Can Lộc là một trong những địa phương chú trọng thực hiện dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất.
Tái cơ cấu ngành đạt nhiều kết quả
Hà Tĩnh thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2022 trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, trong khi thị trường, giá nhiều mặt hàng nông sản không tăng; thời tiết diễn biến bất thường gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng, làm giảm năng suất, sản lượng.
Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Từ đầu năm, sở đã chủ động ban hành sớm và tổ chức triển khai các kế hoạch, đề án sản xuất phù hợp với tình hình thực tế; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống thiên tai. Đặc biệt, ngành đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất, hình thành cánh đồng lớn. Các địa phương chủ động xúc tiến, ký kết hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm triển khai phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn”.
Huyện Can Lộc và Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm ký kết biên bản hợp tác dưới sự chứng kiến của lãnh đạo 2 bên.
Vượt qua khó khăn, nhịp độ sản xuất vẫn được các địa phương, bà con nông dân duy trì để vừa đảm bảo đời sống, thu nhập, vừa góp phần vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Theo đó, tổng diện tích lúa gieo cấy trong năm đạt 104.748 ha, năng suất bình quân cả năm đạt 53,41 tạ/ha, tương đương bình quân 5 năm qua (trừ năm 2021 là năm có năng suất cao nhất từ trước đến nay); sản lượng lúa cả năm đạt trên 55,9 vạn tấn. Các chỉ tiêu về cây trồng cạn, rau màu, cây ăn quả cơ bản đạt và vượt kế hoạch sản xuất.
Cùng với sản xuất, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục diễn ra theo chiều sâu, đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, toàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Đến nay, diện tích các mô hình thực hiện theo chủ trương này đã đạt hơn 6.300 ha; tiến hành tổ chức lại sản xuất theo hướng thâm canh, “1 cánh đồng, 1 giống, 1 thời vụ, 1 quy trình canh tác”, áp dụng các tiến bộ KHKT, giống mới cho năng suất cao, thu nhập tăng thêm từ 10-15% so với sản xuất trước đây.
Năm 2022, tổng sản lượng lương thực đạt trên 61,8 vạn tấn.
Ông Trần Mạnh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết: “Năm 2022, huyện tập trung trọng tâm thực hiện dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất. Đây là đòn bẩy quan trọng vừa tạo khí thế mới, vừa động viên kịp thời bà con nông dân thay đổi tư duy, cách làm. Diện tích sản xuất lúa toàn huyện đạt 18.461 ha, vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, hơn 2.200 ha được chuyển đổi theo hướng tập trung, tích tụ ruộng đất. Năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt 55,7 tạ/ha, cao hơn bình quân cả tỉnh khoảng 2,3 tạ/ha”.
Lĩnh vực thủy sản tạo bước chuyển biến quan trọng khi các địa phương tập trung mở rộng diện tích nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao trên cát đạt trên 614 ha (tăng 6% so với năm 2021). Nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi tôm 3 giai đoạn ở các huyện Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh... cho năng suất vượt trội (gấp 7-10 lần so với bình quân toàn tỉnh).
Chương trình OCOP được các địa phương quan tâm, có 69 ý tưởng phát triển sản phẩm đủ điều kiện tham gia chương trình năm 2022; nhiều sản phẩm mới đạt chuẩn được người tiêu dùng đánh giá cao, có đơn hàng xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn cho hiệu quả kinh tế cao tại TP Hà Tĩnh.
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền các cấp, ngành chuyên môn và bà con nông dân, tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp đạt trên 2,5%, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (theo giá so sánh) ước đạt trên 13.828 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích ước đạt trên 96 triệu đồng/ha; tổng sản lượng lương thực đạt trên 61,8 vạn tấn; tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 53% giá trị sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt trên 52,25%.
Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, an toàn, hữu cơ ngày càng được các địa phương, bà con nông dân quan tâm. Toàn tỉnh có 36 cơ sở sản xuất bưởi Phúc Trạch với diện tích 221,52 ha; 196 cơ sở sản xuất cam với diện tích 1.253 ha; 9,6 ha cây rau màu; 172 ha lúa đã được cấp chứng nhận VietGAP.
Ông Bạch Đình Sáng - Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất bưởi Phúc Trạch hữu cơ Hương Thủy (Hương Khê) được tiếp cận với phương thức sản xuất mới.
Ông Bạch Đình Sáng - Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất bưởi Phúc Trạch hữu cơ Hương Thủy (Hương Khê) chia sẻ: “Khi tham gia mô hình sản xuất bưởi hữu cơ do Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở NN&PTNT) hướng dẫn, các thành viên vẫn còn nhiều điều nghi ngại nhưng được “cầm tay chỉ việc”, chúng tôi đã tự tin hơn. Tổ hiện có 5 thành viên, sản xuất hơn 2 ha bưởi, tổng sản lượng bưởi hữu cơ năm 2022 đạt khoảng 28 tấn. Quan trọng hơn cả, chúng tôi được tiếp cận với cách làm bền vững với đất, môi trường, gia tăng giá trị sản phẩm từ 20-25% so với trước đây”.
Theo số liệu từ ngành chuyên môn, Hà Tĩnh đang có 283 cơ sở có giấy chứng nhận VietGAP, VietGAHP, GMP, HACCP, ISO… còn hiệu lực và 23 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn có xác nhận với các sản phẩm bưởi Phúc Trạch, cam chanh, rau củ, quả, chè, nhung hươu, thủy sản, gạo. Cục Bảo vệ thực vật đã cấp mã số vùng trồng cho Tổ hợp tác Sản xuất bưởi Phúc Trạch Anh Quân (huyện Hương Khê) phục vụ xuất khẩu đi các nước châu Âu và Nga. Toàn tỉnh cũng bước đầu số hóa thông tin, dữ liệu cho 2.859 hộ SXKD bưởi Phúc Trạch và 13 vùng sản xuất với tổng diện tích 899 ha; kết nối, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử như Alibaba, Sendo, Voso, Postmart, Shopee… Những sự thay đổi này góp phần chuyển tiếp từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Sản phẩm nhung hươi của Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn tham gia các hội chợ, chương trình quảng bá thương hiệu tại Hà Nội vào tháng 4/2022.
Năm mới 2023, ngành NN&PTNT tỉnh nhà tiếp tục phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn; phấn đấu tăng trưởng đạt 3%/năm. Theo đó, nhiệm vụ đặt ra là chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp về cơ cấu lại ngành, phát triển các chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo vùng, miền sinh thái; lấy thị trường, khoa học công nghệ và liên kết với doanh nghiệp làm động lực; xây dựng, củng cố các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao hiệu quả và giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích. Đẩy mạnh nhân rộng mô hình tập trung tích tụ ruộng đất, chuỗi sản xuất an toàn theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn như VietGAP, hữu cơ, hữu cơ tuần hoàn...
Các địa phương cần tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, nguồn lực thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về tập trung tích tụ ruộng đất.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt, trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, các địa phương cần tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, nguồn lực từ Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Đề án xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về tập trung tích tụ ruộng đất; Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp; Nghị quyết 51-NQ/HĐND của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022-2025… nhằm đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững, đi vào chiều sâu gắn với xây dựng tỉnh NTM.