Sáng 8/5, UBND huyện Hương Khê tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả thực hiện mô hình trình diễn các giống lúa Hana 318, TBR 87, AYT 77 đưa vào sản xuất trong vụ xuân 2024 trên địa bàn huyện.
Trong vụ xuân 2024, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Khê đã phối hợp với các doanh nghiệp triển khai xây dựng mô hình sản xuất trình diễn các giống lúa thuần AYT 77, HaNa 318 và TBR 87 tại xã Hương Giang.
Giống lúa AYT 77 được Cục trồng trọt gia hạn quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng theo quyết định số 192/QĐ-TT-CLT ngày 22/05/2023.
Giống lúa thuần HaNa 318 được Cục Trồng trọt cấp quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng theo Quyết định số 71/QĐ-TT-CLT ngày 13/04/2020.
Giống lúa thuần TBR 87 đã được Cục Trồng trọt cấp Quyết định số 423/QĐ-TT-CLT ngày 21/11/2023 về công nhận lưu hành.
Sau thời gian sản xuất thực tế trên đồng ruộng, qua so sánh với giống lúa đối chứng (Khang dân đột biến) cho thấy các giống lúa thử nghiệm có khả năng đẻ nhánh và khả năng chống đổ tốt hơn.
Về sâu bệnh, nhìn chung, các đối tượng sâu hại như: bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn gây hại mức độ thấp, vì vậy, trên các giống thử nghiệm và đối chứng đều bị gây hại không đáng kể. Tuy nhiên vào cuối vụ, các giống mới nhiễm khô vằn nhẹ, cục bộ.
Về năng suất, các giống lúa mới cho thấy khả năng vượt trội. Theo đó, năng suất thực tế của giống AYT 77 là 63,97 tạ/ha; HaNa 318 là 63,70 tạ/ha; TBR 87 là 60,7 tạ/ha (giống đối chứng Khang dân đột biến chỉ cho năng suất hơn 53 tạ/ha).
Các giống lúa mới cũng cho năng suất cao hơn năng suất trung bình lúa vụ xuân năm 2023 trên địa bàn huyện Hương Khê (57,8 tạ/ha). Qua tính toán cho thấy các giống lúa mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn giống đối chứng từ 236 - 378 nghìn đồng/sào.
Để có cơ sở bổ sung thêm vào bộ giống của huyện, cơ quan chuyên môn đề nghị các doanh nghiệp phối hợp với địa phương tiếp tục sản xuất trình diễn trong vụ hè thu 2024 để có đánh giá sát đúng.