Nhà nông Hà Tĩnh nhanh tay cấy lúa “chạy” tết

(Baohatinh.vn) - Tết chạm ngõ khi mùa cấy lúa xuân cũng vừa bắt đầu. Nông dân Hà Tĩnh gấp gáp, vội vàng nhưng cũng tràn đầy niềm vui đón mùa xuân mới…

Nhà nông Hà Tĩnh nhanh tay cấy lúa “chạy” tết

Những nương mạ đã lên xanh, chờ bà con nông dân đưa xuống ruộng cấy ở thị trấn Nghèn (Can Lộc)

Mùa gieo cấy lúa xuân ở Hà Tĩnh thường vào dịp cuối tháng Chạp. Thời vụ này nhằm giúp cây lúa tránh bất lợi của thời tiết những ngày đông lạnh giá, đón tiết khí tốt lành nhất khi mùa xuân trở về. Đó cũng là khi, trong lồng ngực người nông dân vừa thoáng chút âu lo vì công việc đồng áng bộn bề những ngày “chạy” tết nhưng cũng phấn chấn, háo hức bởi không khí lao động rộn ràng trên đồng ruộng.

Suốt nhiều ngày nay, ngày nào bà Lê Thị Nguyệt, thôn Hòa Bình, xã Thanh Lộc (Can Lộc) cũng phải dậy từ sáng sớm đi cấy lúa. “Vừa cấy ruộng nhà, ai có nhu cầu thì tôi nhận cấy thuê, tranh thủ vài ngày nữa để còn về nhà lo tết” - bà Nguyệt chia sẻ.

Nhà nông Hà Tĩnh nhanh tay cấy lúa “chạy” tết

Lần đầu tiên, bà con nông dân xã Xuân Lộc (Can Lộc) được chứng kiến máy cấy chạy trên đồng ruộng của mình

Ở xã Xuân Lộc (Can Lộc), mấy hôm nay, đồng ruộng như có ngày hội lớn. Lần đầu tiên, bà con nông dân được chứng kiến máy cấy về đồng, mang theo những khay mạ chạy băng băng, tạo thành những hàng lúa thẳng tắp, đẹp mắt. Thoáng chút 3 - 4 sào ruộng đã hoàn thành. Tiến bộ kỹ thuật này đã giải phóng rất nhiều sức lao động, thời gian cho người nông dân.

Ông Nguyễn Bản ở thôn Dư Nại, xã Xuân Lộc cho hay: “Bao nhiêu năm làm nghề nông, lần đầu tiên tôi mới được chứng kiến máy cấy về đồng. Nhà tôi làm 3 sào, máy chỉ chạy khoảng 10 - 15 phút là xong, không như trước đây cả nhà xuống cấy cũng phải mất 2 ngày trời. Bây giờ chỉ cần chờ đến ra tết tỉa dặm nữa là xong”.

Nhà nông Hà Tĩnh nhanh tay cấy lúa “chạy” tết

Ông Phan Văn Sơn, thôn Kinh Nam, xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) gieo nốt 2 sào ruộng để nghỉ ngơi đón tết

Không khí lao động đâu đâu cũng rộn ràng, gấp gáp, nơi gieo hạt, nơi cấy lúa, những vùng làm sớm bà con đã kịp phun thuốc trừ sâu cho lúa non. Chỉ duy một điều, khác với các mùa gieo cấy khác trong năm, mùa xuân luôn mang đến cho bà con nông dân những cảm xúc hân hoan, tươi mới. Họ vừa làm việc, vừa động viên và hỏi han nhau về những ngày đầm ấm sắp sửa.

Ông Phan Văn Sơn ở thôn Kinh Nam, xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Nhà tôi làm 5 sào lúa VTNA 2 và HT1, sản xuất theo thời vụ và đề án của xã nên bà con cùng ra đồng, cùng gieo cấy vừa vui vẻ mà cũng có khí thế thi đua. Năm nay , thời tiết mùa gieo cấy thuận lợi nên không mất thời gian làm đi làm lại, lúa bén nhanh. Như vậy là nông dân chúng tôi mừng lắm rồi”.

Nhà nông Hà Tĩnh nhanh tay cấy lúa “chạy” tết

Vụ gieo cấy lúa xuân sẽ kéo dài đến 20 - 25/2.

Những cánh đồng liên tục được phủ xanh, nối liền mạch rộng lớn. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã gieo cấy khoảng 56.000 ha, chiếm 95% diện tích (trong tổng số diện tích gieo cấy toàn tỉnh hơn 59.000 ha). Năm nay, cơ bản diện tích lúa xuân đã hoàn thành kế hoạch gieo cấy trước tết Nguyên đán, một số địa phương “về đích” sớm như: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Đức Thọ, Hương Sơn... Những diện tích cấy sử dụng giống lúa ngắn ngày ở một số huyện miền núi sẽ tiếp tục gieo cấy từ nay đến sau tết.

Tết đang đến thật gần. Trong vườn nhà, cây cối đã đơm những chồi xanh biêng biếc, cây đào phai rộ khoe sắc thắm báo hiệu xuân mới đã về. Trên những cánh đồng, không khí lao động, sản xuất cũng rộn ràng, gấp gáp, để người nông dân kịp đón tết, vui xuân…

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Giải pháp nào để tái sinh vùng đất muối?

Giải pháp nào để tái sinh vùng đất muối?

Thời gian gần đây nhiều diêm dân đã bỏ nghề để tìm kế mưu sinh khác. Hệ quả là hàng trăm ha đất làm muối bị bỏ hoang, điều này không chỉ gây nên tình trạng lãng phí tài nguyên đất mà còn làm mất đi sinh kế, mất đi nghề truyền thống của nhiều vùng quê ven biển Hà Tĩnh.
Cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác PCCCR trên địa bàn.
"Xẻ thịt" rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh

"Xẻ thịt" rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh

Thời gian gần đây, hàng trăm cây phi lao thuộc vùng rừng phòng hộ ven biển ở xã Thạch Khê (xã Thạch Hải, thành phố Hà Tĩnh trước đây) bị người dân đốn hạ nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa biết xử lý thế nào?
Ngư dân Hà Tĩnh học cách chuyển đổi số

Ngư dân Hà Tĩnh học cách chuyển đổi số

Hà Tĩnh đang chú trọng ứng dụng công nghệ số vào quản lý và giám sát hoạt động khai thác thủy sản thông qua phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT VN),