Nhiều công trình trọng điểm được triển khai
Những ngày này, trên công trường thi công dự án cảng cá Cửa Nhượng (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên), nhiều hạng mục quan trọng đang được các nhà thầu tập trung huy động nhân, vật lực triển khai, phấn đấu hoàn thành công trình trước 31/12/2024.
Tham gia thi công trên công trường gồm liên danh 5 nhà thầu chính là Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại 269 (Cẩm Xuyên), Công ty Cổ phần xây dựng thương mại Thới Bình (TP Hồ Chí Minh), Công ty Cổ phần đầu tư Thành Công (Nghệ An), Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Quê Hương (TP Hồ Chí Minh) và Công ty Cổ phần đầu tư Quốc Việt (Nghệ An).
Được biết, dự án có tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng, gồm các hạng mục chính như: bến cập tàu từ 150CV tới 400CV; bến cập tàu dưới 150CV; bãi tiếp nhận thủy sản diện tích 2.400m2; nạo vét luồng vào cảng và khu vực vùng nước trước cảng; hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa; kè bờ, đê ngăn cát, đường nội bộ trong cảng...
Ông Lê Văn Danh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Dự án cảng cá Cẩm Nhượng hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là hoạt động khai thác gắn với thu mua, chế biến thủy hải sản; thu hút lao động chuyển sang các nghề dịch vụ hậu cần đi kèm như kho bãi, cung cấp xăng dầu, nhu yếu phẩm, vận chuyển hàng hóa; phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (phòng chống IUU)…”.
Để đảm bảo đường găng tiến độ đề ra, Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT Hà Tĩnh đã thành lập Ban điều hành chỉ đạo thực hiện dự án; bám sát hiện trường, tổ chức giao ban công trường hàng tuần và yêu cầu các đơn vị thi công tăng cường tập trung máy móc thiết bị, nhân lực, vật tư thi công trong cả 3 ca. Đến nay, dự án đã đạt 25% khối lượng thi công.
Tranh thủ tối đa các nguồn lực, hiện nay, dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Khẩu, xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng cũng đang được tập trung thực hiện. Dự án gồm các hạng mục chính: nạo vét khu vực neo đậu; nạo vét tuyến luồng vào; xây dựng đê chắn sóng đảm bảo tránh trú bão cho 600 tàu cá có công suất tối đa 600 CV. Dự án sẽ đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu thuyền vào tránh trú trong mùa mưa bão; phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá tại địa phương.
Anh Nguyễn Thành Chung - Chỉ huy trưởng Công ty CP Xây dựng thủy lợi Cà Mau cho biết: “Trong quá trình thi công hạng mục nạo vét tuyến luồng vào gặp nhiều khó khăn như: phải liên tục căn thủy triều lên xuống, tốn nhiều thời gian, chi phí để vệ sinh đường ống do vướng phải rác thải khi thực hiện nạo vét; điều kiện thời tiết trên biển khó lường, khắc nghiệt… Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm cao, công ty đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình. Đến nay, công ty đã hoàn thành đúc 70 cấu kiện thả neo nặng 28 tấn; nạo vét 50% khối lượng tuyến luồng vào”.
Huy động nguồn lực, xúc tiến đầu tư các dự án mới
Hà Tĩnh hiện có 2 cảng cá (cảng cá Xuân Hội và cảng cá Thạch Kim), 4 âu trú bão (Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu) đang vận hành khai thác. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, sau nhiều năm sử dụng, hầu hết các công trình đã xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu về chống khai thác IUU.
Đặc biệt, công trình cảng cá Xuân Hội và Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Cửa Hội - Xuân Phổ (Nghi Xuân) bị bồi lắng nhiều, gây nhiều khó khăn trong khâu kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và sản lượng thủy sản qua cảng.
Ông Võ Tá Sơn - Trưởng phòng Quản lý dự án BQL dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết: “Trước những yêu cầu cấp bách đó, BQL dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT đã phối hợp Sở NN&PTNT, các địa phương rà soát, tham mưu để UBND tỉnh đề xuất bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí hơn 550 tỷ đồng thực hiện các dự án nâng cấp hạ tầng nghề cá và nuôi trồng thủy sản tại Hà Tĩnh.
Trọng điểm là các dự án: dự án nạo vét, chỉnh trị tuyến luồng vào Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ; xây dựng khu dịch vụ hậu cần khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ; nạo vét cảng Xuân Hội và xây dựng tuyến đê chắn cát phía biển (Nghi Xuân); nạo vét luồng vào cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà);...
"Những dự án này được triển khai sẽ góp phần nâng cao năng lực hệ thống các cảng cá trên địa bàn Hà Tĩnh; đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững lĩnh vực thủy sản, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa, xã hội, vệ sinh môi trường; tháo gỡ "thẻ vàng"; phòng chống khai thác IUU theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC)" - ông Sơn cho biết thêm.
Bên cạnh đó, để phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tại vùng biển ven bờ Hà Tĩnh, dự án “Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản” đã được Bộ NN&PTNT chấp thuận về chuyên môn; Bộ Tài chính đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư dự kiến 170 tỷ đồng. Theo đó, dự án sẽ hình thành sinh cảnh nhân tạo cho các loài thủy sản cư trú; giảm thiểu tác động của hoạt động khai thác bằng lưới kéo đến các khu vực sinh sản tập trung, khu vực thủy sản còn non sinh sống tại vùng biển ven bờ huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh.