Ngư dân tích cực duy trì nhịp điệu sản xuất
Dù đang trong tháng mưa dầm gió bấc nhưng ông Nguyễn Viết Lĩnh ở TDP Phú Mậu (thị trấn Lộc Hà) vẫn tranh thủ cùng bạn nghề bám biển vươn khơi. Theo dự kiến, chuyến đi biển này của họ sẽ khai thác ở vùng khơi, cách bờ khoảng 25 – 30 hải lý và về bờ sau 4 ngày để kịp tránh đợt không khí lạnh tiếp theo.
Ông Lĩnh chia sẻ: “Vì mưu sinh và tình yêu nghề nên cứ thời tiết thuận lợi là chúng tôi ra khơi sản xuất, không kể mùa nào trong năm. Chịu khó bám biển, ngư trường ổn định nên bình quân mỗi chuyến, chúng tôi bán được khoảng 20 – 22 triệu đồng, trừ chi phí mỗi lao động có ngày công khoảng 500 - 600 nghìn đồng. Từ nay đến tết cổ truyền, thời tiết thuận lợi là chúng tôi bám biển để có thêm thu nhập và chuẩn bị nguồn hải sản cho thị trường cuối năm”.
Cũng như ông Lĩnh, dù thời tiết không thuận lợi bằng những năm trước, biển động nhiều đợt nhưng nhờ được các cấp, ngành quan tâm, động viên, khuyến khích nên đội tàu 334 chiếc cùng hàng nghìn ngư dân Lộc Hà đã chủ động né tránh thiên tai, tích cực bám biển để sản xuất hiệu quả.
Nhờ vậy, tổng sản lượng khai thác hải sản của toàn huyện năm nay ước đạt 3.907 tấn, tăng 6% so với năm 2023; trong đó chủ đạo là các địa phương như Thạch Kim 2.200 tấn, thị trấn Lộc Hà với 1.400 tấn, Thịnh Lộc 307 tấn.
Anh Hồ Ngọc Diễn – cán bộ Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Tĩnh) cho biết: “Với tinh thần yêu lao động, linh hoạt trước mưa bão, năm nay, ngư dân các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh đã duy trì hoạt động sản xuất ổn định. Đội tàu 4.092 chiếc hoạt động khá chuyên cần, hiệu quả với các nghề như câu, vó, mành, vây, lồng bẫy, chụp mực… Qua đó, ngư dân toàn tỉnh đánh bắt đạt 41.600 tấn (đạt 100,3% so kế hoạch được giao, bằng 105% so với năm ngoái), giá trị kinh tế 1.960 tỷ đồng”.
Triển khai đồng bộ các biện pháp hỗ trợ sản xuất
Để duy trì nhịp điệu sản xuất và có được kết quả tích cực, ngoài sự chăm chỉ, chịu khó của ngư dân còn nhờ sự hỗ trợ hiệu quả trong phục vụ sản xuất. Theo đó, các cấp, ngành đã có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để triển khai tốt hơn công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá (trong năm cấp 4.092 giấy đăng ký tàu cá và cấp mới, đổi, gia hạn 4.092 giấy phép khai thác thủy sản), bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; thắt chặt quản lý tàu cá ra, vào cảng…
Thượng tá Bùi Việt Dũng – Phó Tham mưu trưởng BĐBP Hà Tĩnh cho biết: “Lực lượng biên phòng đã quản lý, khai thác có hiệu quả hệ thống phần mềm quản lý tàu cá phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tàu ra khơi khi chưa đủ thủ tục giấy tờ, chưa bảo đảm an toàn. Chúng tôi cũng thường xuyên thông báo, trao đổi thông tin về số lượng tàu cá xuất, nhập bến và tình hình liên quan đến công tác phòng, chống khai thác IUU với các lực lượng chức năng khác.
Trong năm, chúng tôi đã tổ chức tuần tra trên biển 81 đợt/522 lượt CBCS và tuần tra trên bờ, cửa sông, cửa lạch, cảng cá 728 đợt/2.714 lượt CBCS. Qua đó, giúp bảo vệ chủ quyền biển đảo tốt hơn và đã phát hiện, xử lý 33 vụ/41 chủ phương tiện khai hải sản sai quy định, xử phạt hành chính 674 triệu đồng”.
Các cơ quan, đơn vị khác có liên quan cũng đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của mình để đồng hành cùng ngư dân đạt kết quả tốt trong sản xuất. Ông Bùi Tuấn Sơn – Giám đốc Ban Quản lý các Cảng cá và Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá thông tin: “Trong năm, đơn vị đã tổ chức tránh trú an toàn, đảm bảo tạo thuận lợi phục vụ sản xuất cho 12.371 lượt tàu thuyền (tăng gần 3% so với năm 2023). Chúng tôi cũng đã giám sát sản lượng, thu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác đối với 100% tàu thuyển và sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng; riêng tại cảng chính Cửa Sót có 12.854 lượt tàu ra và vào cảng, sản lượng bốc dỡ đạt 1.422 tấn hải sản, thu 6.408 nhật ký và báo cáo khai thác”.
Anh Hồ Ngọc Diễn – cán bộ Chi cục Thủy sản cho biết thêm: “Năm 2024, ngành NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn phục vụ phát triển sản xuất, nhất là các vấn đề có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đánh bắt hải sản, bảo vệ ngư trường và chấn chỉnh tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.
Ngành chủ quản cũng đã chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan, địa phương triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ đánh bắt và tuyên truyền, động viên ngư dân tích cực bám biển vươn khơi, sản xuất hiệu quả và an toàn”.