Lợi ích kép từ sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi, cáy

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh mở rộng vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi rươi, cáy nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích gắn với bảo vệ môi trường.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tháng 9/2022, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân đã chỉ đạo triển khai cải tạo đồng ruộng để thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi rươi tại thôn 2 và thôn 3 với quy mô 10 ha, giao Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thống Nhất xã Xuân Lam thực hiện. Đến nay, HTX đã tiến hành sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được 3 vụ.

z5500930509204_309e25b4e6db72d1b875fd7535f8de96.jpg
Ông Nguyễn Văn Chiến - Giám đốc HTX Nông nghiệp Thống Nhất (ở giữa) cùng bà con kiểm tra nguồn rươi trên ruộng lúa.

Gia đình ông Lê Anh Sơn (thôn 2, xã Xuân Lam) là một trong những hộ dân tham gia mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi rươi do HTX Nông nghiệp Thống Nhất triển khai. Ông Sơn cho biết: “Tôi rất phấn khởi vì trung bình năng suất đạt 2,7 tạ/sào/vụ (cao hơn trước 50 kg/sào/vụ). Đặc biệt, nếu ruộng rươi tự nhiên trước đây chỉ đạt mật độ 10 - 15 con/m2, chỉ cho thu hoạch từ tháng 9 - 10 (âm lịch) thì bây giờ mật độ đã tăng lên đạt 35 - 40 con/m2, có nơi trên 100 con/m2 và thu hoạch được vào cả tháng 5 - 6 (âm lịch). Mỗi vụ, gia đình có thể thu được hơn 100 triệu đồng từ bán lúa và rươi trên diện tích 4 sào”.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến - Giám đốc HTX Nông nghiệp Thống Nhất, việc triển khai mô hình làm cơ sở để địa phương xây dựng thương hiệu gạo rươi đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Từ diện tích ban đầu 10 ha, thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục xây dựng vùng chuyên canh lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi rươi, cáy với quy mô tập trung 80 ha.

z5500930873711_b258fa600464a13b80f97893b6323087.jpg
Áp dụng quy trình hữu cơ, mật độ rươi, cáy đã tăng lên, đạt 35- 40 con/m2, có nơi trên 100 con/m2.

Thực hiện chủ trương sản xuất lúa hàng hóa theo hướng hữu cơ, từ vụ xuân 2022, huyện Kỳ Anh bắt đầu triển khai thí điểm mô hình “Chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ kết hợp tái tạo, phục hồi nguồn lợi rươi tự nhiên” tại thôn Đậu Giang, xã Kỳ Khang với diện tích 5 ha.

Là người gắn bó với cánh đồng này từ hàng chục năm trước, ông Nguyễn Văn Huấn hết sức phấn khởi và tích cực tham gia chủ trương của huyện. Ông Huấn vui mừng: “Trải qua gần 2 năm kiên trì sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, người dân không còn bón phân vô cơ, thuốc BVTV trên đồng ruộng, hệ sinh thái dần được phục hồi, môi trường đồng ruộng được cải tạo. Ngoài con rươi thì các loại như cáy, ốc, tôm, cá cũng đã xuất hiện nhiều hơn”.

Chị Hoàng Thị Vinh - Tổ trưởng THT sản xuất lúa - rươi thôn Đậu Giang chia sẻ: “Khi mới triển khai, nhiều hộ dân e ngại nhưng sau khi tham gia thử nghiệm đã thấy được nhiều lợi ích mang lại. Không chỉ tạo ra sản phẩm lúa gạo chất lượng, giá cao mà mỗi vụ, bà con còn có thu nhập từ 300 - 500.000 đồng/sào từ việc bán rươi, cáy, tôm... Giờ đây, bà con nông dân mong muốn mở rộng diện tích sản xuất lúa để nâng cao sản lượng rươi khai thác".

Được biết, hiện nay, mô hình “Chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ kết hợp tái tạo, phục hồi nguồn lợi rươi tự nhiên” tiếp tục được quy hoạch lên 17 ha và tiến tới sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên ruộng rươi lên 25 ha.

z5500930250402_a51e159fad0ead7fe98ed6b486b6b755.jpg
THT sản xuất lúa - rươi thôn Đậu Giang, xã Kỳ Khang tiến tới mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên ruộng rươi lên 25 ha.

Những năm gần đây, song song với phong trào chuyển đổi ruộng đất, tập trung ruộng đất, huyện Kỳ Anh đang đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp bền vững. Các mô hình sản xuất liên kết, sản xuất theo hướng hữu cơ kết hợp lúa, rươi được phát triển, từng bước thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại nền nông nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: “Đến nay huyện đã xây dựng được hơn 32 ha lúa theo hướng hữu cơ. Từ vụ hè thu 2024, ngoài diện tích đã sản xuất ổn định, huyện đang tiếp tục vận dụng mọi nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ để mở rộng diện tích. Cùng đó, đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, tái tạo và khai thác rươi đúng kỹ thuật cho bà con nông dân; liên kết với doanh nghiệp để vừa phát triển mô hình sản xuất, vừa xây dựng thương hiệu gạo - rươi của huyện Kỳ Anh”.

z5502223905276_a4cd9fa698947f622582cae3bbb32dc4.jpg
Hà Tĩnh có hơn 133 ha diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ trên vùng khai thác rươi, cáy

Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 133 ha diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ trên vùng khai thác rươi, cáy đang mang lại lợi ích “kép” cho nông dân. Trước vụ hè thu 2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh giai đoạn 2024 - 2030 , mở rộng thêm 57 ha sản xuất lúa kết hợp rươi, cáy tại các địa phương thuộc các huyện: Kỳ Anh, Đức Thọ, Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh và TX Hồng Lĩnh.

Đây là cơ sở để các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để tái tạo và phát triển rươi, cáy tự nhiên. Điều này kỳ vọng mở ra hướng đi mới, giúp nông dân thay đổi nhận thức trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng một đơn vị diện tích, tạo động lực đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Video: Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi rươi, cáy trên địa bàn Hà Tĩnh

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast