Giá dầu tăng cao, ngư dân Hà Tĩnh tiến thoái lưỡng nan

(Baohatinh.vn) - Giá dầu tăng mạnh đã khiến nhiều ngư dân Hà Tĩnh tiến thoái lưỡng nan vì ra khơi đánh bắt thì sợ lỗ, để thuyền nằm bờ thì chẳng đành.

Giá dầu tăng cao, ngư dân Hà Tĩnh tiến thoái lưỡng nan

Toàn xã Cẩm Nhượng hiện có hơn 200 tàu thuyền hoạt động, trong đó có 30% tàu có công suất trên 90 CV đánh bắt xa bờ.

Bến cá Cồn Gò ở xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) thời gian qua luôn tấp nập tàu, thuyền cập bến, bà con ngư dân không giấu nổi vui mừng, phấn khởi khi giá xăng dầu “hạ nhiệt”, giúp họ có thêm nguồn thu nhập sau thời gian dài gặp khó do giá nhiên liệu “neo cao”.

Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì chiều qua (5/9), sau khi liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ, giá dầu diesel đã tăng 1.430 đồng/lít lên mức 25.180 đồng/lít, điều này khiến nhiều ngư dân phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới.

Giá dầu tăng cao, ngư dân Hà Tĩnh tiến thoái lưỡng nan

Ngư dân Nguyễn Văn Tuấn (thôn Hải Nam, xã Cẩm Nhượng) bên phương tiện đánh bắt hải sản của mình.

Ngư dân Nguyễn Văn Tuấn (thôn Hải Nam, xã Cẩm Nhượng) cho biết, thấp thỏm đợi mãi giá dầu mới giảm được một ít, giờ lại “quay đầu” tăng mạnh.

“Trung bình mỗi chuyến ra khơi 2 ngày, thuyền tôi sử dụng khoảng hơn 500 lít dầu diesel. Giờ giá dầu tăng thêm 1.430 đồng/lít, tôi nhẩm tính chi phí sẽ đội lên hơn 700 nghìn đồng cho mỗi chuyến biển. Điều này khiến ngư dân không khỏi lo lắng, bởi sản lượng đánh bắt thời gian gần đây sụt giảm”, ông Tuấn cho biết.

Giá dầu tăng cao, ngư dân Hà Tĩnh tiến thoái lưỡng nan

Lo ngại sẽ bị lỗ nếu ra khơi, ngư dân Hoàng Văn Bình (thôn Hoàng Chuân, xã Cẩm Nhượng) đang tính toán chờ giá dầu hạ thấp mới vươn khơi trở lại.

Đang dọn dẹp đồ nghề đi biển, ngư dân Hoàng Văn Bình (thôn Hoàng Chuân, xã Cẩm Nhượng) cho biết: “Hơn 30 năm bám biển, chưa năm nào tôi thấy gặp nhiều khó khăn như thời gian gần đây. Giá dầu tăng lên 25.180 đồng/lít, chúng tôi đang tính toán có thể cho thuyền về bờ một thời gian”.

Được biết, toàn xã Cẩm Nhượng hiện có hơn 200 tàu thuyền hoạt động, trong đó có 30% tàu có công suất trên 90 CV đánh bắt xa bờ, số còn lại đi về trong ngày. Có những thời điểm trong tháng 5 và tháng 6, hơn nửa số tàu thuyền phải nằm bờ vì giá nhiên liệu tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết: “Kể từ thời điểm xăng, dầu giảm giá vào cuối tháng 7, tàu thuyền trên địa bàn cơ bản đã trở lại vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, việc giá dầu tăng cao trở lại vào hôm qua đã khiến nhiều ngư dân phải cân nhắc việc ra khơi hay nằm bờ. Đặc biệt, đang vào mùa mưa bão, biển động thường xuyên, nguồn lợi hải sản sụt giảm nên việc ngư dân “ngại” ra khơi vì sợ lỗ là điều dễ hiểu”.

Giá dầu tăng cao, ngư dân Hà Tĩnh tiến thoái lưỡng nan

Tại cảng cá Cửa Sót (Lộc Hà), không khí vươn khơi của ngư dân sáng nay (6/9) có phần trầm lắng hơn so với những ngày trước.

Tại cảng cá Cửa Sót (Lộc Hà), không khí vươn khơi của ngư dân vào sáng nay có phần trầm lắng hơn so với những ngày trước.

