“Nắng to, không lo hạn...!”

(Baohatinh.vn) - Đó là khẳng định của Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh Lê Văn Trọng về khả năng cung ứng nguồn nước tưới tiêu cho vụ hè thu năm 2017 trên địa bàn huyện.

nang to khong lo han

Bà con nông dân Kỳ Anh tích cực đắp bờ vùng, bờ thửa, giữ nước để gieo cấy.

Những ngày này, bà con nông dân huyện Kỳ Anh đang tích cực làm đất để gieo cấy vụ hè thu theo đúng lịch thời vụ. Vụ hè thu năm nay, toàn huyện sẽ gieo cấy 4.233 ha lúa. Là địa bàn tâm điểm của nắng nóng và khô hạn nên mỗi khi bước vào sản xuất vụ hè thu, nguồn nước tưới luôn là nỗi lo của bà con nông dân.

Anh Lê Văn Tiến (Kỳ Văn) chia sẻ: “Thời tiết khắc nghiệt, trong khi xã Kỳ Văn lại xa nguồn nước nên để dẫn được nước về tới đồng ruộng, bà con càng vất vả hơn những địa phương khác”.

Tuy nhiên, đối với vụ hè thu năm nay, theo khẳng định của ông Lê Văn Trọng thì dù địa bàn Kỳ Anh có nắng to cũng không lo hạn. Cho đến nay, mực nước hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn đều đang đạt thiết kế. Thậm chí, nhiều chỗ còn đang chảy tràn. Hơn nữa, hệ thống hầm tuynel từ hồ thượng nguồn Sông Trí về hồ Đá Cát tuy chưa xong nhưng đã sử dụng được, có thể dẫn nước từ Sông Trí về phục vụ tưới tiêu.

Theo báo cáo, hiện nay, trên địa bàn huyện Kỳ Anh có 35 hồ chứa nước phục vụ sản xuất với tổng dung tích trên 143 triệu m3. Trong đó, hồ Sông Rác là công trình có sức chứa lớn nhất. Đây là công trình có vai trò quan trọng, điều tiết nguồn nước về các trục mương, giúp bà con có thể tát, bơm trong trường hợp xảy ra khô hạn.

nang to khong lo han

Nhờ mở nước sớm nên bà con nông dân huyện Kỳ Anh có điều kiện làm đất để kịp gieo cấy lúa hè thu.

Cùng với hệ thống hồ đập đủ dung lượng thì hiện nay, các tuyến kênh dẫn N1 và N2 đã được kiên cố nên có thể dẫn nguồn nước về tận các xã ở cuối nguồn nước như: Kỳ Phú, Kỳ Thọ, Kỳ Văn. Ngoài ra, ngay từ đầu vụ, các địa phương cũng đã vận động bà con ra quân làm thủy lợi nội đồng, đắp bờ vùng, bờ thửa để giữ nước ở chân ruộng, đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho cây lúa.

Theo Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú Trần Đình Hậu, trước đây, mỗi khi bước vào sản xuất vụ hè thu, việc dẫn nước về như là một “cuộc chiến”. Khi có thông báo xả nước của huyện là anh em làm thủy lợi phải “rải” người từ trên đường 1A về đến tận xã để lấy, may ra mới có nước về cho dân cày cấy. Còn năm nay, do thời tiết thuận lợi, có mưa Tiểu mãn, hồ đập đầy dung tích, mương máng được kiên cố nên cơ bản nước tự chảy về ruộng, không còn vất vả như trước kia. Vụ sản xuất này, Kỳ Phú gieo cấy 450 ha, nhờ chủ động được nguồn nước nên hiện nay, bà con đã xuống giống được trên 150 ha.

Để giúp bà con chủ động nguồn nước sản xuất hè thu, huyện Kỳ Anh phối hợp với Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã bắt đầu mở nước về ruộng từ 27/5, sớm hơn nhiều so với các vụ sản xuất trước. Đây là một trong những giải pháp giúp các xã ở cuối kênh có thời gian tích nước để làm đất. Đồng thời, huyện nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân tự ý mở các cống tưới trên kênh chính, đào bới làm hư hỏng các công trình trên kênh, không vứt rác xuống kênh làm ô nhiễm môi trường và cản dòng chảy.

Đến thời điểm này (30/5), toàn huyện đã gieo cấy được trên 500 ha. Với tiến độ làm đất và gieo cấy như hiện nay thì nhiều khả năng Kỳ Anh sẽ hoàn thành việc gieo cấy trước ngày 10/6 - ông Lê Văn Trọng cho biết thêm.

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.