Chuồng lợn thành ao nuôi lươn hiệu quả
Ông Nguyễn Thành Biên (xã Cẩm Thăng) chuyển hướng nuôi lươn sau nhiều lần thua lỗ do lợn bị dịch
Nhiều năm gắn bó với nghề nuôi lợn nhưng từ cuối năm 2018 đến nay, lợn liên tiếp bị dịch bệnh khiến gia đình ông Nguyễn Thành Biên (thôn 6, xã Cẩm Thăng, Cẩm Xuyên) thua lỗ nặng.
Đang loay hoay không biết nên nuôi con gì để thay thế lợn thì ông Biên biết đến mô hình nuôi lươn không bùn. Với sự hỗ trợ của Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên, ông Biên đã mạnh dạn cải tạo chuồng trại để triển khai mô hình.
Ông Nguyễn Thành Biên cho biết: “Trung tâm hỗ trợ 8.000 con lươn giống và hướng dẫn về quy trình, kỹ thuật nuôi. Lươn được thả nuôi trong 2 đợt, đợt 1 vào tháng 4 và đợt 2 vào tháng 7. Thời gian nuôi 1 lứa kéo dài trong 8 tháng. Hiện tại, lươn phát triển tốt, đồng đều và ít dịch bệnh. Tỷ lệ chết chỉ khoảng 5/100 con”.
Lươn thả nuôi từ tháng 4/2019 nay đạt trọng lượng từ 1,2 - 2 lạng/con
Qua 5 tháng nuôi, lươn của gia đình ông Biên đạt trọng lượng 1,2 – 2 lạng/con. Dự tính đến khi xuất bán, lươn đạt trọng lượng tối đa từ 2 – 3 lạng/con.
Nhẩm tính sơ bộ, ông Biên phấn khởi nói: “8.000 con lươn trừ tỷ lệ hao hụt thì đến khi xuất bán đạt sản lượng ít nhất 1 tấn. Với giá thị trường thấp nhất hiện nay là 120.000 đồng/kg, gia đình thu nhập khoảng 120 triệu đồng. Trừ chi phí mua thức ăn, 8 tháng nuôi lươn lãi gấp 4 lần thả nuôi 2 lứa lợn”.
Nuôi lươn không bùn có thể thả với mật độ dày đặc nên tiết kiệm diện tích
Cũng tìm đến mô hình nuôi lươn không bùn như một giải pháp trong giai đoạn lợn liên tiếp bị dịch bệnh, ông Hoàng Trọng Luận (thôn Mỹ Sơn, xã Cẩm Mỹ) đã cải tạo chuồng lợn cũ thành ao lót bạt nuôi 6.500 con lươn.
Ông Luận cho hay: “Lươn nuôi theo hình thức này có thể thả với mật độ 1.200 con/10 m2. Nuôi với mật độ dày nên không tốn nhiều diện tích. Đặc biệt, công việc chăm sóc lươn hết sức đơn giản, mỗi ngày chỉ cần cho lươn ăn và thay nước một lần. Thức ăn cho lươn chủ yếu tận dụng từ các loại cá tạp, ốc bươu hoặc mua với giá khá rẻ”.
Sẽ nhân rộng mô hình trên địa bàn
Mô hình nuôi lươn không bùn là giải pháp tận dụng chuồng trại nuôi lợn hết sức phù hợp, bước đầu đã cho tín hiệu tích cực
Được biết, Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên đang triển khai thí điểm mô hình nuôi lươn không bùn ở 3 xã: Cẩm Thăng, Cẩm Mỹ và thị trấn Thiên Cầm.
Tổng số lượng lươn giống mà Trung tâm hỗ trợ ở cả 3 địa phương là 30.500 con. Riêng tại địa bàn thị trấn Thiên Cầm, hộ nuôi Nguyễn Văn Biên còn được Trung tâm hỗ trợ máy xay nguyên liệu để nghiền thức ăn cho lươn.
Ao nuôi có thể lót bạt hoặc nuôi trên nền gạch bê tông. Để lươn có môi trường trú ẩn tự nhiên, các hộ nuôi đặt sạp gỗ và các giá thể bằng sợi ni lông
Ông Lê Văn Danh – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên chia sẻ: “Mô hình nuôi lươn không bùn trước đây cũng đã được một số địa phương triển khai nhưng không hiệu quả vì người dân sử dụng con giống đánh bắt tự nhiên.
Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy yếu tố quyết định thành công của mô hình là ở con giống. Bước đầu, qua 3 mô hình mà trung tâm triển khai đang cho kết quả tốt. Dự kiến, đây sẽ là hướng đi triển vọng cho người dân trên địa bàn”.
Ngành nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên dự kiến sẽ nhân rộng mô hình nuôi lươn không bùn để thay thế cho chăn nuôi lợn trong giai đoạn bão dịch
Với hiệu quả rõ rệt từ các gia đình nuôi thí điểm, hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn đã tìm đến Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên để đặt mua lươn giống.
Tuy nhiên, cơ sở cung cấp ở tỉnh Đồng Nai hiện đang kham hiếm con giống nên Trung tâm vẫn chưa kết nối được cho bà con. Trong giai đoạn nuôi lợn “dính” dịch tả châu Phi, nhiều chuồng trại của các hộ dân trên địa bàn hiện đang bỏ không thì giải pháp chuyển hướng sang nuôi lươn không bùn là một hướng đi thích hợp.
Trong thời gian tới, Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên sẽ đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật giúp bà con nông dân phát triển và nhân rộng mô hình nuôi lươn không bùn.