Mạch nguồn ví, giặm trong các loại hình nghệ thuật

(Baohatinh.vn) - Từ những điệu ví, câu hò của ông cha xưa, ngày nay, dân ca ví, giặm được tiếp biến trong nhiều loại hình nghệ thuật, tạo sức sống bền lâu trong đời sống của người dân Hà Tĩnh cũng như cả nước.

Chưa có tài liệu nào xác định rõ mốc thời gian ra đời của dân ca ví, giặm nhưng theo Giáo sư Nguyễn Đổng Chi trong công trình "Hát Giặm Nghệ Tĩnh" thì vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh đã thịnh hành trong đời sống người dân đôi bờ sông Lam. Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, dân ca ví, giặm không ngừng lan tỏa, trở thành nét văn hóa mang bản sắc của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Tiết mục “Trai xa lang, gái làng cau” do CLB Dân ca ví, giặm xã Sơn Trường (Hương Sơn) biểu diễn tại Liên hoan Dân ca ví, giặm toàn tỉnh năm 2023.

Sân khấu kịch hát là một trong những loại hình nghệ thuật sớm nhất, vận dụng và góp sức đưa dân ca ví, giặm đến với khán giả mọi miền. Theo các tài liệu lịch sử, kịch hát dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh manh nha xuất hiện vào khoảng năm 1972. Đó là thời điểm, Đoàn chèo Nghệ An có chủ trương thử nghiệm đưa dân ca ví, giặm vào các vở kịch nhằm xây dựng một kịch chủng mới, đậm đà bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Năm 1973, tỉnh Nghệ An ra quyết định thành lập Đội Dân ca Nghệ Tĩnh, tách từ Đoàn chèo Nghệ An để tiếp tục phát triển loại hình này.

Đồng chí Trường Chinh - Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng hoa cho các diễn viên tham gia diễn xuất trong vở ca kịch "Mai Thúc Loan", Đoàn Kịch hát Nghệ Tĩnh, năm 1985. Ảnh: Tư liệu.

Tuy nhiên, lúc này kịch hát dân ca ví, giặm chỉ mới dừng lại ở những tiểu phẩm ngắn, tiêu biểu trong đó có 2 vở kịch ngắn: "Không phải tôi" và “Khi ban đội đi vắng”. Cùng thời điểm, Đoàn kịch thơ Hà Tĩnh cũng bắt đầu sử dụng một số làn điệu ví, giặm vào các sản phẩm của mình. Đến năm 1976, sau khi Hà Tĩnh và Nghệ An sáp nhập, Đoàn dân ca Nghệ Tĩnh được thành lập dựa trên việc sáp nhập Đội Dân ca Nghệ Tĩnh của tỉnh Nghệ An và Đoàn Kịch thơ của tỉnh Hà Tĩnh.

Lúc này, kịch hát dân ca ví, giặm bắt đầu được hình thành rõ nét hơn. Từ vở kịch dài đầu tiên "Cô gái sông Lam" chuyển thể từ chèo, Đoàn dân ca Nghệ Tĩnh đã xây dựng vở kịch hát ví, giặm "Mai Thúc Loan" gây tiếng vang lớn khắp cả nước lúc bấy giờ. Vở diễn do tác giả Phan Lương Hảo viết kịch bản, đạo diễn NSND Ngọc Phương, âm nhạc Hồ Hữu Thới đã giành HCV tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đợt IV, năm 1985. 2 diễn viên thủ diễn vai Mai Thúc Loan và vai người yêu của Mai Thúc Loan là nghệ sỹ Danh Cách và Thanh Minh cũng đã được tặng HCV cá nhân. Sự kiện đã chính thức đánh dấu sự ra đời của kịch hát dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thị Thanh Minh (nguyên diễn viên Đoàn dân ca Nghệ Tĩnh) cho biết: "Để kịch hát dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh chính thức được công nhận là một loại hình kịch là cả một quá trình nỗ lực của các cấp chính quyền, diễn viên, nghệ sỹ và Nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ. Thời điểm từ năm 1976 - 1985 và kéo dài đến năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh đã tổ chức 3 cuộc hội thảo quốc gia, để đưa sân khấu kịch hát ví, giặm chính thức được sáng đèn. Bản thân tôi và anh em nghệ sỹ diễn viên lúc đó vừa tập kịch, biểu diễn phục vụ bà con, vừa đi thực tế cơ sở về các địa phương để làm công tác sưu tầm các làn điệu ví, giặm nhằm ứng dụng vào các vở kịch hát được nhuần nhuyễn".

Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thị Thanh Minh (ở giữa) phục dựng lại vở ca kịch ngắn "Không phải tôi" tại Liên hoan Dân ca ví, giặm huyện Cẩm Xuyên năm 2022.

Với sự thành công của loại hình kịch chủng mới, đậm đà bản sắc văn hóa xứ Nghệ, tháng 6/1991, tỉnh Nghệ Tĩnh quyết định hợp nhất Đoàn Chèo Nghệ Tĩnh và Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh, lập nên Đoàn Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Cuối năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh được chia tách, tái lập 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, để tiếp tục duy trì và phát triển loại hình kịch hát dân ca ví, giặm, Hà Tĩnh thành lập Đoàn Ca kịch Hồng Lĩnh (tiền thân của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh ngày nay) và Nghệ An có Đoàn Dân ca Nghệ An (tiền thân của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An hiện tại).

