“Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt”...

(Baohatinh.vn) - Đối với người nông Hà Tĩnh, mỗi mùa gặt là một niềm hy vọng, trong đó vụ gặt tháng 5 sự mong đợi càng nhân lên bội phần, sau bao ngày đổ mồ hôi trên những cánh đồng.

Video: Nông dân Hà Tĩnh thu hoạch lúa xuân

Lúa tháng 5 kén tằm vàng óng

Sinh ra từ làng quê, lớn lên trên ruộng đồng, từng tự tay mình tham gia làm ra hạt lúa, củ khoai, tôi cảm nhận rõ niềm hân hoan, mong ước và cả những âu lo phấp phỏng của người nông dân trong mỗi vụ gặt tháng 5.

Từ thuở nhỏ, trong câu chuyện của bố mẹ và những người nông dân, tôi được biết, những năm 80 của thế kỷ XX trở về trước, mỗi năm, nông dân Hà Tĩnh trồng 2 vụ lúa: vụ tháng 5 gọi là vụ chiêm và vụ tháng 10 gọi là vụ mùa. Trong đó, người nông dân chỉ trông chờ vào vụ tháng 5, bởi vụ lúa này thời tiết khá thuận lợi, năng suất cao hơn. Tuy nhiên, ngày đó, với những giống lúa cũ năng suất đạt 8 yến đến 1 tạ/sào đã được xem là được mùa, còn vụ mùa tháng 10 thường hay gặp bão hoặc mưa rét có khi cả cánh đồng mất trắng.

Những ruộng lúa giống mới cho năng suất cao trên cánh đồng mẫu xã Thuần Thiện (Can Lộc).

Khoảng 20 năm trở lại đây, nhờ chủ trương chuyển đổi giống, thay đổi lịch thời vụ, hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện… trên những cánh đồng, cùng một đơn vị diện tích, năng suất tăng dần. Những giống lúa được cải tiến cho năng suất tăng dần từ 1,5-2 tạ rồi 2,5 tạ/sào (500 m2), đến nay đã đạt bình quân 3-3,5 tạ/sào. Không những thế, gần đây, hầu khắp các địa phương trong tỉnh đã bỏ gieo trồng vụ tháng 10 chuyển sang gieo cấy vụ hè thu, năng suất, sản lượng cũng đạt tương đương gần bằng vụ lúa tháng 5.

Cùng với chuyển đổi giống, nhiều chủ trương, chính sách ra đời đã giúp nông nghiệp ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, như: hệ thống thủy lợi đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, bê tông hóa kênh mương nội đồng, chính sách dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, cánh đồng mẫu đồng nhất một loại giống, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ… Tất cả không chỉ giúp tăng năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích mà còn nâng cao giá trị của gạo để hướng đến xuất khẩu. Người nông dân không chỉ no ấm mà còn có thể làm giàu từ cây lúa.

Nông dân xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên) hối hả thu hoạch vụ xuân 2022.

Những ngày này, lúa đã ươm vàng trên những cánh đồng quê Hà Tĩnh. Không khí của vụ gặt tháng 5 lại rộn ràng trên đồng ruộng.

Ông Hồ Xuân Hải (thôn Trung Sơn, xã Hồng Lộc, Lộc Hà) bày tỏ: “Đối với người nông dân chúng tôi, từ xưa đến nay, lúa vụ xuân là vụ chính trong năm. Đây là vụ lúa mang theo cả sự chờ đợi, hy vọng. Lương thực cho gia đình, tiền ăn học cho con cái… phần nhiều đều nhờ cả vào vụ lúa này. Tuy nhiên, trước đây, vụ này đôi khi cũng bấp bênh, thất bát do thời tiết, sâu bệnh, giống lúa… Vừa rồi đợt gió mùa kèm theo mưa dông khiến chúng tôi mất ăn mất ngủ. Nhưng may sao thiệt hại không đáng kể. Nhờ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sản xuất giống mới, dồn điền đổi thửa, hệ thống thủy lợi thuận tiện… nên dù có khi thời tiết không thuận lợi nhưng các vụ lúa xuân đều bội thu”.

...

Vụ lúa xuân này, ông Hải làm 1 mẫu ruộng, hiện đã thu hoạch được 6 sào. Theo ông Hải, năng suất ước đạt 3 tạ/sào, cả vụ lúa ông ước thu về 3 tấn.

