Hương Sơn chạm đích huyện nông thôn mới

(Baohatinh.vn) - Trong hành trình xây dựng nông thôn mới, cán bộ và Nhân dân Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm và có cách làm sáng tạo, linh hoạt để đưa huyện nhà đạt chuẩn nông thôn mới bền vững.

Hạ tầng đi trước...

Hương Sơn là huyện miền núi biên giới phía Tây của tỉnh. Bước vào xây dựng nông thôn mới (NTM) từ điểm xuất phát thấp, sau hơn 10 năm, nông thôn Hương Sơn đã có sự đổi thay rõ nét, hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày một nâng cao. Đến nay, toàn huyện có 23/23 xã đạt chuẩn NTM, 9/9 tiêu chí cấp huyện đạt chuẩn theo quy định. Sau khi đạt chuẩn, các xã đều nâng cấp mức độ đạt chuẩn các tiêu chí.

Hương Sơn chạm đích huyện nông thôn mới

Một góc thị trấn Phố Châu - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá huyện Hương Sơn. Ảnh: Minh Lý

Bí thư huyện ủy Hương Sơn Bùi Nhân Sâm cho biết: Xác định xây dựng NTM là chủ trương lớn có tính chiến lược của Đảng, Nhà nước, vì lợi ích Nhân dân, và mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nên ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp xây dựng NTM.

Hương Sơn chạm đích huyện nông thôn mới

Lãnh đạo tỉnh và huyện Hương Sơn thường xuyên theo dõi, chỉ đạo sát sao trong công tác xây dựng NTM của địa phương. Ảnh tư liệu

Xác định đầu tư phát triển hạ tầng phải đi trước một bước, là "chìa khoá" góp phần nâng cao đời sống văn hoá, giáo dục và phát triển sản xuất, trong 10 năm xây dựng NTM, toàn huyện đã đầu tư, nâng cấp hệ thống đường bộ dài gần 1.900 km đảm bảo đạt tiêu chuẩn. Nhân dân Hương Sơn đã không tiếc công, tiếc của hiến hàng chục nghìn m2 đất, hơn 2,6 triệu ngày công làm giao thông nông thôn.

Hương Sơn chạm đích huyện nông thôn mới

Nhiều tuyến đường ở Hương Sơn đã được mở rộng và thảm nhựa. Ảnh Minh Lý

Cùng với đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, những năm qua, Hương Sơn không ngừng củng cố, nâng cấp hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hoá…. đạt chuẩn, đảm bảo phục vụ tốt nhất việc nâng cao văn hoá, giáo dục, sức khoẻ cho người dân. Đến cuối năm 2020, toàn huyện có 63/67 trường đạt chuẩn quốc gia; 23/23 trạm y tế được sửa chữa, nâng cấp và xây mới và đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên toàn huyện đã đạt chuẩn.

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu cốt lõi

Hương Sơn chạm đích huyện nông thôn mới

Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Hà Trình - thôn Trại Cụp, xã Kim Hoa cho doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm. Ảnh Minh Lý.

Hương Sơn là huyện miền núi, có tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế vườn đồi, trồng rừng và chăn nuôi. Để phát huy lợi thế, Hương Sơn đã tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện Đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trên cơ sở xác định 5 sản phẩm chủ lực (cam, chè, gỗ nguyên liệu, hươu, lợn), huyện đã tập trung chỉ đạo ứng dụng khoa học kỹ thuật, giống mới; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo khối lượng hàng hóa lớn; từng bước liên kết sản xuất với doanh nghiệp.

Để phát triển các sản phẩm chủ lực, ngoài hấp thu chính sách của tỉnh, huyện đã ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách; tổ chức đào tạo nghề, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân thực hiện. Nhiều hộ dân Hương Sơn đã làm giàu trên chính vườn đồi của mình với doanh thu hàng năm từ cây ăn quả, chăn nuôi đạt từ 500 triệu - 5 tỷ đồng.

Hương Sơn chạm đích huyện nông thôn mới

Cam Hương Sơn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân.

Một số sản phẩm chủ lực như: cam bù, cam chanh và một số loại cây ăn quả truyền thống không ngừng được mở rộng diện tích với trên 4.188 ha. Đặc biệt, những loại trái cây đặc sản như cam bù, cam chanh được bà con đầu tư sản xuất theo hướng VietGap và Chương trình OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm.

