Điều tiết nước tối đa phục vụ lúa hè thu ở Hà Tĩnh trổ bông thuận lợi

(Baohatinh.vn) - Trên tất cả hệ thống thủy lợi, các đơn vị, địa phương ở Hà Tĩnh vẫn đang nỗ lực cao nhất để cấp nước kịp thời cho lúa hè thu trổ bông thuận lợi.

Điều tiết nước tối đa phục vụ lúa hè thu ở Hà Tĩnh trổ bông thuận lợi

Lúa hè thu Hà Tĩnh trổ bông tập trung vào thời điểm thời tiết diễn ra đợt nắng nóng dài ngày.

Hà Tĩnh đang trải qua đợt nắng nóng dài ngày khiến lượng nước trên đồng ruộng và các công trình thủy lợi bốc hơi nhanh. Những vùng tưới trên hệ thống sông Nghèn, mực nước xuống thấp trong khi nhu cầu dùng nước trong giai đoạn lúa trổ bông ở các vùng tưới đồng loạt tăng cao, hệ thống trải dài trên 5 địa phương (Đức Thọ, TX Hồng Lĩnh, Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà) với diện tích tưới lên đến 12.000 ha đã làm cho công tác điều tiết nước trong đợt tưới cuối cùng của vụ hè thu vất vả hơn.

Ông Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh (Công ty Thủy lợi Bắc) cho biết: “Cao điểm nhất là vào ngày 8/8, mực nước sông Nghèn xuống thấp (tại Đò Điểm: +0,1 m; tại cống Đức Xá và cống Trung Lương: +0,3 m), trong khi trên hệ thống này có đến hơn 200 trạm bơm vào cao điểm lấy nước.

Trước tình hình này, công ty phải điều tiết nước bổ sung từ hai nguồn lớn, một nguồn từ sông La điều tiết qua cống Đức Xá và cống Trung Lương, một nguồn từ hệ thống Ngàn Trươi qua kênh chính Linh Cảm, xả liên tục để tạo nguồn cho các trạm bơm trên hệ thống sông Nghèn, phục vụ chống hạn”.

Điều tiết nước tối đa phục vụ lúa hè thu ở Hà Tĩnh trổ bông thuận lợi

Trạm bơm tại thôn Đại Đồng, xã Thạch Long (Thạch Hà) đã tiếp nhận nguồn nước cứu hạn từ hệ thống sông Nghèn.

Đến ngày 14/8, nước đã về tại trạm bơm của hai thôn Đại Đồng và Hội Cát, nằm cuối nguồn nhất của xã Thạch Long (Thạch Hà). Từ hệ thống sông Nghèn, nguồn nước được điều tiết về hói Trẻn (công trình cấp nước chính của hai thôn), từ đây bà con có thể vận hành máy bơm để “đẩy” nước ra đồng.

Bà Nguyễn Thị Thảo - Trưởng thôn Đại Đồng cho biết: “Vì thiếu nước cấp nên trạm bơm của thôn bị “treo” gần 1 tuần nhưng rất may là chân ruộng vẫn còn độ ẩm, chưa bị khô cạn. Chúng tôi đã vận động bà con ra đồng khơi thông các kênh, vớt bèo tạo thông thoáng ở hói Trẻn để khi có nước thì bơm tưới nhanh nhất về cho toàn bộ diện tích lúa hè thu. Hiện nay, chỉ còn 4/15 ha nằm ở khu vực chia cắt vùng tưới là chưa có nước chảy về. Trong vài ngày tới, nếu thời tiết không có mưa thì chúng tôi sẽ dùng bơm dã chiến tiếp nước cho vùng đồng này để kịp cho lúa trổ bông”.

Được biết, toàn thôn sản xuất 15 ha lúa hè thu, đến nay đã có 5 ha trổ bông. Trong điều kiện đủ nguồn nước, khoảng 1 tuần tới, toàn bộ diện tích lúa sẽ trổ xong.

Điều tiết nước tối đa phục vụ lúa hè thu ở Hà Tĩnh trổ bông thuận lợi

Người dân đã tiến hành thu vớt bèo, tạo dòng chảy thông thoáng để tạo điều kiện bơm tối đa nước tưới về ruộng.

Ở huyện Lộc Hà, trong những ngày nắng nóng, có 2/36 trạm bơm cũng bị ngừng hoạt động. Chủ động sớm phương án chống hạn, huyện cũng đã phối hợp với Công ty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh điều tiết nước kịp thời để phục vụ bơm tưới.

Ông Võ Tá Bình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Trong suốt thời gian dài, các trạm bơm thực hiện bơm tưới liên tục cho lúa từ giai đoạn làm đòng - trổ bông trong khi thời tiết nắng nóng dài ngày nên một số xã như Bình An, Thịnh Lộc có hiện tượng chậm nước cục bộ. Tuy nhiên, tình hình này chưa ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của lúa hoặc xảy ra hạn hán gay gắt. Hiện nay, nhờ sự điều tiết linh hoạt của Công ty Thủy lợi Bắc, cốt nước tại Cầu Trù đạt trên 0,3 m, đảm bảo cho các trạm bơm hoạt động bình thường trở lại”.

Theo ghi nhận, đến ngày 15/8, toàn bộ 2.300 ha diện tích lúa hè thu của huyện đã cơ bản tiếp nhận được nguồn nước. Các địa phương đang triển khai phương án nước về tới đâu, bơm tưới tới đó để phục vụ tốt nhất quá trình trổ bông của lúa hè thu.

Điều tiết nước tối đa phục vụ lúa hè thu ở Hà Tĩnh trổ bông thuận lợi

Nguồn nước tưới đảm bảo giúp các trà lúa hè thu ở Cẩm Xuyên trổ bông tập trung, khá đồng đều.

So với các huyện phía Bắc, tình hình vận hành điều tiết nước ở các địa phương thuộc hệ thống tưới của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh có phần “dễ thở” hơn. Nguyên nhân là do nguồn tưới từ các hồ chứa năm nay có mực nước khá cao và cao hơn cùng kỳ năm 2020 nhờ các đợt mưa giữa vụ. Để đảm bảo đủ lượng nước cho lúa hè thu trổ bông thuận lợi, đồng thời ứng phó với quá trình bốc hơi nhanh do nắng nóng, công ty đã tăng lưu lượng tưới lớn nhất trên tất cả các công trình.

Ông Đặng Hòa Bình - Trưởng phòng Quản lý Khai thác Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết: "Hồ Kẻ Gỗ đang tưới với lưu lượng 23 m3/s; hồ Sông Rác là 8 m3/s… Đợt tưới này sẽ còn kéo dài thêm 1 tuần nữa, hoàn thành suốt 1 tháng mở tưới liên tục trên hệ thống".

Để ứng phó với thời tiết, Chi cục Thủy lợi đã ban hành công văn chỉ đạo tăng cường điều tiết nước, phục vụ tưới vụ hè thu 2021.

Trong đó, ngành chuyên môn đề nghị các địa phương, đơn vị quản lý công trình thủy lợi phải chủ động phân phối đủ nguồn nước, bố trí đủ lực lượng để dẫn nước về các xã cuối kênh, xã vùng cao, vùng xa; chủ động phương án chống hạn cho vùng sông Nghèn; có kế hoạch lắp trạm bơm dã chiến, tiến hành nạo vét, khơi thông hệ thống kênh mương, trục tiêu và chủ động để chuyển nước tạo nguồn cho trạm bơm, phục vụ các diện tích lúa hè thu trổ bông thuận lợi.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.