thời gian với lời tựa đầy tôn kính và yêu thương của người con trai cả Trần Thanh Sơn nhân dịp mừng ông tròn 90 tuổi, tôi rưng rưng xúc động. Một cuốn phim quay chậm về lịch sử, nhân cách, đạo đức, tác phong của một con người suốt đời cống hiến cho Đảng, cho dân, một người ông, người cha, người chồng, người đồng nghiệp, người thủ trưởng nhân từ, mẫu mực, kiên cường trong gian khó hiện lên rõ nét từng trường đoạn, khiến tôi cũng như nhiều người khác vô cùng cảm phục.

Trong phần I cuốn sách: Cha mẹ chúng tôi được in lồng trên nền ngọn núi Thiên Nhẫn, dòng Ngàn Phố êm đềm, anh Trần Thanh Sơn đã ôn lại chặng đường hoạt động cách mạng của cha mình, từ khi làm Bí thư Đoàn thanh niên cứu quốc xã Tân Mỹ (Sơn Tân, Sơn Mỹ), được kết nạp Đảng tại quê nhà, làm Trưởng ban Tuyên huấn Thông tin của xã cho đến những năm tháng cuối cùng sinh hoạt trong Khối 17 phường Hà Huy Tập, TP Vinh.

Còn mãi với thời gian...

Các đồng nghiệp nguyên là cán bộ Sở Văn hoá thông tin Hà Tĩnh (cũ) chụp ảnh nhân ngày mừng thọ ông 90 tuổi

Tháng 4/1950, đang làm cán bộ xã, Trần Nhật Tiến được điều lên làm cán bộ Văn phòng Liên Việt tỉnh, rồi lại về làm cán bộ Huyện ủy, UBND huyện Hương Sơn. Năm 1953, ông làm cán bộ Tuyên huấn Đoàn ủy Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ban Tôn giáo vận Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Tháng 7/1956, ông làm cán bộ Tuyên huấn Tỉnh ủy Hà Tĩnh, phụ trách thời sự, biên tập Tờ Tin Hà Tĩnh, tiền thân Báo Hà Tĩnh. Từ năm 1972, ông là Phó Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Năm 1973, ông được cử đi học tại Khoa Kinh tế chính trị, Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Sau đó, ông trờ lại làm việc, tiếp tực giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy.

Năm 1976, nhập tỉnh, ông làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Quyền Trưởng ban Tuyên huấn, năm 1980 làm Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Nghệ Tĩnh. Năm 1991 tách tỉnh, ông về Hà Tĩnh làm Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh và năm 1993 nghỉ hưu tại TP Vinh.

“Tựa như dòng sông Ngàn Phố quê hương, lúc thì hiền hòa thơ mộng, lúc thì nước cuộn sóng trào, cuộc đời cha cũng có lúc trầm lúc bổng...Suốt sự nghiệp cống hiến cho cách mạng, cha đã gặt hái được một số thành quả nhất định, góp một phần nhỏ vào công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước”-Anh Sơn tự hào viết về người cha của mình.

Còn mãi với thời gian...

Bìa cuốn sách Còn mãi với thời gian

Trong phần II: Lời chúc, ông Đặng Duy Báu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh viết về người đồng chí, đồng nghiệp đi trước của mình: “Anh Tiến thường có những đề xuất mới mẻ trong tư duy, những giải pháp hợp lý trong chỉ đạo với ý thức tìm tòi cái mới và bảo vệ cái đúng. Trước những cán bộ lãnh đạo lứa đàn em như chúng tôi, anh luôn nể trọng và khiêm nhường, không so bì, đố kỵ, thường trao đổi, đưa ra những đóng góp sâu sắc và xác đáng”

Ông Trần Quốc Ban - nguyên UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá ông về lĩnh vực văn hóa: “15 năm nhập tỉnh và 4 năm sau tách tỉnh, anh đã dồn bao công sức, trí tuệ cho lĩnh vực này, nên mảnh đất xứ Nghệ ghi công anh qua các ca khúc thu hút lòng người và các công trình văn hóa khác nhau trên quê hương thân yêu… Là con người có phong cách sống chững chạc, độc lập suy nghĩ, các vấn đề đưa ra được cân nhắc kỹ lưỡng và có phương pháp luận chặt chẽ, logic, dễ thu phục lòng người”.

Nghệ sĩ nhân dân Phạm Tiến Dũng - nguyên Phó Giám đốc sở Văn hóa thể thao Nghệ An nhắc lại kỷ niệm riêng với “chú Tiến” và nhận định: “Sau này, khi làm quản lý Đoàn Nghệ thuật rồi về Sở VHTT, tôi càng hiểu hơn về chú, một giám đốc sở vừa sâu sắc trong kinh nghiệm quản lý, vừa nhân ái, bao dung trong xử sự công việc, nghĩa tình trong cuộc sống”. Chị Bùi Thị Nga - nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh bùi ngùi nhắc lại những ân tình của một vị giám đốc luôn gần gũi, thân thương như người cha, quan tâm chu đáo đến gia đình liệt sĩ, đồng thời lại là vị “tư lệnh ngành” đầu bạc mà chí trẻ, không ngại khó khăn, gian khổ trong những ngày đầu tách tỉnh. Chị viết: “Tôi nhớ bác lúc ấy như một vị tướng, mái tóc đã bạc luôn trong tư thế xung trận. Một chiếc U oát màu xanh, vẫn tác phong nhanh nhẹ hoạt bát, không ai nghĩ bác đã gần 60 tuổi. Anh chị em trong sở và các đơn vị trong ngành đều quây quần bên vị thủ lĩnh của mình, làm việc tích cực không kể ngày đêm để ổn định công tác tổ chức, xây dựng cơ sở vật chất và hoạt động chuyên môn”.

Thời kỳ này, mặc dầu bộn bề lo toan vất vả nhưng qua lời kể của rất nhiều người trong cuốn sách, Giám đốc sở Văn hóa Thông tin Trần Nhật Tiến đã rất quan tâm tới việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, khôi phục một số loại hình văn nghệ dân gian có nguy cơ bị mai một nhằm khơi dậy giá trị văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Lễ hội văn hóa thể thao toàn tỉnh lần đầu tiên được tổ chức sau tái lập tỉnh lan tỏa rộng rãi đến các xã, thị trấn và đều đặn hàng năm được duy trì. Ông Tiến cũng coi trọng vấn đề văn hóa tư tưởng, xây dựng nếp sống đô thị, phát huy thuần phong mỹ tục, xóa bỏ mê tín dị đoan, xây dựng làng xã văn hóa, gia đình văn hóa…

Ghi nhận công lao đó của ông, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì. Ông cũng đã được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Điều đặc biệt mà qua cuốn sách tôi cảm nhận được, đó là tình cảm gần gũi chan hòa, lối sống trong sáng giản dị, sự mẫu mực khiêm nhường của ông với tất cả mọi đồng nghiệp, người thân, gia đình, bạn bè. Có lẽ, điều này đã làm nên một hình ảnh ông trong tâm khảm của mọi người, Còn mãi với thời gian, với nhân thế.

Và tôi, không hiểu sao, giờ phút này lại liên tưởng đến những câu trong: “Thép đã tôi thế đấy” của A-xtrốp- xki: “Đời người chỉ sống có một lần, hãy sống sao cho xứng đáng, cho khỏi hổ thẹn vì những năm tháng đã sống hoài sống phí…”

Và tôi tin, nơi ấy, ông sẽ ngậm cười mãn nguyện vì mình đã sống một cuộc đời sôi nổi và cống hiến hết mình cho quê hương đất nước!

12/3/2020

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.