Người dân Kỳ Anh đón gió, vươn khơi...

(Baohatinh.vn) - Trở lại những vùng quê ven biển TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) sau hơn 1 năm xảy ra sự cố môi trường, nắng và gió vẫn mặn mòi như sự chất phác, cần cù của những ngư dân dạn dày gió sương nơi đây... Tạm gác lại mọi ưu phiền sau hơn 1 năm biển “dậy sóng”, những đôi tay rắn rỏi ấy lại tiếp tục đón gió, vươn khơi.

Anh Nguyễn Hữu Cường (người trong cùng) - ngư dân xã Kỳ Ninh cùng lãnh đạo thị xã Kỳ Anh tham quan tàu trong ngày bàn giao tàu vỏ thép công suất 829 CV.

Thị xã Kỳ Anh là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố môi trường biển. Đặc biệt với các xã ven biển như: Kỳ Lợi, Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Nam…, sự cố không chỉ tác động trực tiếp đến môi sinh mà còn ảnh hưởng rất lớn đến SXKD và đời sống của bà con ngư dân. Tuy nhiên, trong khó khăn, nhờ những chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của các cấp ủy, chính quyền nên sau sự cố, ngư dân TX Kỳ Anh lại tiếp tục vươn khơi bám biển để khai thác hải sản, giữ vững ngư trường.

Tại xã Kỳ Ninh không ai không biết đến anh Nguyễn Hữu Cường, ngư dân đầu tiên tại TX Kỳ Anh hạ thủy tàu vỏ thép công suất 829 CV, trị giá gần 20 tỷ đồng. Không chịu lùi bước trước những khó khăn sau sự cố môi trường biển, từ sự hỗ trợ theo Nghị định 67 của Chính phủ, anh đã mạnh dạn vay 18,6 tỷ đồng từ Ngân hàng No&PTNT để đóng mới tàu thép công suất lớn, tiếp tục vươn khơi bám biển.

Tự tin trước giờ ra khơi, anh Cường cho biết: “Có tàu vỏ thép hiện đại, công suất lớn, tôi tin chắc rằng, không chỉ ở các ngư trường truyền thống mà ngay cả các ngư trường quốc tế, chúng tôi vẫn có thể giành được những mẻ lưới bội thu…”.

Được biết, để thực hiện việc hỗ trợ ngư dân xây dựng mô hình phát triển sản xuất sau sự cố môi trường biển, TX Kỳ Anh đã nỗ lực tuyên truyền, vận động ngư dân tiếp tục bám biển, đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn đóng mới, cải hoán tàu công suất trên 90 CV để phát triển sản xuất. Đến nay, theo Quyết định số 12 của Chính phủ, đã có 25/97 hộ dân của 3 xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh, Kỳ Lợi được tỉnh phê duyệt vay vốn để đóng tàu cá trên 90 CV.

Song song với công tác khôi phục lại hoạt động trên ngư trường, việc phục hồi và chuyển đổi sinh kế phù hợp nhằm ổn định đời sống cho bà con ngư dân cũng được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Qua đó, ngay sau sự cố môi trường, thị xã đã có các biện pháp tích cực khoanh vùng nuôi an toàn, hướng dẫn bà con xây dựng các mô hình nuôi tôm bằng hình thức vỗ bờ bằng bột đá xi măng, đến nay đã có 18 mô hình ở xã Kỳ Hà hoạt động hiệu quả với số tiền hỗ trợ 405 triệu đồng.

Ông Mai Xuân Long, một điển hình thành công trong việc chuyển đổi nghề sau sự cố môi trường biển

Bên cạnh đó, thị xã còn triển khai xây dựng 37 mô hình chăn nuôi gà siêu trứng, 23 mô hình chăn nuôi thỏ tại các xã, phường ven biển, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là mô hình nuôi thỏ của giáo dân Mai Xuân Long (thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi). HTX nuôi thỏ của ông với quy mô 10 chuồng trại, 500 thỏ giống và 4.000 thỏ thịt, sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động đã xuất bán đươc 1,5 tấn thỏ thương phẩm, thu về gần trăm triệu đồng.

Mô hình sản xuất nước mắm của chị Đặng Thị Luận (thôn Tiến Thắng, xã Kỳ Ninh) cũng là một nhân tố điển hình trong việc khôi phục sản xuất ngay sau sự cố môi trường. Kiên trì, bền bỉ với nghề truyền thống, hiện, cơ sở của chị Luận vẫn tiếp tục thu mua, hải sản chế biến nước mắm, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động.

“Mặc dù bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển, nhưng cơ sở thu mua, sản xuất nước mắm của gia đình tôi vẫn cố gắng duy trì để tạo việc làm cho bà con và thu mua hải sản của ngư dân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng đạt mức sản xuất 2-3 nghìn lít nước mắm để phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh” - chị Luận chia sẻ.

Sau hơn 1 năm gồng mình trong “sóng dữ”, cấp ủy, chính quyền và ngư dân TX Kỳ Anh đã nỗ lực hết mình, quyết tâm giữ vững ngư trường, khôi phục sản xuất. Và, tiếng máy thuyền, tiếng hò khoan kéo lưới, những nụ cười của những người vợ lại vang lên sau những chuyến cá đầy khoang.

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói