Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh Nguyễn Ngọc Hùng kiểm tra phòng trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm của các hợp tác xã. Ảnh tư liệu
Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh cho hay: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chính sách được ban hành và triển khai, KTTT Hà Tĩnh đã phát triển thiên dần về chất, thích ứng với cơ chế thị trường và bắt kịp xu thế thời đại.
Với nhiệm vụ là “bà đỡ”, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các thành viên, Liên minh HTX tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, đào tạo nâng cao năng lực cho HTX; hỗ trợ về quản trị kinh doanh, xúc tiến thương mại, tiếp cận vốn, đất đai... Đồng thời, khâu nối các sở, ngành, địa phương, tham mưu cho Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT tỉnh đưa ra các giải pháp chỉ đạo sát đúng thực tiễn”.
Giám đốc HTX Nga Hải (Xuân Mỹ - Nghi Xuân) Lê Văn Bình kiểm tra vật nuôi qua camera.
Theo thông tin từ lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh, năm 2020, Hà Tĩnh đã tổ chức một cuộc “thanh lọc” trong khu vực KTTT. 416 HTX “hữu danh vô thực” đã được “xóa sổ”.
Hà Tĩnh hiện có 3.357 tổ hợp tác, 995 HTX hoạt động đa dạng các lĩnh vực. Theo ghi nhận, chưa khi nào Hà Tĩnh có nhiều HTX đổi mới, sáng tạo như hiện nay. Trong đó, nông - lâm - ngư nghiệp là thế mạnh của KTTT Hà Tĩnh.
Đã có những HTX nông nghiệp quy mô nhiều thành viên, làm tốt các dịch vụ như: Liên hiệp HTX Chứng chỉ rừng Tây Kim (Hương Sơn), HTX Quang Trung (Đức Thọ)... Hà Tĩnh cũng phát triển nhiều mô hình chăn nuôi lợn quy mô lớn như HTX Minh Lộc (Cẩm Xuyên), Thắng Lợi (Nghi Xuân)...; nhiều mô hình nuôi trồng, chế biến thủy sản đầu tư khoa học - công nghệ vào sản xuất, lợi nhuận kinh tế cao như: HTX Loan Hoan (Lộc Hà), Phú Khương (huyện Kỳ Anh)...
Lĩnh vực trồng cây ăn quả đã có sự đầu tư thích đáng với việc ứng dụng công nghệ cao của HTX Nga Hải (Nghi Xuân), Gia Phúc (Can Lộc)...
Năm 2020, có 39 sản phẩm của KTTT Hà Tĩnh đạt tiêu chuẩn 3 - 4 sao trên tổng số 87 sản phẩm OCOP của tỉnh.
Tín hiệu tích cực là các HTX đã dần thay đổi tư duy, gắn sản xuất với thị trường, quan tâm xây dựng thương hiệu. Ngoài mẫu mã đẹp, các chủ cơ sở luôn trăn trở nâng tầm chất lượng sản phẩm. Năm 2020, có 39 sản phẩm của KTTT Hà Tĩnh đạt tiêu chuẩn 3 - 4 sao trên tổng số 87 sản phẩm OCOP của tỉnh. Tiêu biểu như: gạo Thế Cường, dưa lưới Nga Hải, cam Khe Mây Long Nhâm...
Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân tăng trưởng nhanh về nguồn vốn và dư nợ với tổng nguồn vốn đến nay ước đạt trên 3.300 tỷ đồng.
Từ lâu, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đã trở thành niềm tự hào của KTTT Hà Tĩnh với tốc độ tăng trưởng nhanh về nguồn vốn và dư nợ. Hiện tại, 32 quỹ thu hút 53.000 thành viên tham gia với tổng nguồn vốn đến nay ước đạt trên 3.300 tỷ đồng. Từ đây, hàng ngàn mô hình kinh tế được tiếp sức, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh Lê Đăng Phúc kiểm tra mô hình vay vốn Quỹ phát triển HTX tại huyện Hương Sơn. Ảnh tư liệu
2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đại hội Liên minh HTX tỉnh lần thứ VI và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Liên minh HTX Hà Tĩnh đặt mục tiêu xây dựng 40 - 45 HTX điển hình; tăng số HTX khá giỏi 10%; tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTT đạt 10%/năm; phấn đấu sản phẩm OCOP của khu vực đạt trên 50% tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh.
Nhiều HTX chế biến nông sản ở Hà Tĩnh đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại.
Ông Lê Đăng Phúc - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh thông tin: “Chúng tôi tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu chính sách hỗ trợ KTTT phát triển và nâng chất lượng hoạt động, đánh giá chính xác thực trạng HTX sau rà soát để đề nghị giải thể bắt buộc đối với những đơn vị hoạt động sai luật. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành để hỗ trợ phát triển HTX theo chính sách của Trung ương, của tỉnh, đưa KTTT Hà Tĩnh đi vào chiều sâu”.