Người dân Kỳ Anh tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

(Baohatinh.vn) - Trong điều kiện vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch bệnh, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang tiến tới mục tiêu có thêm 7 sản phẩm OCOP và nâng hạng sao cho 4 sản phẩm.

Năm 2021 này, nghề nuôi ong ở xã vùng thượng Kỳ Lạc có nhiều bước chuyển mang tính đột phá, đó là từ việc nuôi tự phát đã hình thành Tổ hợp tác (THT) Nuôi ong lấy mật xã Kỳ Lạc vào đầu năm với 12 thành viên. Mật ong ở đây đang là một trong 7 sản phẩm mới của toàn huyện đang trên lộ trình hoàn thiện các điều kiện để đạt OCOP năm 2021.

Người dân Kỳ Anh tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Vợ chồng ông Hoàng Tiến Hợp, thành viên của THT Nuôi ong mật xã Kỳ Lạc thu hoạch mật ong. (Ảnh tư liệu)

Hiện nay, ngoài 12 thành viên THT, xã Kỳ Lạc còn có 30 hộ nuôi khác. Toàn xã có trên 300 đàn ong; hộ nhiều nhất có 60 đàn, ít nhất là 10 đàn; sản lượng mật hằng năm đạt gần 2.000 lít.

Ông Hoàng Tiến Hợp, thành viên của THT ở thôn Lạc Trung có trên 10 tổ ong đang thời kỳ lấy mật. Mặc dù số lượng chưa nhiều nhưng với điều kiện tự nhiên thuận lợi và biết cách chăm sóc, hằng năm ông thu được trên 50 lít mật.

“Nghề nuôi ong hiện là hướng đi có hiệu quả nhất ở đây. Nhờ có hàng trăm ha tràm và nhiều loại cây rừng quanh năm cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên tuyệt vời cho đàn ong, người nuôi hoàn toàn không phải bổ sung bất kỳ một lượng thức ăn nào khác, chỉ lo việc theo dõi, chăm sóc và lấy mật. Bên cạnh giảm chi phí thì điều quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm rất cao, đúng chất mật ong rừng, được nhiều người ưa chuộng”, ông Hợp cho biết.

Người dân Kỳ Anh tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Bà Nguyễn Thị Vừng thôn Lạc Sơn bên tổ ong vào kỳ thu hoạch của gia đình

Điều ông Hợp và những người nuôi ong ở Kỳ Lạc hết sức phấn khởi, háo hức, đó là sản phẩm của THT Nuôi ong, sản phẩm mật ong Kỳ Lạc chuẩn bị được công nhận OCOP 3 sao.

Bà Nguyễn Thị Ngà - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Lạc, Tổ trưởng THT cho biết: “Với sản phẩm mật ong được nuôi tự nhiên chất lượng cao, chúng tôi rất tự tin để xây dựng sản phẩm OCOP. Từ THT, chúng tôi đang vận động thành lập HTX với quy mô ban đầu là 25 hộ, cùng đó là huy động mua sắm máy lọc và một số thiết bị chuyên dụng để sản xuất, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm”.

Người dân Kỳ Anh tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Sản phẩm ổi giòn Kỳ Đồng đã được công nhận đạt chuẩn OCOP năm 2021.

Là loại cây chủ lực, sau nhiều năm chờ đợi, năm 2021 này, sản phẩm ổi Đài Loan của xã Kỳ Đồng tạo được bước ngoặt lớn khi chuẩn bị được nhận chứng chỉ VietGAP và nằm trong danh sách các sản phẩm đạt chuẩn OCOP năm nay.

