Tài nguyên phong phú
Hà Tĩnh có diện tích nông thôn khá rộng lớn, trải dài từ miền núi đến đồng bằng, ven biển… Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh, ẩm thực, văn hóa khá đa dạng, Hà Tĩnh còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể như: các lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian (trong đó, dân ca ví giặm, ca trù đã được UNESCO công nhận), phong tục tập quán, làng nghề truyền thống, văn hóa cộng đồng giàu bản sắc… Bên cạnh đó, người dân nông thôn Hà Tĩnh từ lâu đã có “thương hiệu” luôn cởi mở, thân thiện, chân tình. Đây là những tài nguyên quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông thôn, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Đối chiếu với những điều kiện cần và đủ để khai phá phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp và nông thôn, có thể thấy, Hà Tĩnh có nhiều lợi thế. Trước hết về điều kiện tự nhiên, Hà Tĩnh nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, nơi được xem là “đòn gánh” của 2 đầu đất nước. Khác với những vùng, miền có khí hậu ôn hòa, thời tiết Hà Tĩnh khá khắc nghiệt: nắng lắm, mưa nhiều. Tuy đó là yếu tố gây nhiều trở ngại đối với sự sinh tồn nhưng lại là thử thách “tôi luyện” cho thiên nhiên, vạn vật.
Cũng nhờ đó, thiên nhiên Hà Tĩnh có sự đa dạng về cảnh quan rừng núi, ao hồ, sông ngòi làm nên những thắng cảnh độc đáo. Tiêu biểu như: Vườn quốc gia Vũ Quang với diện tích hàng chục ngàn ha, là nơi lưu giữ hệ động vật, thực vật thuộc top đầu của Việt Nam, với sự góp mặt của 1.828 loài thuộc 217 họ thực vật bậc cao, 94 loài thú, 315 loài chim, 89 loài lưỡng cư bò sát, 88 loài cá xương, 316 loài bướm…
Trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, để sinh tồn, nông dân Hà Tĩnh ở vùng núi đến đồng bằng đều có những phương thức canh tác sản xuất mang nhiều nét đặc trưng, bản sắc riêng. Từ đó, hình thành những làng nghề độc đáo như: làng rèn Trung Lương (TX Hồng Lĩnh), làng mộc Thái Yên (xã Thanh Bình Thịnh, Đức Thọ), nghề chằm áo tơi (Can Lộc); trồng chè ở Sơn Kim (Hương Sơn), Hương Trà (Hương Khê)…
Hà Tĩnh cũng được mệnh danh là “đất thơ” khi nghệ thuật diễn xướng dân gian có mặt khắp nơi trong đời sống cộng đồng, với di sản tiêu biểu là dân ca ví giặm, ca trù, trò Kiều... Tất cả góp phần làm nên bản sắc riêng của con người quê hương núi Hồng - sông La trong mỗi làng quê. Ngoài ra, trong thời gian qua, Hà Tĩnh là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phong trào xây dựng NTM, đạt nhiều thành tựu. NTM đã khơi dòng các giá trị văn hóa làng quê, làm nên sức hút khi kết hợp với phát triển du lịch bền vững.
Tại hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Tĩnh diễn ra đầu tháng 4/2024 ở TP Hà Tĩnh, nhiều đại biểu đã cho rằng, Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng để phát triển các mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp và nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Trên thực tế, xứ Thanh cũng có nhiều nét tương đồng với Hà Tĩnh về điều kiện tự nhiên, khí hậu, cảnh quan, các làng quê truyền thống và văn hóa con người… Gần đây, Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, điểm đến Pù Luông (thuộc huyện Bá Thước và Quan Hóa) - khu bảo tồn thiên nhiên có quy mô hơn 17.600 ha nay đã trở thành địa chỉ nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Hà Tĩnh có rất nhiều điểm đến tương đồng có thể phát triển thành mô hình du lịch cộng đồng hấp dẫn như thế”.
Quyết tâm phát triển loại hình du lịch nông thôn
Thực hiện chủ trương chung, thời gian qua, Hà Tĩnh đã đề ra nhiều chương trình hành động cụ thể. Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 17/4/2023 về thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Kế hoạch nhằm hướng tới cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 phù hợp với điều kiện của Hà Tĩnh.
Trong đó, xác định phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua đó, góp phần phát huy những giá trị tài nguyên về văn hóa, con người, xây dựng những sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn hấp dẫn, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng NTM bền vững.
Hà Tĩnh cũng đề ra những chỉ tiêu cụ thể như: phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn về lưu trú, ăn uống, dịch vụ du lịch khác tại điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; phấn đấu mỗi huyện NTM có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù…
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở VH-TT&DL đã tham mưu các cấp, ngành, hướng dẫn các địa phương thực hiện các chương trình. Trong đó, sở đã tổ chức mời chuyên gia hàng đầu cả nước khảo sát và tham mưu UBND tỉnh đề xuất xây dựng thí điểm 1 mô hình du lịch cộng đồng cấp Trung ương là mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa và cây trồng bản địa theo hướng phát triển xanh, bền vững tại thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn); xây dựng 2 mô hình du lịch cộng đồng thí điểm cấp tỉnh ở bản Phú Lâm (xã Phú Gia, Hương Khê) và thôn Hoa Thị (xã Thọ Điền, Vũ Quang). Sở VH-TT&DL cũng đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn, các chuyến khảo sát học tập các mô hình du lịch cộng đồng thành công trên cả nước cho cán bộ, các chủ homestay, chủ mô hình du lịch cộng đồng ở 3 địa phương nói trên.
Ông Trần Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: “Khi được tỉnh giao xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng ở bản Phú Lâm, chúng tôi đã dành nhiều tâm huyết để cùng với người dân địa phương từng bước thực hiện hoàn thành nhiều phần việc như: tổ chức tập huấn trang bị kiến thức cho các hộ dân về xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, hướng dẫn và hỗ trợ xây dựng các hạng mục cơ sở vật chất để đón khách… Với sự quyết tâm cao của các cấp chính quyền, sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, đến nay, Phú Lâm đã bắt đầu đón và phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm”.
Cùng với nhiều thuận lợi về tài nguyên, sự quyết tâm của các cấp, ngành và người dân, việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn ở Hà Tĩnh còn gặp những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Bà Võ Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh) cho biết: “Tỉnh đã giao 3 huyện thí điểm mô hình du lịch cộng đồng (Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê) hoàn thiện đề án, sớm phê duyệt để có cơ sở triển khai thực hiện. Đề án nhiều lần được các sở, ban, ngành góp ý và đang tiếp tục hoàn thiện. Một trong những lý do chậm trễ là vướng mắc từ các quy định pháp lý về chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất ở, đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất… sang đất thương mại, dịch vụ). Điều này không chỉ Hà Tĩnh mà các địa phương khác đang tiến hành phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng gặp phải. Chúng tôi hy vọng, thời gian tới, Nhà nước sẽ có những điều chỉnh phù hợp trong Luật Đất đai, tạo thuận lợi để phát triển loại hình du lịch này”.