Mô hình chăn nuôi tổng hợp - hướng đi bền vững ở Cẩm Xuyên

(Baohatinh.vn) - Các mô hình chăn nuôi tổng hợp tại xã Cẩm Hà (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế bền vững tại địa phương.

Năm 2014, nhận thấy vùng đất Đồng Chàng (thôn Đông Tây Xuân, xã Cẩm Hà) bị bỏ hoang nhiều năm không sản xuất, chị Nguyễn Thị Lâm (SN 1975) mạnh dạn đấu thầu hơn 2 ha để phát triển mô hình chăn nuôi trang trại.

Với vốn đầu tư ban đầu khoảng 1 tỷ đồng, chị Lâm tập trung xây dựng hệ thống trang trại chăn nuôi lợn, gà vịt và hồ nuôi cá. Đến nay, sau gần 10 năm phát triển, mô hình chăn nuôi tổng hợp của chị Lâm là nơi cung cấp nguồn gia cầm cho nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh/thành phố như: Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội…

2.jpg
6.jpg
Trang trại của chị Lâm là nơi cung cấp nguồn gia cầm cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Hằng năm, trang trại của chị Lâm xuất chuồng khoảng 3.000 – 4.000 con gà có trọng lượng từ 2 – 4 kg/con, 6.000 con vịt có trọng lượng từ 2,5 – 3,5 kg/con. Bên cạnh đó, chị Lâm còn nuôi thêm 50 cặp chim bồ câu, 6 con trâu, bò. Ngoài ra, với hồ cá có tổng diện tích 800 m2, chị Lâm thả 2.000 – 3.000 con giống cá chép, cá diêu hồng.

Nhờ kết hợp chăn nuôi tổng hợp, mỗi năm, trang trại của chị Lâm đem về doanh thu khoảng 1 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, mô hình còn giải quyết việc làm thời vụ cho 2-3 lao động trên địa bàn với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.

“Chăn nuôi tổng hợp giúp tôi tận dụng được nguồn thức ăn, nguyên liệu sẵn có; tiết kiệm chi phí thuê nhân công, từ đó duy trì mức thu nhập ổn định cho gia đình. Thời gian tới, tôi có kế hoạch mở rộng ao cá, xây dựng mô hình trải nghiệm câu cá nhằm phát huy tối đa hiệu quả của trang trại” – chị Lâm cho hay.

1.jpg
Chị Nguyễn Thị Lâm dự kiến mở rộng quy mô, xây dựng mô hình câu cá trải nghiệm.

Cũng là hộ dân lựa chọn xây dựng trang trại trên vùng đất cạn Đồng Chàng, ông Hồ Năng Xờ (SN 1961, thôn Nam Hoa Xuân, xã Cẩm Hà) chia sẻ: “Năm 2015, tôi bắt đầu đấu thầu hơn 4 ha đất để xây dựng trang trại chăn nuôi và kết hợp trồng trọt. Với nguồn vốn 400 triệu đồng, tôi đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố, trang bị máy móc, bơm nước… để vừa chăn thả gia súc, gia cầm, vừa trồng lúa”.

Trung bình mỗi năm, ông Xờ xuất 2 lứa lợn thịt với tổng 40 con, nuôi thả hơn 400 con gà và 16 con trâu, bò. Bên cạnh đó, hơn 4 mẫu ruộng của ông Xờ cho thu hoạch gần 12 tấn/2 vụ/năm. Nhờ sự chăm chỉ, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, tư duy “dám nghĩ, dám làm”, ông Xờ đã có được nguồn thu nhập ổn định từ 250 – 300 triệu đồng/năm.

3.jpg
Ông Hồ Năng Xờ gắn bó với trang trại chăn nuôi gần 10 năm.

