Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn và lãnh đạo Sở NN&PTNT điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Sáng 14/5, các Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn và lãnh đạo Sở NN&PTNT điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. |
Năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nhiều nước đối tác của Việt Nam. Ở trong nước, dịch Covid-19 đã và đang tác động nhiều mặt của đời sống KT-XH. Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, một số ngành, lĩnh vực sản xuất, dịch vụ trong đó có nông nghiệp ảnh hưởng nặng nề.
Cụ thể về tình hình tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong quý I, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi chủ lực đạt 89 triệu USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2020. Rủi ro đối với thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi không cao.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu nông sản sang một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật bản, Hàn Quốc vẫn đạt tăng trưởng khá; riêng thị trường EU có xu hướng giảm.
Đại biểu Hà Tĩnh tham dự hội nghị.
Bộ NN&PTNT kiến nghị các bộ, ngành trung ương, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp triển khai đồng bộ một số giải pháp: Điều chỉnh sản xuất nông nghiệp tăng cường chế biến, bảo quản lưu thông để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh; hỗ trợ chính sách thuế, tín dụng cho khu vực sản xuất, chế biến bảo quản và xuất khẩu nông sản; thuận lợi hoá thông quan, hạ tầng logistic; thúc đẩy toàn diện tiêu thụ trong nước…
Tại hội nghị, đại diện một số địa phương và doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu lớn cũng đã thảo luận, chia sẻ các khó khăn và đề xuất hỗ trợ.
Hà Tĩnh đã hỗ trợ tiêu thụ khoảng 20 tấn dưa các loại tại xã Việt Tiến - huyện Thạch Hà (nơi bị cách ly).
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương bám sát chỉ đạo sản xuất theo mùa vụ, theo dõi sát tình tình dịch bệnh, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cơ quan chức năng thuộc Bộ NN&PTNT bố trí cán bộ trong hoạt động kiểm dịch động, thực vật, hỗ trợ giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp; đồng thời tham mưu bộ tháo gỡ khó khăn; tham mưu mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến các địa phương, phối hợp bàn giải pháp về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.
Đề nghị Bộ Công thương phối hợp thành lập tổ công tác liên ngành để giải quyết các vấn đề phát sinh khi có vướng mắc, đặt biệt tại các cửa khẩu. Các địa phương phải tiếp tục xây dựng phương án cụ thể, tránh để tình trạng ứ đọng nông sản cục bộ. Các hiệp hội, ngành hàng phát huy vai trò, phối hợp với ngành chức năng để thông tin kịp thời và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai ở các địa phương.
Các địa phương ở Hà Tĩnh huy động máy gặt đập thu hoạch nhanh gọn lúa xuân
Tại Hà Tĩnh, thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản chủ yếu là trong tỉnh và xuất bán một số tỉnh phía bắc, phía nam. Bước đầu đã hình thành một số liên kết bao tiêu sản phẩm lớn cho bà con nông dân. Một số sản phẩm xuất khẩu vẫn tiêu thụ khá tốt như: chè xuất khẩu 373 tấn, thủy sản xuất khẩu 167 tấn, gạo xuất khẩu 2.000 tấn.
Chỉ đạo nhanh tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đề nghị đại biểu tiếp thu, quán triệt để triển khai thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN&PTNT tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, các địa phương khẩn trương đôn đốc nông dân hoàn thành thu hoạch lúa xuân do điều kiện thời tiết hiện nay khá bất thường. Đặc biệt, phải tạo điều kiện tốt để doanh nghiệp, tư thương mua, tiêu thụ lúa cho người dân.
Ngoài ra, về rau, củ, quả và các loại dưa ở Hà Tĩnh hiện nay đang vào chính vụ thu hoạch và khá được mùa, sản phẩm đa dạng. Do đó cần có động viên, khuyến khích và hỗ trợ người dân thu hoạch, tiêu thụ.
Dịch bệnh trên gia súc vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng bất lợi đến việc tiêu thụ sản phẩm thịt gia súc của người dân. Cần động viên người dân vượt qua khó khăn và có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ hợp lý, đảm bảo an toàn tuyệt đối vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các đơn vị, địa phương phải xem mô hình chuyển đổi số, xây dựng các vùng kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm để hỗ trợ nông dân xây dựng truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ đó thúc đẩy tiêu thụ nông sản.