Để hương ước đi vào đời sống của người dân Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Hương ước là văn bản tổng hợp, hàm chứa nội dung rất đa dạng, phong phú, bao trùm nhiều mặt sinh hoạt cộng đồng nông thôn. Các địa phương ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để phát huy vai trò của hương ước trong xây dựng đời sống, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

Ông Phạm Trọng Hợp - Phó Chủ tịch UBND xã Mai Phụ (Lộc Hà): "Gắn nội dung hương ước với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới"

Để hương ước đi vào đời sống của người dân Hà Tĩnh

Ông Phạm Trọng Hợp: "Hương ước được điều chỉnh, bổ sung theo từng giai đoạn, gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương".

Trước năm 2000, đời sống của người dân xã Mai Phụ vẫn còn nhiều khó khăn, nhận thức hạn chế nên còn nhiều hủ tục tồn tại trong cộng đồng dân cư. Năm 2000, các thôn bắt đầu ban hành hương ước, trong đó, quy định những điều liên quan đến xây dựng, phát huy yếu tố văn hóa làng xã, gìn giữ những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống.

Đến năm 2010, khi địa phương bước vào công cuộc xây dựng NTM, hương ước có nhiều bổ sung, điều chỉnh quan trọng. Theo đó, các điều khoản trong hương ước được gắn với nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng NTM của địa phương. Xã đã tổ chức cho đội ngũ cán bộ các thôn đi tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng NTM tại nhiều địa phương trong tỉnh để nâng cao nhận thức, hiểu biết. Đội ngũ này sau đó đã tích cực tuyên truyền tư tưởng mới, triển khai cách làm mới đến người dân. Những điều khoản về xây dựng nếp sống mới trong việc cưới, tang, lễ hội; xây dựng nhà sạch, vườn đẹp, thôn xóm văn minh; gia đình văn hóa, gia đình thể thao... được quy định chặt chẽ, rõ ràng trong các bản hương ước.

Với vai trò quản lý, điều hành, xã đã thường xuyên giám sát việc thực hiện tại các thôn; có những điều chỉnh, bổ sung, chỉ đạo phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, khuyến khích thôn biểu dương, khích lệ đối với những cá nhân, hộ gia đình thực hiện tốt để nêu gương cho người dân làm theo. Việc thực hiện hiệu quả hương ước đã góp phần giúp Mai Phụ được công nhận xã NTM nâng cao vào cuối năm 2021.

Bà Đoàn Thị Hường - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Vĩnh Trung (xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà): “Quy định giữ gìn vệ sinh môi trường trở thành phong trào có sức lan tỏa”

Để hương ước đi vào đời sống của người dân Hà Tĩnh

Bà Đoàn Thị Hường: "Phong trào "5 không, 3 sạch" đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của hội viên, người dân".

Từ lâu, việc giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm, không gian sinh hoạt công cộng, nhà cửa của từng hộ gia đình đã trở thành quy định chung của thôn. Cán bộ thôn cũng thường xuyên quán triệt đến người dân nội dung này thông qua các cuộc họp, các văn bản. Tuy nhiên, phải đến đầu năm 2017, khi các cấp hội phụ nữ phát động xây dựng mô hình “5 không, 3 sạch” thì mới trở thành một phong trào.

Để tuyên truyền cho người dân hiểu và thực hiện “5 không, 3 sạch”, thời kỳ đầu, cán bộ hội phải đến từng hộ giải thích, cầm tay chỉ việc cho người dân và từng hội viên. Khi phong trào đã đi vào nền nếp, chi hội cũng phải thường xuyên sâu sát, phân công nhiệm vụ cho từng nhóm hội viên đảm nhận các phần việc cụ thể.