Hương Sơn còn có thể mạnh về chăn nuôi hươu, được nuôi nhốt tại nhiều hộ gia đình trên địa bàn toàn huyện.

Hương Sơn chạm đích huyện nông thôn mới

Tính đến cuối năm 2021, tổng đàn hươu toàn huyện có trên 36.600 con, giá trị sản xuất đạt 226 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn - Nguyễn Kiều Hưng cho biết: Để phát triển đàn hươu, tạo giá trị thu nhập cho các hộ chăn nuôi, huyện Hương Sơn đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển đàn. Đến nay, toàn huyện có tổng đàn hươu trên 36.600 con; sản lượng nhung hươu năm 2021 đạt 15 tấn, giá trị sản xuất đạt 226 tỷ đồng.

Hương Sơn chạm đích huyện nông thôn mới

Sản phẩm nhung hươu Hương Sơn không còn sản xuất “thô” như trước mà qua chương trình OCOP đã được chế biến đa dạng với nhiều chủng loại, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Ngoài ra, chăn nuôi trâu bò, lợn và các loại cây trồng như: chè, keo, gỗ nguyên liệu... rất phát triển và cho thu nhập cao. Đến nay, toàn huyện có 473 mô hình, trong đó có 69 mô hình lớn, 97 mô hình vừa, 307 mô hình nhỏ; có 185 mô hình liên kết sản xuất xuất, kinh doanh. Hương Sơn cũng là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP với gần 50 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 4 sao.

Hương Sơn chạm đích huyện nông thôn mới

Toàn huyện có hơn 400 ha chè thương phẩm đạt sản lượng 4.100 tấn/năm, đảm bảo việc làm cho 1.154 hộ liên kết và hàng trăm công nhân với mức lương trên 7 triệu đồng/người/tháng

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn - Nguyễn Kiều Hưng cho biết thêm: Hương Sơn đang thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, VietGAP, liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị được quan tâm. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2021 đạt 3.298 tỷ đồng tăng 225% so với năm 2011; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích năm 2021 đạt 88,12 triệu đồng/ha.

Hương Sơn cũng là địa phương có hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ khá hoàn chỉnh với quốc lộ 8A kết nối cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; đường Hồ Chí Minh kết nối liên vùng Nghệ An - Quảng Bình, sông Ngàn Phố chạy dọc chiều dài của huyện.

Hương Sơn chạm đích huyện nông thôn mới

Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo - một trong những động lực để Hương Sơn phát triển thương mại, dịch vụ

Địa phương còn có trên 80 di tích lịch sử đền, chùa, nhà thờ các danh nhân, trong đó 47 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, có 11 di tích xếp hạng cấp quốc gia. Riêng lễ hội Hải Thượng Lãn Ông được đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là những lợi thế phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch đang được người dân Hương Sơn khai thác, phát huy để nâng cao thu nhập.

Hương Sơn chạm đích huyện nông thôn mới

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông được đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh tư liệu

Với những tiềm năng, lợi thế và sự cần cù, sáng tạo, người dân Hương Sơn đã tự tin xây dựng cho mình cuộc sống ngày càng ấm no, văn hoá ngày càng phát triển. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,86%.

Hành trình đạt chuẩn huyện NTM của cán bộ và Nhân dân Hương Sơn đã rõ nét, mang đến sự hài lòng, đồng thuận cao trong Nhân dân và tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2021 - 2025, góp phần hoàn thành mục tiêu tỉnh NTM giai đoạn 2021 - 2025.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bão số 6 (bão Tramy) sau khi đổ bộ vào bờ, thay vì suy yếu, sẽ quay trở lại ra biển nên các địa phương, đơn vị cần cảnh báo người dân, nhất là ngư dân, tuyệt đối không được chủ quan.
Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Để giúp hoa sinh trưởng tốt, đảm bảo khung thời vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dịp tết, nhiều hộ dân trồng hoa cúc trên địa bàn Hà Tĩnh đang tập trung xuống giống.
Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tăng giai đoạn cuối năm đã đẩy dư nợ lĩnh vực này của các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh tăng trưởng mạnh.
Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Dù năng suất cam năm nay đạt thấp hơn mọi năm nhưng bù lại được giá nên các nhà vườn ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vẫn phấn khởi, bà con đang nhanh tay thu hoạch những quả chín sớm.