Vùng nuôi trồng thủy sản công nghệ cao rộng 36 ha của Công ty TNHH Vạn An Hà Tĩnh. Ảnh: Thành Nam
Lâu nay, thị trường tiêu thụ mặt hàng hải sản của Công ty TNHH Vạn An Hà Tĩnh (thôn Tân Học, xã Thạch Hạ) chủ yếu là các nhà hàng, khu du lịch biển nổi tiếng như: Cửa Lò, Cửa Hội (Nghệ An), Thiên Cầm - Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)…
Kể từ thời điểm TP Hà Tĩnh thực hiện thiết lập vùng cách ly y tế do dịch Covid-19, các nhà hàng, khu du lịch trên địa bàn tỉnh đóng cửa; thị trường ngoài tỉnh cũng gần như “đóng băng”. Ứng phó với khó khăn, công ty đã nhanh chóng tìm cách mở lối cho sản phẩm của mình, chuyển tạm thời sang kênh phân phối bán lẻ, chú trọng vào thị trường… các bà nội trợ!
Trong điều kiện dịch bệnh, Công ty TNHH Vạn An Hà Tĩnh chủ động giảm giá bán, chuyển sang kênh bán lẻ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân.
Anh Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Vạn An Hà Tĩnh cho biết: “Để phòng chống dịch bệnh, người dân hiện chỉ ở nhà nên chăm chú vào bữa ăn gia đình hơn. Nắm bắt được nhu cầu này, chúng tôi chủ động giảm giá bán các loại sản phẩm dao động từ 10% mỗi loại, mở kênh bán hàng online để đưa hàng đến bàn ăn của các gia đình. Chỉ tính trong ngày hôm qua, chúng tôi đã bán ra được 7 yến tôm sú, 15 kg cua và đến cuối ngày vẫn có 10 đơn hàng phải chuyển sang ngày hôm sau vì hết hàng”.
Hiện tại, Công ty TNHH Vạn An Hà Tĩnh đang niêm yết với giá cua (2 - 4 con/kg) với 450.000 đồng/kg, tôm sú (20 - 22 con/kg) 420.000 đồng/kg.
Cũng theo anh Nguyên, kế hoạch thu hoạch cũng sẽ áp dụng theo thị trường mùa dịch Covid-19. Theo đó, bình quân mỗi ngày thu hoạch khoảng 10 yến tôm thẻ, tôm sú, tôm bạc; 1 - 2 yến cua, tùy vào các đơn hàng đặt sẵn để đảm bảo độ tươi ngon đến tận tay người tiêu dùng.
Loại tôm sú cỡ lớn (20 - 22 con/kg) đang có giá 420.000 đồng/kg.
Thạch Hạ là vựa nuôi trồng thủy, hải sản lớn nhất TP Hà Tĩnh với đủ các loại đặc sản: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá nuôi mặn lợ, cá nước ngọt... Với diện tích nuôi trồng lớn, cộng với lợi thế sông Hộ Độ, các vùng nuôi trồng gần như cho thu hoạch quanh năm.
Ông Trần Ngọc Hồng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thạch Hạ cho biết: “Tôi đang sở hữu và quản lý trên 21 ha để nuôi tôm, cá chim nước mặn lợ và cá lóc trong ao nước ngọt. Trong điều kiện dịch bệnh, chúng tôi chọn phương án ”lấy ngắn nuôi dài“ làm đầu. Điều này vừa duy trì sản xuất, chăm sóc các loại nuôi đang trong quá trình sinh trưởng, vừa thu tỉa những sản phẩm đến kỳ thu hoạch để có thu nhập và tái tạo nguồn đầu tư. Trong 2 ngày đầu tiên thu hoạch cá lóc, chúng tôi đã bán ra được 60 kg cá, chủ yếu bán lẻ cho nhu cầu tiêu dùng với giá từ 90 - 100 nghìn đồng/kg”.
Để đảm bảo phòng dịch, HTX cũng ưu tiên khách hàng đặt hàng trước và giao hàng đến tận nhà cho khách hàng có nhu cầu.
Hiện nay, một số vườn dưa lưới của TP Hà Tĩnh cũng đã vào mùa thu hoạch. Bà con nông dân TP Hà Tĩnh cũng đã xác định vừa chống dịch nhưng vẫn phải tìm cách để phát triển kinh tế.
Các vườn dưa lưới có mùa thu hoạch đặc biệt trong điều kiện thiết lập vùng cách ly y tế toàn thành phố.
Ông Võ Tá Thanh ở thôn Trung Phú, xã Thạch Trung cho biết: “Vườn dưa thu hoạch đúng vào thời điểm bắt đầu thiết lập vùng cách ly y tế toàn thành phố. Một mặt giới thiệu sản phẩm qua kênh bạn bè, người thân, mặt khác chúng tôi được Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi TP Hà Tĩnh, Hội Nông dân thành phố giúp đỡ, đưa sản phẩm vào các chuỗi cửa hàng nông sản. Vì thế, chỉ trong vòng 1 ngày, chúng tôi đã tiêu thụ hết toàn bộ vườn với gần 2 tấn dưa lưới”.
Thời điểm hiện tại, toàn thành phố có 49 hộ gia đình sản xuất dưa lưới với diện tích khoảng 2 ha, trong đó có 7 nhà vườn đang cho thu hoạch. Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi TP Hà Tĩnh và Hội Nông dân thành phố đã kết nối với Hội Nông dân tỉnh làm cầu nối đưa sản phẩm ra thị trường cho bà con. Dưa sau khi thu hoạch được giới thiệu vào chuỗi cửa hàng nông sản của Hội Nông dân để tiêu thụ.
Từ ngày 5/6 đến nay, chuỗi cửa hàng nông sản Hội Nông dân tỉnh đã tiêu thụ khoảng trên 1 tấn dưa lưới từ các nhà vườn của TP Hà Tĩnh.
Ông Trần Viết Phương - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi TP Hà Tĩnh cho biết: “Việc kết nối tiêu thụ sản phẩm qua hệ thống của Hội Nông dân đã tạo sự phấn khởi cho bà con trong điều kiện thu hoạch đặc biệt do dịch bệnh, giúp bà con đảm bảo được thu nhập sau sản xuất. Tới đây, không chỉ dưa lưới, UBND thành phố sẽ tiếp tục thành lập các nhóm, hội sản xuất để cùng kết nối tiêu thụ, tạo đầu ra bền vững, an toàn cho nông sản thành phố”.