Nâng tầm sản phẩm công nghiệp nông thôn Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) của Hà Tĩnh đã tạo được dấu ấn riêng, khai thác từ lợi thế về vùng nguyên liệu, đặc trưng của vùng miền và tạo việc làm cho lao động địa phương.

Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) vừa công nhận 141 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt chuẩn sản phẩm CNNTTB khu vực phía Bắc năm 2022, trong đó Hà Tĩnh có 6 sản phẩm, bộ sản phẩm. Để đạt được các tiêu chí do Bộ Công thương đề ra, các sản phẩm trên đã khai thác tốt từ lợi thế về vùng nguyên liệu, đặc trưng riêng của vùng miền và tạo việc làm cho lao động địa phương; đáp ứng thị trường và khả năng phát triển sản xuất...

Là một cơ sở có sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNTTB, anh Nguyễn Đình Giáp - Chủ cơ sở giò me Tiến Giáp (tổ dân phố 16, thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê) đã không ngừng học hỏi, phát huy nguồn nguyên liệu tại quê nhà để sáng tạo nên sản phẩm giò me trở thành đặc sản của Hương Khê.

Nâng tầm sản phẩm công nghiệp nông thôn Hà Tĩnh

Anh Nguyễn Đình Giáp - chủ cơ sở giò me Tiến Giáp.

Anh Giáp cho biết: “Để có được mẻ giò chất lượng, thơm ngon thì điều kiện quan trọng nhất là có được nguyên liệu thịt me vùng núi Hương Khê. Với tập quán chăn thả tự nhiên, không sử dụng cám tăng trọng, thịt me ở đây ngọt, ít mỡ, săn chắc cộng với công thức chế biến riêng đã tạo nên hương vị hấp dẫn cho món đặc sản này. Giò được chế biến từ thịt đùi, ba chỉ nguyên miếng của con me non dưới 1 năm tuổi, ướp với gia vị, sau đó đưa vào lò hấp cách thủy, để nguội và khâu cuối cùng là cho giò vào trong tủ đá để cấp đông ”.

Thị trường ngày càng rộng mở, cơ sở đầu tư 300 triệu đồng để hoàn thiện nhà xưởng, khu sản xuất, máy móc hiện đại. Bên cạnh đó, cơ sở còn xây dựng bộ nhận diện thương hiệu riêng cho sản phẩm giò me như bao bì, nhãn mác, mã quét QR Code, mã vạch, logo.

Nâng tầm sản phẩm công nghiệp nông thôn Hà Tĩnh

Giò me Tiến Giáp tuân thủ quy trình “3 không” không sử dụng chất bảo quản, không hàn the, không phụ gia tạo vị - tạo màu.

Đến thời điểm này, mỗi năm cơ sở có thể xuất ra thị trường trên 30 tấn giò me, doanh thu đạt hơn 7 tỷ đồng/năm. Cơ sở cũng đạ tạo việc làm cho 10 lao động trực tiếp, bình quân mỗi tháng 4 triệu đồng. Sản phẩm giò me được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng 3 sao về chất lượng; được tham gia nhiều sự kiện xúc tiến thương mại như hội chợ, hội nghị kết nối.

Tương tự, nhận thấy đầu tư vào chế biến sâu là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, trong đó có hạt gạo, Công ty TNHH Sản xuất thương mại An Phát (Công ty An Phát, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) chú trọng vào lĩnh vực chế biến gạo. Hoạt động sản xuất, chế biến của công ty được Hội đồng bình chọn sản phẩm CNNTTB đánh giá cao.

Nâng tầm sản phẩm công nghiệp nông thôn Hà Tĩnh

Gạo lứt Vĩnh Hòa là gạo thảo dược, có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Từ những ngày đầu, Công ty An Phát quyết định đầu tư mua bản quyền giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa (Nghệ An) để sản xuất gạo và các sản phẩm từ gạo lứt. Doanh nghiệp liên kết với bà con nông dân tại xã Tân Dân và xã Hòa Lạc (huyện Đức Thọ) để sản xuất lúa theo hình thức bao tiêu sản phẩm (30 ha). Nhờ chủ động vùng trồng, nguồn nguyên liệu đầu vào của công ty đạt chất lượng vượt trội.