Đến thời điểm này, toàn xã Kỳ Đồng có gần 200 hộ tham gia trồng ổi hàng hóa với tổng diện tích 30ha. Nhiều hộ dân đã giàu lên nhanh nhờ cây ổi như: gia đình ông Phạm Văn Đức ở thôn Đồng Trụ Đông; anh Võ Văn Trường ở thôn Hải Vân; ông Trần Văn Nhận ở thôn Đồng Trụ Tây…

Hiện tại, THT Trồng ổi Kỳ Đồng có 32 thành viên, sản xuất trên diện tích 5ha; xã đang tiếp tục chỉ đạo mở rộng quy mô sau khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Người dân Kỳ Anh tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Ông Nguyễn Tiến Kỳ ở thôn Hồ Vân Giang, xã Kỳ Đồng đang bọc những quả ổi đầu mùa.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Đồng Trần Văn Nhận cho biết: “Cây ổi từ lâu đã trở thành cây làm giàu của người dân xã Kỳ Đồng, tuy nhiên nhiều người dân vẫn đang sản xuất riêng lẻ, manh mún, chưa muốn tham gia THT. Sau khi được công nhận đạt chuẩn VietGAP và OCOP, chắc chắn việc vận động bà con vào tổ chức sẽ thuận lợi hơn, đồng thời việc phát triển sản phẩm ổi giòn của địa phương cũng sẽ có những bước tiến mới”.

Ngoài mật ong Kỳ Lạc và ổi Kỳ Đồng, năm 2021, Kỳ Anh còn có các sản phẩm đang đặt mục tiêu được công nhận 3 sao như: bưởi Khe Xai (Kỳ Sơn), cá mờm khô Phú Khương (Kỳ Xuân), chè 12/9 (Kỳ Trung), khô gà lá chanh Thu Hằng và gà hun khói Thu Hằng (Kỳ Phong).

Người dân Kỳ Anh tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Sản phẩm cá mờm cơm rim Đỉnh Miện của xã Kỳ Phú cũng được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao trong năm 2021.

Bên cạnh nhiều sản phẩm mới, Kỳ Anh cũng có 4 sản phẩm trên hành trình nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao gồm: Nước mắm Phú Khương của HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Phú Khương (Kỳ Xuân); cá mờm khô, cá mờm cơm rim của HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Kỳ Phú (Kỳ Phú) và cam Khe Xai của HTX Sinh thái nông nghiệp Khe Xai (Kỳ Sơn).

Với 2 sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao gồm nước mắm và ruốc quết, trong đợt này, HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Phú Khương (Kỳ Xuân) tiếp tục xây dựng sản phẩm cá mờm khô đạt chuẩn OCOP 3 sao và sản phẩm nước mắm được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao.

Người dân Kỳ Anh tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Để phấn đấu nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao cho sản phẩm nước mắm, HTX Phú Khương đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, trị giá 1,2 tỷ đồng

Bà Lê Thị Khương - Giám đốc HTX cho biết, trong điều kiện vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch bệnh, HTX đã tiến hành rất nhiều việc, trong đó đầu tư dây chuyền sản xuất tự động khép kín với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng; mở rộng quy mô về sản lượng từ 150.000 lít/năm lên 300.000 lít/năm; xây dựng bể lắng; khắt khe hơn trong chọn lựa nguyên liệu đầu vào với độ đạm cao; tuyệt đối chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; chú trọng đổi mới mẫu mã sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ…

Việc không ngừng xây dựng các sản phẩm OCOP mới và nâng hạng các sản phẩm đã đạt chuẩn ở Kỳ Anh đã thúc đẩy các cơ sở, cá nhân thi đua đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và linh hoạt trong kết nối thị trường tiêu thụ...

Người dân Kỳ Anh tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Sản phẩm bánh đa vừng đã đạt chuẩn OCOP 3 sao của HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm được sản xuất bằng dây chuyền hiện đại

Theo ông Võ Xuân Hiển - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM huyện Kỳ Anh, với 7 sản phẩm đăng ký đạt chuẩn và 4 sản phẩm đăng ký nâng hạng được lựa chọn lần này, huyện đang tiếp tục chỉ đạo, hoàn thiện các điều kiện để Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh kiểm tra, đánh giá vào cuối năm.

Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao chất lượng sản phẩm đối với 16 sản phẩm đã đạt OCOP.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.