Cùng chung tâm trạng, bà Lê Thị Mận (thôn Thuần Chân, xã Thuần Thiện, Can Lộc) cho biết: “Vụ này, gia đình tôi làm 7 sào ruộng, đồng nhất một loại giống Hà Phát 3. Dù thời tiết không mấy thuận lợi nhưng nhờ giống mới, chăm bón hợp lý nên năng suất đạt 3,2 tạ/sào, sản lượng thu về ước đạt trên 2,2 tấn. So với trước đây, cũng chừng ấy diện tích, chúng tôi không chỉ thu hoạch sản lượng cao gấp nhiều lần mà công sức bỏ ra cũng ít hơn”.

Bà Lê Thị Mận ở thôn Thuần Chân (Thuần Thiện, Can Lộc) phấn khởi trước vụ xuân thắng lợi.

Không chỉ ở Lộc Hà, Can Lộc, vụ lúa xuân năm nay, trên nhiều cánh đồng ở Cẩm Xuyên, Đức Thọ… bà con nông dân cũng đang hối hả thu hoạch lúa xuân. Ông Bùi Quang Ánh - Trưởng thôn Trung Nam (xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên) cho biết: “Thôn chúng tôi gieo cấy 8 ha lúa vụ xuân. Thời điểm này, trên các cánh đồng, lúa đã bắt đầu chín rộ, theo đánh giá ban đầu năng suất ước đạt 2,7-3 tạ/sào. So với vụ xuân năm 2021 kém hơn một chút nhưng so với những năm trước đó thì có thể nói là thắng lợi”.

Theo ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, vụ xuân năm 2022, toàn tỉnh gieo cấy 59.813 ha lúa; năng suất ước đạt 55,62 tạ/ha. Tính đến ngày 20/5, toàn tỉnh đã thu hoạch được gần 19.000 ha, đạt gần 31% tổng diện tích.

“Quê hương ơi có gì đẹp hơn thế!”

Nhìn những con số về diện tích gieo cấy và năng suất, tôi thử làm một phép so sánh: với 59.813 ha gieo trồng vụ xuân, năng suất đạt 55,62 tạ/ha, vụ gặt tháng 5 này, nông dân toàn tỉnh ước sẽ thu về hơn 332.000 tấn lúa. Nếu so với thời kỳ năng suất chỉ đạt 1-1,5 tạ/sào những năm cuối 1990 thì sau 30 năm, trên 1 đơn vị diện tích, sản lượng lúa của nông dân Hà Tĩnh đã tăng gấp 2,5-3 lần. Có được điều đó là nhờ những chủ trương đúng đắn, kịp thời của các cấp, ngành Hà Tĩnh trong chú trọng đầu tư sản xuất nông nghiệp suốt thời gian qua.

Những ngày này, máy gặt chạy hết công suất trên những cánh đồng lớn ở huyện Đức Thọ. Ảnh: Đức Thiện

Là địa phương thực hiện thành công chủ trương dồn điền đổi thửa, chuyển sản xuất từ ô thửa nhỏ manh mún sang ô thửa lớn sớm nhất của huyện Can Lộc, 2 năm qua, xã Thuần Thiện liên tiếp đón nhận những mùa vàng bội thu.

Thuần Thiện hiện có diện tích đất trồng lúa 550 ha. Từ năm 2020, xã đã thực hiện xong việc dồn điền đổi thửa. Từ canh tác 4-5 mảnh ruộng trên 3-4 cánh đồng, nay mỗi hộ nông dân ở địa phương này được sản xuất trên một ô thửa lớn, liền vùng, liền thửa.

Ông Nguyễn Nam Vũ - Phó Chủ tịch UBND xã Thuần Thiện cho biết: “Trước đây, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc động viên bà con xây dựng cánh đồng mẫu, tăng năng suất nhưng từ khi có Nghị quyết 01 của Huyện ủy về việc thực hiện dồn điền, đổi thửa, mọi việc thuận lợi hơn nhiều. Vụ xuân năm 2022 này, Thuần Thiện có 187 ha thực hiện sản xuất trên cánh đồng mẫu: cùng gieo một loại giống, một quy trình chăm sóc nên không những năng suất tăng mà còn giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị hạt lúa cho người dân”.

...

Những ngày này, từ Đức Thọ xuôi về Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà cho đến Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… đâu đâu cũng một màu lúa chín. Ngắm những cánh đồng vàng ươm “thẳng cánh cò bay” vào vụ gặt tháng 5 này, lòng tôi lại trào dâng cảm xúc về vẻ đẹp, sự no ấm của quê hương đổi mới: “Quê hương ơi, có gì đẹp hơn thế/ Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt/ Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt/ Ngày mai bắt đầu từ hôm nay”...

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói