Ông Nguyễn Văn Dương - thành viên HTX Hợp Lực (xã Thạch Bằng - Lộc Hà) chăm sóc cá lồng bè.
Được biết, tại tỉnh ta, chưa có quy hoạch về việc nuôi cá lồng, song các hộ dân sống gần sông, cửa biển, hồ đập đã tận dụng nguồn nước tự nhiên đầu tư cơ sở vật chất nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào việc đa dạng hóa ngành nghề và tăng nguồn lợi thủy sản.
Hiện trên toàn tỉnh có gần 450 hộ nuôi cá lồng với trên 476 lồng, tập trung chủ yếu ở các xã Hộ Độ (Lộc Hà), Thạch Sơn (Thạch Hà), Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh), Vượng Lộc, thị trấn Nghèn (Can Lộc), Kỳ Lợi, Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh).
Vừa qua, do ảnh hưởng của mưa bão, nước từ thượng nguồn đổ về mang theo rác thải, làm một số lồng cá bị đứt dây phao, tuột dây neo hoặc nước ngọt dâng cao làm cá sốc và chết. Điển hình là trường hợp 60 tấn hàu và gần 2 tấn cá mú của HTX Hợp Lực (xã Thạch Bằng - Lộc Hà) bị chết, ước tổng thiệt hại gần 1,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tại một số khu vực nuôi lồng bè ở Hộ Độ và Thạch Hạ, rác bám xung quanh lồng cá làm cho nước khó lưu thông, chất lượng nước thay đổi, hàm lượng ôxy ít dẫn đến cá yếu, mắc bệnh và chết rải rác.
Anh Nguyễn Hồng Sơn - thành viên HTX Hợp Lực cho biết: “Nhận thấy nguồn lợi kinh tế từ nuôi cá lồng, năm 2015, HTX đã bỏ ra hàng tỷ đồng, đầu tư 39 ô nuôi cá với thể tích 1.053 m3, tập trung nuôi cá mú, hồng mỹ, cá vược có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh thuận lợi thì cũng nhiều rủi ro về dịch bệnh, thời tiết thất thường. HTX gia cố lại toàn bộ hệ thống phao nổi để ứng phó với mưa bão; đồng thời, di chuyển toàn bộ lồng cá vào nơi an toàn, tránh dòng nước chảy xiết; đầu tư mua thêm máy sục khí để đảm bảo đủ lượng ôxy cung cấp cho cá. Hàng ngày, chúng tôi dành phần lớn thời gian theo dõi hoạt động của cá, dòng nước để có giải pháp kịp thời khi sự cố xảy ra”.
Nuôi 3 lồng cá trên dòng sông Hộ Độ, ngay từ tháng 7, khi mùa mưa bão bắt đầu, gia đình anh Nguyễn Xuân Hoài (xã Hộ Độ) đã thu hoạch những lồng cá lớn, đồng thời, thay toàn bộ lồng tre bằng lồng sắt, đầu tư thêm thùng phao nổi, gia cố lại cột trụ, rắc vôi bột xung quanh, thay những tấm lưới cũ, rách; bổ sung thức ăn có chứa vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá; phân công người trực 24/24h, kịp thời đưa lồng cá vào vùng an toàn khi nước chảy xiết. Nhờ vậy, 2 cơn bão lớn đi qua, 3 lồng cá của gia đình anh Hoài đều không bị ảnh hưởng.
Không chỉ có việc mưa gió làm ảnh hưởng lồng bè, hay nước ngọt thay đổi đột ngột, bèo tây tấn công cũng là mối lo lớn đối với người dân. Lúc nước chảy, bèo tây di chuyển theo và tập kết gần khu vực nuôi cá lồng, làm ô nhiễm nguồn nước khiến cá chết hàng loạt.
Ông Phan Đình Hinh - Chủ tịch UBND xã Hộ Độ (nơi có nhiều hộ dân nuôi cá lồng) cho biết: “Hiện nay, trên đoạn sông chảy qua địa bàn xã có 70 hộ nuôi cá lồng với trên 70 lồng (Hộ Độ có 50 hộ). Trước đợt mưa bão vừa qua, xã đã huy động các hộ nhanh chóng di chuyển lồng vào những vị trí an toàn, tránh cản trở giao thông đường thủy, vớt bỏ rác để lưu thông dòng nước; thả thưa cá, rắc vôi vệ sinh lồng cá; kiểm tra, sửa chữa hệ thống điện nên giảm thiểu được thiệt hại”.
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, các ngành liên quan cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chuẩn bị vật tư như: lưới, đan chắn, máy sục để dùng trong trường hợp cần thiết; bổ sung men tiêu hóa vào thức ăn, tăng sức đề kháng cho cá.
Ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, chúng tôi khuyến cáo các hộ nuôi cá lồng khi thấy môi trường nước đục, cá kém ăn và bơi lội chậm, cần cung cấp ôxy kịp thời bằng cách sử dụng máy sục khí; thường xuyên vệ sinh lồng; cho cá ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin C, chế phẩm sinh học, Enzym giúp cá tăng sức đề kháng. Nếu cá đạt kích cỡ thì nên tiến hành thu hoạch. Ngoài ra, thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thời tiết để có biện pháp bảo vệ cá lồng kịp thời”.