Dẫn chúng tôi đi thăm 10 sào chè được trồng mới hồi tháng 10/2021, ông Hoàng Văn Nỷ ở thôn Đất Đỏ cho biết: “Với thâm niên trồng chè hàng chục năm, nay tôi đã có điều kiện để tái đầu tư. Ngoài 0,8ha chè đã cho thu nhập ổn định, vừa qua, tôi tiếp tục trồng thêm 1ha. Để tránh tổn thất do hạn hán, tôi đã mạnh dạn đầu tư hệ thống béc tưới để đảm bảo an toàn ngay từ khâu làm đất”.
Trưởng thôn Đất Đỏ Trần Trọng Thể (bên phải) trao đổi cùng ông Hoàng Văn Nỷ về kỹ thuật thu hái chè trong điều kiện nắng nóng.
Đợt nắng hạn này, gia đình ông Nỷ hoàn toàn chủ động việc tưới nước, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cây chè, giúp diện tích chè trồng mới phát triển nhanh, khỏe mạnh.
Cũng tại thôn Đất Đỏ, chủ vườn chè 3ha của gia đình ông Trương Xuân Bắc đã vượt qua đợt nắng hạn này nhờ hệ thống béc tưới hiện đại.
Ông Trương Xuân Bắc (thôn Đất Đỏ) vận hành hệ thống tưới trên vườn chè 3ha của gia đình.
Nhờ đảm bảo nguồn nước, thực hiện bài bản quy trình thâm canh, mỗi năm, gia đình ông Bắc thu hái được hơn 40 tấn chè búp tươi, trị giá xấp xỉ 300 triệu đồng.
Ông Bắc cho biết: “Riêng trong 4 tháng thu hoạch đầu năm 2022 (từ tháng 3 đến hết tháng 6), gia đình đã có hơn 20 tấn chè thương phẩm. Dù giá chè mấy năm gần đây có giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng đầu ra của sản phẩm ổn định nên bà con yên tâm gắn bó với nghề truyền thống”.
10 sào chè mới xuống giống tháng 10/2021 của ông Hoàng Văn Nỷ, thôn Đất Đỏ phát triển nhanh nhờ chủ động nguồn nước.
Theo ông Trần Trọng Thể - Trưởng thôn Đất Đỏ, trước đây khi chưa lắp hệ thống tưới thì nắng hạn có khi làm chết rất nhiều diện tích chè trồng mới và ảnh hướng lớn tới năng suất chè cũ. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, người dân đã chủ động đầu tư hệ thống tưới. Toàn thôn có 54 ha chè thì 80% diện tích đã được lắp đặt hệ thống tưới; trong đó, riêng 100% diện tích chè kiến thiết (25ha chè mới trồng trong vòng 2 năm) được đảm bảo nước tưới ngay từ đầu.
Thôn Trung Sơn cũng là một trong những địa phương có diện tích chè khá lớn của xã Kỳ Trung, với tổng diện tích 42ha. Trong 6 tháng đầu năm, bà con đã thu được hơn 200 tấn sản phẩm. Tại đây, hầu hết những chủ vườn chè có diện tích lớn đều đã đầu tư bài bản, đặc biệt là hệ thống tưới.
Thôn Trung Sơn có tổng diện tích 42 ha chè công nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND xã Kỳ Trung thông tin: “Trong 2 năm 2020 và 2021, xã Kỳ Trung trồng mới được gần 25 ha chè, chiếm 50% diện tích chè trồng mới của toàn huyện. Nhờ chủ động đầu tư hệ thống tưới nên diện tích này được bảo toàn và phát triển tốt trong các đợt nắng hạn. Ngoài ra, gần 130 ha chè kinh doanh cũng cơ bản đảm bảo nguồn nước nên đạt sản lượng ổn định. Trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng chè toàn xã đạt 770 tấn (toàn huyện 1.290 tấn) bằng sản lượng cùng kỳ năm 2021”.
Diện tích chè trồng mới ở xã Kỳ Trung cơ bản chủ động nước tưới.
Dù tỉnh và huyện chưa có chính sách hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới nhưng người trồng chè ở các xã vùng thượng Kỳ Anh đã được động viên với công trình đập chứa nước đang triển khai trên địa bàn với số tiền đầu tư 5 tỷ đồng, hứa hẹn đảm bảo nước tưới ổn định cho vùng sản xuất tập trung hơn 30 ha. Thêm vào đó, mô hình trồng, thâm canh một số giống chè của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc cũng sẽ hỗ trợ hệ thống tưới trên diện tích 3,5 ha. Việc có thêm điều kiện đảm bảo an toàn cho cây chè trong mùa nắng nóng sẽ giúp Xí nghiệp Chè 12/9 ổn định năng suất, chất lượng nguyên liệu phục vụ chế biến.