Gia đình ông Nguyễn Đình Cương (thôn Kim Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) vừa xuất bán lứa gà 500 con với giá 100.000 đồng/kg, cao hơn cách đây 3 tháng khoảng 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, gia đình ông Cương đã thu lợi nhuận cao nên tiếp tục thả nuôi thêm hơn 1.000 con để phục vụ thị trường tết.
Gia đình ông Nguyễn Đình Cương (thôn Kim Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) vừa xuất bán 500 con gà với giá 100.000 đồng/kg
Ông Nguyễn Đình Cương cho biết: “Giá gà thương phẩm đầu năm giảm mạnh nên chúng tôi không mặn mà tái đàn. Từ tháng 8 đến nay, giá bắt đầu tăng và hiện đang ở mức cao nhất trong năm nay. Dự báo, dịp tết, nhu cầu gà thịt sẽ còn tăng cao nên chúng tôi đang tái đàn, thả nuôi lứa mới hơn 1.000 con”.
Tại xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà), hiện nay, nhiều hộ dân cũng đang thả nuôi lứa gà mới để “đón” thị trường tết. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã có tổng đàn gà khoảng 125.000 con, tăng khoảng 20% so với thời điểm đầu năm 2023. Để đảm bảo an toàn cho đàn gia cầm, chính quyền địa phương cũng thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, hướng dẫn người dân chú ý đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Chị Trần Thị Quy (thôn Bắc Hòa, xã Yên Hòa, Cẩm Xuyên) chăm sóc đàn gà sắp đến kỳ xuất bán.
Không riêng xã Lưu Vĩnh Sơn, hiện nay, các trang trại, gia trại chăn nuôi gà trên địa bàn Hà Tĩnh đều đang tích cực tái đàn khi giá gà có xu hướng tăng. Theo chị Trần Thị Quy - chủ trại gà quy mô 7.000 con/lứa ở thôn Bắc Hòa, xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên), đầu năm, giá gà thấp, chăn nuôi lỗ nên nhiều người bỏ trống chuồng trại. Từ tháng 8, giá gà bắt đầu tăng nhích dần và hiện nay đang ở mức 80.000 – 100.000 đồng/kg tùy loại, cao hơn hồi tháng 2 khoảng 20.000 – 30.000 đồng/kg. Đặc biệt, từ tháng 10, giá thức ăn cho gia cầm có xu hướng giảm nên nông dân có thêm động lực để tái đàn.
Chị Trần Thị Quy chia sẻ: “Đầu năm, giá gà thấp, chỉ đạt 60.000 - 65.000 đồng/kg nên nhiều người dân bỏ nuôi. Vì vậy mà thời điểm này nguồn cung thiếu, trong khi nhu cầu tăng nên giá cũng tăng theo. Với mức giá như hiện nay, người chăn nuôi gà đã có lợi nhuận cao. Hiện nay, 6 chuồng trại của gia đình tôi đều phủ kín gà các loại, gối lứa để lúc nào cũng có gà thịt cung cấp cho thị trường. Tôi cũng vừa xây thêm 1 chuồng trại, thả úm đàn hơn 1.300 con, tăng quy mô đàn lên 8.000 con/lứa”.
Người dân Hà Tĩnh chủ động tiêm phòng cho gia cầm.
Toàn xã Yên Hòa thời điểm này có khoảng 700 hộ dân chăn nuôi gà với tổng đàn khoảng 90.000 con, tăng 20.000 con so với thời điểm đầu năm; trong đó, khoảng 130 hộ dân nuôi với quy mô từ 500 con trở lên. Hơn 2 tháng nữa là đến tết nên người chăn nuôi trên địa bàn xã Yên Hòa đang tích cực tái đàn, chăm sóc và vỗ béo cho đàn vật nuôi; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt, kịp thời đón đầu thị trường thực phẩm tết Nguyên đán.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, đến thời điểm này, toàn tỉnh có tổng đàn gia cầm hơn 10 triệu con, đạt 100,5% so với tổng đàn năm 2022 (năm 2022, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh đạt hơn 9,9 triệu con). Theo kế hoạch, năm 2023, Hà Tĩnh dự kiến sẽ đạt 26.500 tấn thịt gia cầm xuất chuồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng mới chỉ ước đạt 25.703 tấn. Vì vậy, ngành chức năng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chủ động nắm bắt thị trường và triển khai tái đàn.
Người dân huyện Cẩm Xuyên tăng đàn để “đon” thị trường tết.
Ông Phan Quý Dương – Trưởng phòng Quản lý chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh) khuyến cáo: “Tình hình chăn nuôi những tháng cuối năm đang bắt đầu sôi động, dự đoán giá các loại gia cầm sẽ giữ mức ổn định và có chiều hướng tăng vào thời điểm tết.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mưa rét, chuồng trại ẩm ướt nên dễ xảy ra dịch bệnh. Vì vậy, bà con nông dân cần chủ động công tác phòng chống các loại dịch bệnh trên đàn gia cầm như: H5N1, tụ huyết trùng... Bên cạnh đó, người dân nên lựa chọn con giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; tận dụng nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào thức ăn công nghiệp để tăng hiệu quả, góp phần thu lợi nhuận nhiều hơn”.