Nhà máy sản xuất Pin VinES đã hoàn thành xây dựng hạ tầng, lắp đặt máy móc để đưa vào chạy thử.
Nếu như cuối năm 2021, Hà Tĩnh đón niềm vui khởi công xây dựng dự án Nhà máy Sản xuất Pin VinES thì cuối năm 2022, niềm vui ấy được nhân lên khi nhà máy đã hoàn thành lắp đặt thiết bị để đưa vào chạy thử, chuẩn bị cho sản xuất. Với quy mô giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, nhà máy đi vào hoạt động sẽ là một trong những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Đặc biệt hơn, vào giữa tháng 11/2022, dự án sản xuất pin thứ 2 mang tên Nhà máy liên doanh Sản xuất Pin Lithium VinES-Gotion do Công ty CP Giải pháp năng lượng VinES (thành viên Tập đoàn Vingroup) và Công ty Gotion, Inc. (thành viên Gotion High-Tech) hợp tác đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng cũng đã làm lễ động thổ. Có tổng mức đầu tư 275 triệu USD, dự án được kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá mới của ngành công nghiệp Hà Tĩnh. Dự kiến đến quý I/2024, nhà máy sẽ hoàn thành việc lắp đặt máy móc, dây chuyền sản xuất và bắt đầu vận hành.
Lãnh đạo tỉnh và nhà đầu tư thực hiện nghi thức bấm nút tại lễ động thổ dự án Nhà máy liên doanh sản xuất Pin Lithium VinES-Gotion tại Khu Kinh tế Vũng Áng vào tháng 11/2022. Ảnh: Thu Trang
Tại buổi lễ động thổ, bà Phạm Thùy Linh - Tổng Giám đốc Công ty CP Giải pháp năng lượng VinES khẳng định: Dự án Nhà máy liên doanh Sản xuất Pin Lithium VinES-Gotion chính là cấu phần quan trọng trong chiến lược tự chủ về nguồn cung pin cho các dòng xe điện VinFast, cũng như trong chiến lược phát triển thành công ty giải pháp năng lượng hàng đầu của VinES. Nằm ngay cạnh nhà máy sản xuất pack pin VinES, nhà máy mới này sẽ hoàn thiện chu trình sản xuất khép kín pin LFP tại Việt Nam, qua đó nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trên các dòng xe điện VinFast, mở ra những cơ hội phát triển mới cho ngành công nghiệp xe điện và năng lượng sạch của Việt Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cũng nhấn mạnh rằng, 2 dự án nhà máy pin khi đi vào hoạt động sẽ đưa Khu kinh tế Vũng Áng tiếp tục phát triển, từng bước trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất ô tô, nâng tầm thương hiệu ô tô quốc gia đối với cả khu vực, thế giới và đánh dấu bước đột phá bền vững của ngành công nghiệp tỉnh nhà.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo tỉnh tham quan dây chuyền sản xuất bia sau lễ khánh thành Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh (tháng 8/2022). Ảnh Dương Chiến
Một dấu ấn đậm nét trong bức tranh công nghiệp tỉnh năm 2022 là đưa vào vận hành chính thức Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh (TX Hồng Lĩnh) vào đầu tháng 9/2022. Nhà máy do Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn làm chủ đầu tư, công suất giai đoạn 1 của dự án đạt 50 triệu lít/năm.
Theo ông Trần Quang Thưởng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn, sau hơn 5 tháng đưa sản phẩm ra thị trường, đến nay, nhà máy đã sản xuất được khoảng 10 triệu lít bia. Với công nghệ, quy trình sản xuất hiện đại, những năm tiếp theo, khi sản phẩm được thị trường đón nhận, nhà máy sẽ đóng góp lớn cho ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế.
Nhà máy Thủy điện Ngàn Trươi với công suất 25,5 MW đã hoàn thành sau 5 năm thi công và hòa lưới điện quốc gia.
Không chỉ vậy, khép lại năm 2022, Nhà máy Thủy điện Ngàn Trươi với công suất 25,5 MW đã hoàn thành sau 5 năm thi công và hòa lưới điện quốc gia, đóng góp thêm vào tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp. Và trong năm 2023, dự kiến nhiều dự án đi vào hoạt động như: Khu bồn hóa dầu, hóa chất cơ bản tại Khu kinh tế Vũng Áng; Nhà máy Sợi Nghệ Tĩnh tại Cụm công nghiệp Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh); Nhà máy Thủy điện Hương Sơn 2...
“Điểm danh” những luồng gió mới cho công nghiệp không thể bỏ qua những nhà máy quy mô lớn đang được tập trung thi công như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2, Nhà máy MayPro Sports Nghi Xuân…
Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn công nghệ cao của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải đã chạy thử dây chuyền sản xuất.
Ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công thương cho biết: Hiện nay, giá trị sản xuất công nghiệp của Hà Tĩnh đang phụ thuộc phần nhiều vào một vài doanh nghiệp lớn như: Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. Do đó, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đã, đang đầu tư sớm hoàn thành. Các dự án mới đi vào hoạt động hiệu quả sẽ góp phần đa dạng sản phẩm công nghiệp, làm tăng giá trị sản xuất, tạo nên sự tăng trưởng bền vững cho ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế tỉnh nói chung.
Không chỉ có sự góp mặt của các nhân tố mới, công nghiệp Hà Tĩnh năm 2022 còn ghi dấu bởi những bước tiến của nhiều “ông lớn” sau những tác động của dịch COVID-19 như: Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh nâng công suất từ 50 triệu lít/năm lên 70 triệu lít/năm; Công ty CP Phát triển công nghiệp xây lắp và Thương mại Hà Tĩnh, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải xây dựng thêm nhà máy…
Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh phát triển thị trường nội địa để đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ.
Trên cơ sở những yếu tố thuận lợi tạo đà cho một năm mới, ngành công thương đề ra mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng trên 11% so với năm 2022.
Theo tư lệnh ngành Công thương Hoàng Văn Quảng, để thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp, đơn vị sẽ đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai để sớm đưa vào sản xuất; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và SXKD trong cụm công nghiệp; thu hút đầu tư các cụm công nghiệp theo hình thức xã hội hóa; triển khai thực hiện các chính sách về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025; xây dựng kế hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh đồng bộ với Quy hoạch điện VIII quốc gia và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.