Giám đốc Công ty An Phát Lê Văn An cho biết: “Gạo lứt có hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khoẻ. Vì vậy, công ty sản xuất đa dạng sản phẩm như: bột dinh dưỡng Omega; bột ngũ cốc Omega; cốm gạo lứt Omega An Phát cháy tỏi... Trong đó, trà gạo lứt Omega tạo được tiếng vang, được nhiều người lựa chọn. Tính ra, mỗi tháng, công ty tiêu thụ khoảng 40 tấn gạo (trong đó 45% là sản phẩm chế biến sâu). Doanh thu mỗi năm của công ty đạt hơn 4 tỷ đồng. Nhờ những sản phẩm mang hàm lượng khoa học công nghệ cao, An Phát đã được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ ”.

Nâng tầm sản phẩm công nghiệp nông thôn Hà Tĩnh

Sản phẩm trà gạo lứt Omega An Phát được Hội đồng bình chọn sản phẩm CNNTTB đánh giá cao.

Hiện nay, An Phát đang đầu tư gần 32 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, chế biến sâu sản phẩm từ gạo tại Cụm công nghiệp Phù Việt (huyện Thạch Hà).

Góp mặt trong 6 sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận, sản phẩm đông trùng hạ thảo Phú Nhân của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và xây dựng Hoàng Khôi (Công ty Hoàng Khôi, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân) tạo dấu ấn bởi tính tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Nâng tầm sản phẩm công nghiệp nông thôn Hà Tĩnh

Đông trùng hạ thảo sinh khối tươi.

Ông Trịnh Thế Cường - Giám đốc Công ty Hoàng Khôi thông tin: "Năm 2021, công ty mạnh dạn liên kết với Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh chuyển giao công nghệ quy trình sản xuất sản phẩm đông trùng hạ thảo. Điểm nổi bật của sản phẩm là được nuôi cấy trong điều kiện an toàn vệ sinh nghiêm ngặt, phòng cấy giống, phòng nuôi trồng đều đáp ứng đủ các điều kiện về ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm không khí; luôn thực hiện nghiêm quy trình khử khuẩn, đảm bảo vô trùng trong khâu sản xuất cũng như chế biến.

Nguồn nguyên vật liệu đầu vào dùng làm giá thể như gạo lứt, trứng gà, nhộng tằm,... được cơ sở nhập trực tiếp từ các hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ ngay từ ban đầu".

Nâng tầm sản phẩm công nghiệp nông thôn Hà Tĩnh

Sản phẩm đông trùng hạ thảo Phú Nhân đã được chứng nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 4 sao.

Hiện nay, doanh thu của công ty đạt hơn 4 tỷ/năm, tạo việc làm cho 8 lao động, bình quân 6 triệu đồng/tháng. Sản phẩm được phân phối rộng khắp các siêu thị, đại lý trong và ngoài tỉnh; năm 2021 được đánh giá là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Có thể nói, với các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, hoạt động xây dựng và bình chọn sản phẩm CNNTTB đã và đang tạo ra động lực mới trong sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn tỉnh có 148 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm CNNTTB tỉnh và cấp khu vực, quốc gia chủ yếu thuộc nhóm hàng: thủ công mỹ nghệ; chế biến nông, lâm, thủy sản; thực phẩm; thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Tĩnh Nguyễn Mạnh Tường thông tin: "Thời gian qua, tỉnh đã đề ra và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó chính sách khuyến công được xem là một nhóm giải pháp khá thiết thực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nông thôn tháo gỡ khó khăn, củng cố và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, mà trước hết là công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn.

Việc công nhận sản phẩm CNNTTB các cấp nhằm phát hiện và tôn vinh hàng hóa CNNT có chất lượng, giá trị sử dụng cao, tiềm năng phát triển sản xuất, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời góp phần khuyến khích, tạo động lực để cơ sở sản xuất CNNT, mở rộng quy mô, đổi mới phương thức sản xuất, cải tiến công nghệ; tích cực tham gia cuộc bình chọn với số lượng tác phẩm ngày một tăng, chất lượng nâng cao qua các năm… Sau khi được tôn vinh là sản phẩm CNNTTB các cấp, các sở, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ vốn để đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Tĩnh tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất; tuyên truyền, đăng ký thương hiệu; thiết kế, in ấn bao bì, nhãn mác; tham gia hội chợ triển lãm,..

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.