Người dân Hà Tĩnh cần chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết

(Baohatinh.vn) - Theo khuyến cáo của ngành y tế Hà Tĩnh, hiện đang có nhiều nguy cơ dịch sốt xuất huyết xâm nhập vào địa bàn, đòi hỏi người dân, chính quyền địa phương không chủ quan trong công tác phòng chống.

Thời gian qua, dịch sốt xuất huyết (SXH) diễn biến phức tạp và gia tăng trên cả nước với gần 80 ngàn ca mắc, 18 ca tử vong. Mặc dù tại Hà Tĩnh chưa ghi nhận ổ dịch và không có ca tử vong do SXH nhưng từ đầu năm đến nay, đã có trên 99 ca mắc ở 13 huyện, thị, thành phố.

Người dân Hà Tĩnh cần chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Viện Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương giám sát véc-tơ truyền bệnh SXH tại xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh.

Anh Đặng Đình Hà (xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà) bộc bạch: "Tôi làm việc tại Hà Nội, trong thời gian nghỉ lễ 2/9 về quê, 3 ngày sau tôi có biểu hiện mệt mỏi, sốt nhẹ. Tôi tưởng là cảm cúm nên ra hiệu thuốc tây mua thuốc điều trị ở nhà. Sau khi uống được 2 ngày, tôi cảm thấy mệt hơn, không hạ được sốt, đến bệnh viện tỉnh khám mới biết là bị sốt xuất huyết”.

Đối với SXH, việc phát hiện sớm và điều trị đúng là rất quan trọng bởi có trường hợp khi giảm sốt lại có tình trạng thoát huyết tương gây cô đặc máu, có biến chứng đi vào sốc, rất nguy hiểm.

Bác sỹ Đặng Thị Lý - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết: “Diễn biến thời tiết mưa, nắng thất thường như hiện nay là điều kiện thuận lợi để muỗi đẻ trứng và phát triển. Vì thế, khi có biểu hiện nghi ngờ mắc SXH, người dân cần đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán và điều trị dưới sự giám sát của nhân viên y tế, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà”.

Người dân Hà Tĩnh cần chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết

Cán bộ y tế phụn diệt khuẩn phòng dịch sốt xuất huyết.

Bệnh SXH do muỗi vằn Aedes truyền bệnh. Đặc điểm sinh thái của muỗi Aedes là đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước sạch trong nhà và xung quanh nhà như: lọ hoa, bể chứa nước, dụng cụ phế thải chứa nước mưa.

Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc CDC Hà Tĩnh chia sẻ: “Hiện nay, một số người vẫn hiểu chưa đúng về đặc điểm sinh thái của muỗi Aedes, hoặc hiểu muỗi truyền SXH chủ yếu ở ruộng mương, cống rãnh, khu vực nước bẩn... nên chưa biết phương pháp diệt lăng quăng, bọ gậy. Dù đã nỗ lực phòng tránh, song nguy cơ dịch sốt xuất huyết xâm nhập vào Hà Tĩnh còn cao, rất mong mọi người cảnh giác, chủ động phòng tránh”.

Người dân Hà Tĩnh cần chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra tại Lộc Hà.

Theo tổng hợp mới nhất, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 99 trường hợp mắc SXH, trong đó , 75 ca ngoại lai, còn 24 ca mắc nội tại. Qua các đợt kiểm tra, giám sát của Trung tâm CDC Hà Tĩnh cho thấy, phần lớn người dân đã có ý thức vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy. Tuy nhiên, vẫn còn một số gia đình có xô, chậu, vỏ dừa, vỏ bia, chai, lọ chứa nước đọng xung quanh nhà ở; trong các xô, chậu, vỏ dừa, chai, lọ này có rất nhiều lăng quăng, bọ gậy đã, đang và sắp nở thành muỗi... Đây chính là nguy cơ lớn gây dịch trong trường hợp bệnh xâm nhập vào môi trường sống.

Ngành Y tế Hà Tĩnh cảnh báo, để hạn chế biến chứng của SXH, khi có một trong các biểu hiện như: mệt mỏi, sốt, đau đầu cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, không được tự ý mua thuốc điều trị ở nhà.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.