Trích vở ca kịch "Đi qua ngày giông bão" do Nhà hát NTTT Hà Tĩnh dàn dựng, giành HCB tại Liên hoan Tuồng và dân ca kịch toàn quốc, năm 2022”.

Tiếp tục bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm trong thể loại kịch hát, nhất là sau khi UNESCO vinh danh dân ca ví, giặm là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2014, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) Hà Tĩnh và Trung tâm NTTT Nghệ An không ngừng tạo nên những vở diễn, chương trình kịch hát dân ca ví, giặm gây tiếng vang lớn về nội dung nghệ thuật cũng như sức lan tỏa các thông điệp nhân văn trong công chúng.

Gần đây nhất, tại Liên hoan Tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2022 diễn ra tại Nghệ An, vở kịch hát "Cánh cò trong bão" do Trung tâm NTTT Nghệ An dàn dựng đã giành HCV và vở "Đi qua ngày giông bão" của Nhà hát NTTT Hà Tĩnh giành HCB.

Riêng Nhà hát NTTT Hà Tĩnh cũng đã vận dụng kịch hát dân ca ví, giặm dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ nhiều lễ kỷ niệm lớn của tỉnh, tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng đông đảo công chúng. Qua đó, lan tỏa di sản dân ca ví, giặm đến người dân khắp cả nước.

Trích đoạn ca kịch “Phượng Hoàng - Trung Đô” do Nhà hát NTTT Hà Tĩnh dàn dựng tại Lễ kỷ niệm 300 năm sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (năm 2023).

Cùng với loại hình sân khấu, trong lĩnh vực âm nhạc, dân ca ví, giặm cũng đã trở thành nguồn cảm hứng và chất liệu phong phú để nhiều thế hệ nhạc sỹ, tác giả trong và ngoài tỉnh sáng tác nên những ca khúc nổi tiếng. Trong đó, tiêu biểu như: nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, An Thuyên, Trần Hoàn, Quốc Nam, Hồ Hữu Thới, Ngọc Thịnh, Quốc Việt, Phan Huy Hà, Quốc Dũng, Sỹ Chinh... Nhiều ca khúc nổi tiếng sử dụng âm hưởng hoặc chất liệu ví, giặm của các tác giả được đông đảo khán giả cả nước yêu thích như: Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Ca dao em và tôi, Neo đậu bến quê, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Mình về Hà Tĩnh, Điệu ví giặm là em...

Nhạc sỹ Quốc Dũng (Nhà hát NTTT Hà Tĩnh) bày tỏ: "Đối với tôi, dân ca ví, giặm như nguồn sữa mát lành làm giàu nên đời sống tâm hồn và là cảm hứng bất tận trong sáng tác âm nhạc. Từ nhỏ, qua lời ru của bà, của mẹ những giai điệu ví, giặm đã chắp cánh cho tôi nhiều cảm xúc về tình yêu quê hương, đất nước. Vì vậy, mỗi khi cảm tác trước một đề tài, những giai điệu ví, giặm lại ngân vang trong tâm tưởng tôi, chuyển hóa thành những nốt nhạc, bản đàn".

Ca sỹ Bùi Lê Mận và vũ đoàn trong ca khúc “Mình về Hà Tĩnh” của nhạc sỹ Phan Huy Hà, thơ Phạm Khánh Nam, tại chương trình nghệ thuật "Người Hà Tĩnh muôn phương".

Bên cạnh sân khấu, âm nhạc, âm hưởng dân ca ví, giặm cũng được nhiều bộ phim có đề tài về văn hóa con người Nghệ - Tĩnh sử dụng. Đó có khi là một nét nhạc hay một câu hò, điệu ví, lời ru được lồng ghép vào lời thoại của nhân vật trong các trường đoạn... Tiêu biểu phải kể đến bộ phim "Ngã ba Đồng Lộc" sản xuất năm 1994 của Đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Trong phim, ví, giặm xuất hiện qua câu hát của người bà đi lên chiến hào tìm cháu, qua một số giai điệu nhạc nền của các cảnh sinh hoạt và chiến đấu của các nhân vật... Ví, giặm đã góp phần tô điểm, nhấn mạnh thêm bản sắc văn hóa, ý chí kiên cường, gan dạ, anh dũng của con người nơi vùng đất khắc nghiệt "chảo nắng, túi mưa", bản lĩnh kiên cường trong cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lăng.

Từ một loại hình văn nghệ dân gian diễn xướng trong các bối cảnh sinh hoạt, lao động của người dân ở các làng quê, làng nghề, phường vải, phường nón..., dân ca ví, giặm từng bước phát triển vào nhiều hình thức nghệ thuật như: ca kịch, âm nhạc, phim ảnh... Hiện tượng tương hỗ giữa dân ca ví, giặm với các loại hình nghệ thuật góp phần làm phong phú thêm đời sống của di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời, khẳng định dân ca ví, giặm luôn là mạch nguồn chảy mãi, lan lan tỏa trong đời sống Nhân dân.

Video: Trích vở ca kịch ví, giặm "Cô gái sông Lam" do Trung tâm NTTT Nghệ An dàn dựng. Nguồn: Youtube.

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói