Liên kết sản xuất, nông dân Kỳ Anh phấn khởi bán thóc tươi tại chân ruộng

(Baohatinh.vn) - Vụ xuân năm 2019, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) được mùa toàn diện cả về năng suất, sản lượng và đảm bảo khung lịch thời vụ của tỉnh. Đặc biệt, đối với trên 100 ha sản xuất liên kết với doanh nghiệp, người dân hết sức phấn khởi bởi lúa vừa được mùa, lại tiêu thụ được ngay tại chân ruộng với giá khá cao.

Liên kết sản xuất, nông dân Kỳ Anh phấn khởi bán thóc tươi tại chân ruộng

Chị Nguyễn Thị Tứ (bên trái) đóng gói sản phẩm bán cho DN ngay tại ruộng

Vụ xuân năm nay, trong tổng số 5 sào ruộng, gia đình chị Nguyễn Thị Tứ (thôn Thanh Sơn, xã Kỳ Văn) có trên 3 sào được sản xuất liên kết với Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang ở Ninh Bình.

Trong quá trình liên kết sản xuất, doanh nghiệp cung ứng giống chất lượng cao cho người dân và tiến hành bao tiêu 100% lượng thóc tươi thành phẩm ngay tại chân ruộng với giá 6.000 đồng/kg, tương đương với giá thóc sau khi đã phơi khô trên thị trường hiện nay.

Liên kết sản xuất, nông dân Kỳ Anh phấn khởi bán thóc tươi tại chân ruộng

Lãnh đạo phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh kiểm tra chất lượng sản phẩm ở những vùng liên kết sản xuất lúa

“Đây là vụ thứ 2 chúng tôi thực hiện mô hình liên kết với doanh nghiệp đối với giống lúa DQ11. Chúng tôi đầu tư thâm canh, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên đạt năng suất cao hơn những diện tích khác - đạt khoảng 3 tạ/sào. Cùng đó, doanh nghiệp mua tại ruộng với giá khá hấp dẫn nên nông dân giảm được công sức phơi phong, cất trữ. Vụ sản xuất tới, tôi và bà con đang bàn bạc để mở rộng diện tích liên kết” – chị Tứ cho biết.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Văn Hoàng Trọng Lý, năng suất lúa vụ xuân của xã đạt cao nhất từ trước tới nay (54 tạ/ha), ngoài việc tăng đầu tư thâm canh, ứng dụng những giống lúa mới năng suất cao, chất lượng tốt, còn có vai trò của việc mở rộng diện tích liên kết với doanh nghiệp. Toàn xã có 50 ha liên kết cung ứng giống và thu mua sản phẩm, năng suất ở những vùng sản xuất này lên tới 60 tạ/ha.

Liên kết sản xuất, nông dân Kỳ Anh phấn khởi bán thóc tươi tại chân ruộng

Vùng sản xuất tập trung thôn Đông Sơn, xã Kỳ Phong đến thời điểm này đã hoàn thành thu hoạch diện tích lúa liên kết để bán cho doanh nghiệp

Tại thôn Đông Sơn, xã Kỳ Phong, với 20 ha lúa liên kết giống DQ11, những ngày thu hoạch vụ xuân, xe của doanh nghiệp về tận địa bàn để thu mua cho nông dân. Thôn trưởng Trần Thị Tọa cho biết, riêng gia đình chị làm 2 sào lúa chất lượng cao liên kết với doanh nghiệp, mỗi sào năng suất đạt hơn 3,5 tạ.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh, sự xuất hiện của doanh nghiệp với hình thức liên kết trên cánh đồng lớn, 1 giống chất lượng cao, giá thu mua hấp dẫn đang được nông dân đón nhận. Mặc dù là vụ đầu tiên triển khai đại trà với hình thức liên kết mới này, nhưng vụ xuân 2019 toàn huyện Kỳ Anh đã có địa phương (Kỳ Văn, Kỳ Thư, Kỳ Phong, Kỳ Tiến) thực hiện với tổng diện tích trên 100 ha; năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha.

Liên kết sản xuất, nông dân Kỳ Anh phấn khởi bán thóc tươi tại chân ruộng

Doanh nghiệp đưa xe vận tải về tận địa bàn các xã có diện tích lúa liên kết để thu mua sản phẩm

Ông Lại Xuân Thu - đại diện Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang cho biết: "Bước đầu chúng tôi thấy phấn khởi vì nông dân Kỳ Anh đánh giá cao về năng suất, chất lượng của giống lúa mà doanh nghiệp triển khai. Ở nhiều diện tích, bà con chỉ bán cho doanh nghiệp một phần, còn lại sử dụng cho bữa cơm gia đình. Vì vậy, vụ sản xuất này chúng tôi chỉ đặt mục tiêu thu mua khoảng 120 tấn. Những vụ sản xuất tới, với diện tích liên kết sản xuất được mở rộng, chúng tôi mong muốn sẽ thu mua được với số lượng nhiều hơn".

Ông Lê Văn Trọng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh cho biết, những năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện Kỳ Anh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện triển khai nhiều giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng suất và sản lượng lúa trên một đơn vị diện tích. Vụ xuân 2019 này, một trong những thành công được ghi nhận đó là diện tích liên kết với doanh nghiệp sản xuất một loại giống trên cánh đồng lớn, mở ra hướng đi triển vọng để nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Vụ xuân 2019, với 500 ha sản xuất cánh đồng lớn do dự án WB7 đầu tư tại 7 xã; 12/21 xã tham gia tích cực cuộc thi thâm canh lúa; mở rộng diện tích lúa liên kết sản xuất với nhiều hình thức... nên Kỳ Anh đạt năng suất cao nhất từ trước tới nay, với 54 tạ/ha. Đến thời điểm này, huyện đã thu hoạch được hơn 80% trên tổng số 5,5 ngàn ha lúa toàn huyện. Dự kiến trong khoảng thời gian từ 10 - 13/5, toàn huyện sẽ hoàn thành thu hoạch vụ xuân, sớm hơn 15 ngày so với vụ xuân 2018.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.