Hơn 15 năm gắn bó với trang trại chăn nuôi tổng hợp trên vùng đất cạn Đồng Chàng, đến nay, mô hình có diện tích hơn 1 ha của ông Võ Quang Lộc (SN 1959, thôn Đông Tây Xuân, xã Cẩm Hà) chăn thả hơn 400 con gà, gần 200 con vịt, 9 con bò. Bên cạnh đó, ông Lộc còn trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi gà, bò; trồng thêm 1,5 mẫu ruộng cho thu hoạch khoảng 4 - 5 tấn/2 vụ/năm. Sự cần cù, chăm chỉ giúp gia đình ông Lộc duy trì mức thu nhập ổn định từ 10 – 12 triệu đồng/tháng.

Ông Lộc cho biết: “Để có thể trồng lúa ở vùng này, chúng tôi phải đầu tư hệ thống máy bơm nước và duy trì hoạt động thường xuyên. Bên cạnh đó, vào mùa mưa lũ, việc chăn nuôi chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết. Do đó, chúng tôi thường giảm mật độ thả nuôi vào mùa lũ để bảo toàn thành quả, tránh bị thiệt hại do thời tiết”.

4.jpg
Từ vùng đất bị bỏ hoang, ông Võ Quang Lộc xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thống kê của UBND xã Cẩm Hà, vùng đất Đồng Chàng hiện có 5 hộ dân xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp, chủ yếu như: trâu, bò, gà, vịt, lợn, tôm, cá… Đây đều là những mô hình kinh tế điển hình, góp phần khai hoang những vùng đất khó sản xuất trên địa bàn.

Ông Nguyễn Quang Hùng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Hà cho biết: “Những mô hình chăn nuôi tổng hợp góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, từ đó, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người. Đây là một trong những điều kiện quan trọng giúp cho xã Cẩm Hà hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm 2025”.

Cũng theo ông Hùng, Hội Nông dân xã Cẩm Hà đang có kế hoạch thành lập hội nghề nghiệp, tổ chăn nuôi tổng hợp trên địa bàn. Hướng đi này sẽ giúp các hộ dân được học tập, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, nuôi trồng. Bên cạnh đó, hội sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên ngành, hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt; tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội nhằm mở rộng quy mô, nhân rộng các mô hình hiệu quả trên địa bàn.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Nữ giám đốc trẻ mở đường cho hải sản Hà Tĩnh xuất ngoại

Nữ giám đốc trẻ mở đường cho hải sản Hà Tĩnh xuất ngoại

Không chỉ định vị thương hiệu nước mắm Phú Sáng trên thị trường bằng “tấm thẻ bài” OCOP 3 sao, nữ giám đốc HTX Dịch vụ chế biến hải sản Phú Sáng (Hà Tĩnh) còn liên kết xuất khẩu hải sản, bao tiêu nguồn nguyên liệu vững chắc cho ngư dân vùng cửa biển.
Chi hội trưởng giúp phụ nữ thoát nghèo

Chi hội trưởng giúp phụ nữ thoát nghèo

Luôn đặt đời sống của hội viên lên hàng đầu, chị Nguyễn Thị Hồng – Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Nhân Phong, xã Gia Hanh (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã giúp nhiều chị em thoát nghèo.
OCOP nâng tầm chất lượng cu đơ Thành Đạt

OCOP nâng tầm chất lượng cu đơ Thành Đạt

Được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, sản phẩm cu đơ Thành Đạt (xã Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) thuận lợi mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho cơ sở.
Nho "quý tộc" bén đất đồi Vũ Quang

Nho "quý tộc" bén đất đồi Vũ Quang

Mô hình trồng nho mẫu đơn của anh Nguyễn Thế Hoàn ở thôn Bình Phong, xã Đức Lĩnh (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới trên địa bàn.
Nghị lực vượt khó của chị Huyên

Nghị lực vượt khó của chị Huyên

Chồng mất sớm, gia cảnh khó khăn, chị Hoàng Thị Huyên (Xuân Liên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã nghị lực vượt lên số phận, trở thành tấm gương sáng cho chị em phụ nữ học tập.