Ngư dân Trần Thế Cậy (tổ dân phố Khánh Yên, thị trấn Lộc Hà) cho biết, giá dầu diesel liên tiếp tăng khiến ngư dân gặp khó trong ra khơi, bám biển sản xuất. Từ khoảng 13.000 đồng/lít ở thời điểm tháng 1/2021, sau nhiều lần tăng, đến nay, giá dầu đã lên hơn 25.000 đồng/lít.

Giá dầu tăng cao, ngư dân Hà Tĩnh tiến thoái lưỡng nan

Ngư dân Trần Thế Cậy (thị trấn Lộc Hà) đang sửa soạn lại lưới cụ sau chuyến cập cảng sáng nay.

“Giá dầu tăng theo chi phí mỗi chuyến biển tăng cao, ngư dân giờ lúc nào cũng lo. Lo giá dầu tăng, lo giá hải sản sụt giảm”, ông Cậy nói.

Theo tính toán của bà con ngư dân, đối với tàu công suất dưới 90 CV, đánh bắt gần bờ, trong 2 - 3 ngày tiêu tốn khoảng từ 500 - 800 lít dầu, việc giá dầu tăng 1.430 đồng/lít đã khiến chi phí đánh bắt đội lên từ 700 ngìn - 1,1 triệu đồng mỗi chuyến. Đối với những tàu lớn, đi dài ngày, mỗi chuyến đi ngốn đến hàng ngàn lít dầu thì chi phí càng tăng cao hơn.

Giá dầu tăng cao, ngư dân Hà Tĩnh tiến thoái lưỡng nan

Ông Nguyễn Văn Long ở thôn Giang Hà (xã Thạch Kim, Lộc Hà) cho biết, việc xăng dầu tăng cao kéo theo giá của nhiều mặt hàng khác đều tăng khiến ngư dân khó khăn.

Gắn bó với nghề biển hơn 35 năm nay, ông Nguyễn Văn Long ở thôn Giang Hà (xã Thạch Kim, Lộc Hà) tâm sự: “Việc xăng dầu tăng cao kéo theo giá của nhiều mặt hàng khác đều tăng khiến ngư dân chúng tôi rất khó khăn.

Để thuyền nằm bờ thì không đành vì phải đảm bảo việc làm cho bạn nghề, máy móc phải hoạt động để tránh hư hại và bản thân tôi cũng cần có việc làm, song, xuất bến thì bao nhiêu nỗi lo dồn dập, chỉ cầu mong sản lượng tốt để có tiền bù giá dầu tăng cao, có tiền trả nhân công và gia đình có chút lãi”.

Giá dầu tăng cao, ngư dân Hà Tĩnh tiến thoái lưỡng nan

Việc giá dầu tăng trở lại đã khiến ngư dân Hà Tĩnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Ông Thân Quốc Tế - Phó Giám đốc BQL Các cảng cá Hà Tĩnh cho biết: “Để hoạt động đánh bắt của bà con không bị gián đoạn, BQL đã động viên ngư dân nỗ lực vượt khó, linh hoạt ứng phó với “bão” giá nhiên liệu như: liên kết với nhau trong đánh bắt, khi có sản phẩm nên bố trí 1 tàu chở hải sản về bờ xuất bán, sau đó sẽ hỗ trợ chi phí tiền dầu cho nhau để vừa cung cấp hải sản kịp thời tươi ngon, vừa tiết kiệm được nhiên liệu cho những tàu còn lại”.

Giá dầu tăng cao, ngư dân Hà Tĩnh tiến thoái lưỡng nan

Dầu diesel tăng mạnh mức 1.430 đồng/lít không chỉ khiến ngư dân mà các tiểu thương buôn bán cũng bị ảnh hưởng do giá cả hải sản sẽ lên cao.

Sau điều chỉnh của liên Bộ Công thương - Tài chính, 15h chiều 5/9, giá xăng giảm 370 đồng/lít, còn 23.350 đồng/lít; giá xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 430 đồng/lít, còn 24.230 đồng/lít. Trái ngược với giá xăng, giá bán đối với mặt hàng dầu tiếp tục tăng ở kỳ điều hành này. Theo đó dầu diesel tăng 1.430 đồng/lít lên 25.180 đồng/lít...

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.