Sau hơn 5 năm triển khai, từ những thói quen, những quy định trong cộng đồng dân cư đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, hơn 70% hộ dân trong thôn có hố xử lý rác thải tại nguồn; hàng chục hộ dân trong thôn đạt danh hiệu “nhà sạch, vườn đẹp”; nhiều hội viên xây dựng được mô hình vườn mẫu; đường làng, ngõ xóm thoáng đẹp, văn minh. Thôn Vĩnh Trung đã đạt danh hiệu khu dân cư kiểu mẫu năm 2021 và đang đồng hành cùng xã phấn đấu cho mục tiêu xã NTM kiểu mẫu vào năm 2023.

Ông Đặng Xuân Kim - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn 3 (xã Hòa Hải, Hương Khê): "Cán bộ thôn đi đầu, nêu gương trong thực hiện hương ước"

Để hương ước đi vào đời sống của người dân Hà Tĩnh

Ông Đặng Xuân Kim: "Chúng tôi lấy nêu gương, nhắc nhở làm cốt lõi; sau đó, áp dụng những quy định thưởng phạt phân minh để người dân hiểu và chấp hành".

Từ năm 2000, bắt nhịp với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chúng tôi cũng xây dựng bản hương ước của thôn. Các nội dung trong hương ước được xin ý kiến tận các hộ dân, tổ liên gia và đoàn thể; sau đó được xã, huyện thẩm định, phê duyệt.

Sau khi có bản hương ước, ngoài việc niêm yết đầy đủ văn bản ở nhà văn hóa thôn, chúng tôi còn trực tiếp thông tin, tuyên truyền nội dung hương ước đến người dân thông qua các buổi sinh hoạt, hội họp ở thôn và các buổi lao động, gặp gỡ. Đặc biệt, liên đoàn cán bộ thôn, các đảng viên trong chi bộ thôn đều có trách nhiệm nêu gương, đi đầu trong thực hiện hương ước; từ đó nhắc nhở, hướng dẫn người dân cùng làm theo.

Thời gian đầu thực hiện hương ước, liên đoàn cán bộ thôn lấy nêu gương, nhắc nhở làm cốt lõi; thời gian sau, khi hương ước dần đi vào nền nếp, chúng tôi áp dụng những quy định thưởng phạt phân minh để người dân hiểu và chấp hành.

Với cách làm đó, đến nay, việc thực hiện hương ước đã trở thành thói quen, nếp sống trong mỗi người dân. Đời sống văn hóa Nhân dân trong thôn ngày càng được nâng lên, tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt trên 40 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,1% (2 hộ); tỷ lệ gia đình văn hóa, gia đình thể thao hằng năm luôn đạt trên 95%...

Bà Phan Thị Thành (thôn Lạc Vinh, xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh): "Thực hiện hương ước cũng là chấp hành các chủ trương, chính sách".

Để hương ước đi vào đời sống của người dân Hà Tĩnh

Bà Phan Thị Thành: "Trách nhiệm của công dân là góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".

Hương ước là những điều đã có từ lâu trong cộng đồng dân cư, những năm gần đây, các điều khoản được quy định, bổ sung để gắn với nhiệm vụ mới của địa phương và phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Cán bộ thôn thường xuyên tuyên truyền, triển khai các quy định mới, hướng dẫn cụ thể để người dân thực hiện. Với vai trò, trách nhiệm của một công dân, tôi luôn chấp hành tốt các điều khoản trong hương ước nói riêng, quy định của pháp luật nói chung.

Những năm gần đây, phong trào xây dựng nhà sạch, vườn đẹp tại địa phương được phát động mạnh mẽ, gia đình tôi tham gia rất tích cực. Là thành viên của CLB “Nhà sạch, vườn đẹp” tại thôn, vợ chồng tôi đã xây dựng được khu vườn mẫu rộng 1.000 m2, trồng các loại rau màu, cây ăn quả cho thu nhập khá.

Tích cực hưởng ứng chủ trương phát triển kinh tế, vợ chồng tôi cùng bà con trong thôn luôn thực hiện tốt quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; đóng góp công sức, tiền của để cùng thôn hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.