Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
8/11 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP
Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông là dự án trọng điểm quốc gia, được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017. Trước mắt, đầu tư 11 dự án, đi qua 13 địa phương với tổng chiều dài 654 km, tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng.
Trong đó, có 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn NSNN (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2) với tổng mức đầu tư khoảng 14.279 tỷ đồng; 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP (Mai Sơn - QL45, QL45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây) với tổng mức đầu tư khoảng 88.234 tỷ đồng.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Theo kế hoạch, các địa phương dự kiến bàn giao đất nông nghiệp trước ngày 31/12/2019 và hoàn thành toàn bộ công tác GPMB trong quý 2/2020. Tuy nhiên, công tác GPMB có nguy cơ chậm, không đảm bảo tiến độ hoàn thành bàn giao toàn bộ đất nông nghiêp.
Hiện, 13 địa phương có dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua mới bàn giao được hơn 160 km mặt bằng cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.
Công tác thiết kế kỹ thuật các dự án cao tốc Bắc - Nam cũng khá chậm do nhiều hạng mục, công trình với khối lượng lớn, phải thỏa thuận, lấy ý kiến của địa phương nên mất nhiều thời gian.
Bình đồ duỗi thẳng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đồ họa: Nguyễn Tường). Nguồn: baodautu.vn
Tại hội nghị, các địa phương đã báo cáo tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án. Đồng thời kiến nghị một số khó khăn, vướng mắc và giải pháp thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB, kịp thời bàn giao cho nhà thầu đúng tiến độ.
Trên địa bàn Hà Tĩnh có dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt với tổng chiều dài tuyến gần 50km, riêng đoạn qua Hà Tĩnh dài khoảng 5 km. Tổng diện tích đất phải thu hồi tại Hà Tĩnh khoảng 40 ha với 475 hộ bị ảnh hưởng (có 73 hộ phải di dời, tái định cư. Ngoài ra còn có nhiều công trình trình kỹ thuật (đường điện, viễn thông) phải di dời. Đến nay, Hà Tĩnh đã hoàn thành kiểm đếm, chi trả tiền đền bù đất nông nghiệp (diện tích khoảng 25,87 ha). Về đất vườn và đất ở đã và đang được địa phương tích cực triển khai kiểm đếm. Công tác xây dựng 2 khu tái định cư (tại huyện Đức Thọ) cũng đang được triển khai quyết liệt, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 5/2020. Về các công trình hạ tầng kỹ thuật, địa phương đang tiến hành rà soát với các đơn vị liên quan. Riêng đường điện cao thế 110 kV đã được chấp thuận phương án di dời, hiện đang tiến hành các thủ túc phê duyệt, lựa chọn nhà đầu tư. Về giải ngân, năm 2019, Hà Tĩnh đã giải ngân 41/50 tỷ đồng; năm 2020, tỉnh bố trí 80 tỷ đồng... |
Đến tháng 6/2020, các địa phương phải hoàn thành GPMB
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, công tác GPMB là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, quyết định đến tiến độ dự án, các địa phương cần nghiêm túc, tập trung thực hiện.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh tư liệu từ internet
Khối lượng công việc còn lại còn rất lớn, là những phần công việc khó hơn do liên quan đến GPMB đất ở, đô thị... Do đó, nhiệm vụ còn rất nặng nề, khó khăn, nếu không quyết liệt, sẽ khó hoàn thành mục tiêu bàn giao mặt bằng sạch trước tháng 6/2020.
“Bộ sẽ có văn bản gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy các địa phương về tính cấp bách của dự án và kiến nghị hệ thống chính trị các địa phương vào cuộc quyết liệt, tập trung chỉ đạo, cũng như phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng đề nghị các Ban Quản lý dự án (thuộc Bộ GTVT) xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nhất, phối hợp với các địa phương để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc; giám đốc các ban phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Bộ về kết quả thực hiện.
Các địa phương cần thực hiện kịp thời các thủ tục và triển khai di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc phạm vi dự án; chỉ đạo triển khai các thủ tục về thu hồi đất, lập và trình duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Bộ đã bố trí nguồn lực cho các địa phương, do đó, yêu cầu các tỉnh tập trung giải ngân, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ; với các địa phương có phát sinh chi phí, cần có báo cáo cụ thể để sớm có phương án điều chỉnh.
Bộ trưởng nhấn mạnh, đến tháng 6, các địa phương phải hoàn thành GPMB, bàn giao cho chủ đầu tư và nhà thầu triển khai thi công, đảm bảo thực hiện dự án trọng điểm quốc gia đúng tiến độ.