Đến thời điểm này, Can Lộc là địa phương thứ 8 ở Hà Tĩnh xuất hiện dịch bệnh này, cùng với: Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Khê, thành phố Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh, TX Kỳ Anh.
Bệnh viêm da nổi cục xuất hiện trên bò nuôi nhốt của gia đình ông ông Nguyễn Chỉ Dần ở thôn Bắc Tân Dân ở Tùng Lộc
Ông Đoàn Minh Lương - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Can Lộc cho biết: “Ngày 17/2, sau khi nhận được tin báo của gia đình ông Nguyễn Chỉ Dần ở thôn Bắc Tân Dân, xã Tùng Lộc, cán bộ Phòng NN&PTNT, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Can Lộc đã trực tiếp về các hộ dân để kiểm tra”.
Ngành chức năng, chính quyền địa phương đã kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện công tác dập dịch
Kết quả phân tích, xét nghiệm cho thấy đã có 2 con bò của 2 hộ ở thôn Bắc Tân Dân mắc bệnh viêm da nổi cục.
Việc phun tiêu độc khử trùng được Tùng Lộc thực hiện tại các đường làng ngõ xóm
Để hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng, nhất là khi Tùng Lộc là một trong những địa phương có số lượng đàn trâu bò lớn nhất huyện với tổng đàn gần 1.200 con, huyện Can Lộc đã chỉ đạo chính quyền địa phương tập trung triển khai các giải pháp nhằm hạn chế dịch lây lan.
Các hộ chăn nuôi ở Tùng Lộc ký và dán cam kết không thả rông trâu bò
Huyện đang tập trung tuyên truyền đến người dân, khoanh vùng dịch và cắm biển cảnh báo, cấm đưa gia súc ra, vào vùng dịch, tổ chức phun thuốc tiêu độc xử lý môi trường, rắc vôi bột sát trùng xung quang chuồng trại và các lối đi.
Ngành chức năng tiêm đề kháng cho bò của gia đình ông Dần.
Xã Tùng Lộc cũng đã cung cấp vôi bột cho các thôn rải ở các tuyến đường ra vào thôn xóm, các khu vực chăn nuôi, cửa ngõ các gia đình; cung cấp gần 80 lít cloramin B và phun thuốc diệt muỗi tại cho các hộ nuôi ở thôn Bắc Tân Dân.
Người dân rắc vôi bột tại khu vực cửa ra vào, khu vực chuồng trại chăn nuôi.
Cùng với đó, xã cũng đã yêu cầu các hộ nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cam kết không được chăn dắt ra khỏi chuồng trại và thịt bán ra ngoài.