Với vai trò, trách nhiệm của mình, ông Trần Nam Giang - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn 10 và các thành viên luôn quan tâm vận động, hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình kinh tế và thực hiện phong trào, cuộc vận động do các cấp phát động.
Thôn 10 có 115 hộ gia đình với 425 nhân khẩu chia thành 8 tổ dân cư tự quản. Dù có lợi thế về vườn đồi nhưng thời gian trước, người dân trong thôn chưa tìm được hướng phát triển kinh tế hiệu quả, các mô hình còn nhỏ lẻ.
Thế nhưng, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự vào cuộc của Ban Công tác Mặt trận thôn trong tuyên truyền vận động, mở hướng đi mới, người dân đã mạnh dạn đầu tư vốn để nuôi hươu, nuôi lợn, trồng cam... đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, đời sống người dân ngày càng thay đổi.
Ông Trần Nam Giang - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn 10 cho rằng, để tuyên truyền có hiệu quả, lời nói phải đi đôi với việc làm, cán bộ phải đi trước làm gương cho bà con. Với lợi thế vườn đồi, gia đình ông đã quyết định đầu tư nuôi lợn rừng theo phương pháp hữu cơ. Lợn được cho ăn rau chuối, các loại cỏ, quả xanh và một số loại lá dược liệu phù hợp.
Ông Giang cho biết: "Đến thời điểm hiện tại, đàn lợn đang phát triển tốt với gần 100 con lợn thịt và lợn nái. Ngoài ra, tôi còn nuôi thêm gần 30 con hươu để phát triển kinh tế. Thịt lợn rừng Nam Giang cũng là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao đầu tiên của thôn 10 vào năm 2021”.
Từ sự đi đầu của người cán bộ thôn, từ công tác tuyên truyền vận động của Ban Công tác Mặt trận và nỗ lực của người dân trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo, thôn 10 đã xây dựng được 28 mô hình kinh tế có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Trong đó, nhiều mô hình tiêu biểu như: thịt lợn rừng Nam Giang; tổ hợp tác chăn nuôi nông nghiệp tuần hoàn lợn rừng và hươu sao theo hướng hữu cơ; tổ hợp tác trồng cam VietGAP; mô hình trồng cây nhân trần làm dược liệu… Các mô hình, tổ hợp tác cũng là địa chỉ chia sẻ, học tập kinh nghiệm cho bà con trong và ngoài huyện.
Ông Nguyễn Văn Tý - người dân thôn 10 cho biết: “Với sự động viên, đồng hành của Ban Công tác Mặt trận thôn, gia đình tôi đã mạnh dạn phát triển kinh tế, nhân giống đàn hươu lên 20 con và trồng hơn 1ha cam bù. Với những nguồn thu từ hươu và cam trị giá hơn 100 triệu đồng/năm đã giúp gia đình nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Từ việc tập trung phát triển các mô hình kinh tế, đời sống người dân thôn 10 đã ngày càng khởi sắc. Đến nay, toàn thôn chỉ còn 2 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đạt 52 triệu đồng/người/năm. Người dân tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2019 đến 2021, toàn thôn đã huy động nội lực được hơn 1,7 tỷ đồng để củng cố các tiêu chí và được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2021.
Ông Hồ Khánh Tuấn - Thôn trưởng thôn 10 cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, vận động người dân nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng thêm nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, đưa thôn 10 trở thành đơn vị tiêu biểu của địa phương trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới”.
Sự nỗ lực của Ban Công tác mặt trận thôn 10 đã góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết của người dân, làm nên sự đổi thay về đời sống kinh tế và bức tranh nông thôn mới trên vùng đồi núi.
Ban Công tác Mặt trận thôn 10, xã Sơn Trường là đơn vị tiêu biểu của huyện trong việc phát huy tốt vai trò tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Sự đồng hành của ban trong việc phát triển kinh tế đã giúp đời sống Nhân dân ngày càng khấm khá, diện mạo nông thôn từng bước khởi sắc.
Từ những kết quả tích cực của Ban Công tác Mặt trận thôn 10, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương khác thực hiện tốt việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống