Nhiều người dân xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) chờ bán bò với giá cao dịp cuối năm.
Thời gian gần đây, bà Trần Thị Mai ở xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) thường xuyên nhận được điện thoại của thương lái hẹn để đến xem bò. Bà Mai cho biết: “Tôi nuôi được 10 con bò thịt giống lai 3B. Hiện nay, đàn bò đang phát triển tốt, ước trọng lượng gần 800kg/con, tôi dự định sẽ bán đi 8 con, thương lái đã hỏi mua với giá từ 50 - 60 triệu đồng/con. Tết năm nay giá bò cao hơn hẳn, bà con chúng tôi ai cũng phấn khởi lắm”.
Anh Trần Thạch Sanh (Cẩm Sơn, Cẩm Xuyên) đang tập trung chăm sóc để bò khoẻ mạnh, được giá.
Với lứa bò thịt hiện có 12 con, anh Trần Thạch Sanh (xã Cẩm Sơn, Cẩm Xuyên) cũng đang tích cực vỗ béo chờ xuất chuồng vào dịp tết, dự kiến sẽ thu về hơn 600 triệu đồng. Anh Sanh cho hay: “Được chính sách hỗ trợ, tận dụng điều kiện vùng núi, đất rộng, nguồn thức ăn dồi dào nên 2 năm nay, tôi luôn duy trì đàn bò ổn định. Đây là nguồn thu lớn cho gia đình vào dịp cuối năm”.
Theo thông tin từ người dân, hiện nay, giá thịt bò hơi đã tăng từ 73.000 - 75.000 đồng/kg lên 85.000 – 88.000 đồng/kg. Dự đoán, từ nay đến tết Nguyên đán giá bò còn tiếp tục tăng.
Người dân bổ sung thức ăn xanh cho bò để tăng sức đề kháng.
Được biết, vài năm trở lại đây, chăn nuôi bò đang trở thành hướng đi chính trong phát triển kinh tế của người dân xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên). Người dân chú trọng đầu tư, cập nhật phương pháp chăm sóc khoa học, lựa chọn giống chất lượng cao nên số lượng đàn bò tăng nhanh, đạt hơn 2.200 con. Nhiều mô hình nuôi nhốt xuất hiện với quy mô lớn từ 15 - 30 con, mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân.
Cẩm Sơn phát huy các lợi thế của vùng đồi núi, diện tích cỏ lớn để phát triển chăn nuôi bò.
Theo anh Nguyễn Đình Huy - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Cẩm Sơn: “Địa phương có chủ trương chỉ tập trung chăn nuôi 2 loại giống bò chính là giống 3B và giống Brahman, hỗ trợ phát triển hướng trang trại, gia trại quy mô lớn. Ước tính, trong dịp này, người dân Cẩm Sơn sẽ xuất hơn 1.200 con bò cho thị trường cuối năm”.
Tết này, người chăn nuôi huyện Lộc Hà cũng sẽ thu về nguồn lợi lớn nhờ đàn bò chất lượng cao. Chị Trần Thị Hồng (thôn Quan Nam, Hồng Lộc) vừa bán 3 con bò thịt được 150 triệu đồng. Chị chia sẻ: “Đây là giống bò lai 3B có thể trạng cao lớn, ăn khỏe và tăng trọng rất nhanh. Nhờ mấy con bò này mà gia đình tôi tết này có thêm đồng ra đồng vào”.
Anh Trịnh Xuân Phượng (Lộc Hà) thu nguồn lợi lớn từ đàn bò thịt trong dịp tết năm nay.
Cách đó không xa, anh Trịnh Xuân Phượng cũng đang chờ thêm ít hôm nữa để bán hết số bò còn lại trong chuồng cho thương lái. Anh cho biết: “Bò lai nguồn giống chất lượng nên phát triển nhanh, có trọng lượng lớn, chất lượng thịt tốt, giá bán cao hơn hẳn bò cỏ. Mới đây, tôi đã bán trước 2 con giá 110 triệu, 6 con này chắc cũng được thêm gần 300 triệu” – anh Phượng chia sẻ thêm.
Bò lai cho trọng lượng lớn, thời gian nuôi ngắn và mang lại giá trị kinh tế cao.
Ông Lê Viết Bình - Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc (Lộc Hà) thông tin thêm: “Hiện nay, đàn bò của xã đang có khoảng trên 2.800 con và tỷ lệ bò lai khoảng 62%, dẫn đầu toàn huyện. Cùng với đó, người dân chú trọng hơn đến việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng thức ăn công nghiệp, xây dựng chuồng trại đạt chuẩn… Bà con nông dân thường tính toán thời gian thả nuôi để bán vào dịp cuối năm vì nhu cầu tăng cao, giá bán tốt”.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tổng đàn bò toàn tỉnh hơn 170.800 con, tăng 2,1%; sản lượng thịt ước đạt 10.070 tấn, tăng gần 3,74% so với năm 2019.
Vùng xuất hiện dịch viêm da nổi cục cần chủ động khoanh vùng, không để dịch lây lan rộng vào dịp cuối năm này.
Ông Nguyễn Khắc Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho hay: “Thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Sửu, nhu cầu mua bán vận chuyển gia súc, gia cầm trong đó có trâu, bò tiếp tục tăng mạnh. Trong khi đó, thời tiết thường xuyên có mưa, lạnh là điều kiện thuận lợi để các loại virus gây bệnh bùng phát tấn công, nhất là dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò. Người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp chăn nuôi tốt, chống rét, chống đói để bảo toàn đàn vật nuôi, hạn chế rủi ro.
Đặc biệt, tại các vùng đã có dịch viêm da nổi cục, địa phương cần thường xuyên theo dõi và xuống trực tiếp đôn đốc, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để xử lý, khoanh vùng ổ dịch, kiểm soát chặt hơn việc buôn bán, vận chuyển trâu, bò ra vào địa bàn”.