Nông dân Hà Tĩnh mở rộng diện tích trồng lúa thân thiện môi trường

(Baohatinh.vn) - Từ những cánh đồng hiệu quả ở Thạch Hà và Đức Thọ, mô hình trồng lúa thân thiện với môi trường tiếp tục được nhân rộng tại Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà trong vụ hè thu.

Nông dân Hà Tĩnh mở rộng diện tích trồng lúa thân thiện môi trường

Ông Trần Viết Chỉ ở thôn Mỹ Triều, xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) có 9 sào ruộng canh tác theo hướng thân thiện với môi trường.

Vụ lúa xuân 2023, gia đình ông Trần Viết Chỉ ở thôn Mỹ Triều, xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) có 9 sào ruộng canh tác theo hướng thân thiện với môi trường. Qua tập huấn của cán bộ kỹ thuật, ông Chỉ dần từ bỏ phương pháp canh tác trước đây, tích cực áp dụng kiến thức mới vào sản xuất. Ông Chỉ chia sẻ: "Việc áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường giúp gia đình tôi giảm khá nhiều chi phí thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học so với những năm trước. Kết quả sâu bệnh giảm rõ rệt, cây lúa khỏe hơn, hạn chế được tình trạng lúa đổ ngã. Phấn khởi nhất là năng suất lúa vẫn đạt cao, thậm chí cao hơn năm trước (khoảng 3,2 tạ/sào) dù đây mới là mùa đầu tiên triển khai, chúng tôi còn chưa áp dụng đầy đủ các phương pháp, kỹ thuật theo hướng dẫn. Hạt gạo chắc, thơm và rất an toàn. Bởi vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục canh tác theo phương thức mới này trong những vụ tiếp theo”.

Ngoài ông Chỉ, tại xã Tân Lâm Hương còn có 52 hộ cùng tham gia dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường với tổng diện tích 12 ha. Bằng biện pháp kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ và sử dụng phân bón hợp lý (giảm phân đạm, phân vô cơ; tăng sử dụng phân hữu cơ), nông dân tham gia mô hình đã có vụ lúa rất bội thu. Năng suất đạt khoảng 6,4 tấn/ha, cao hơn 6% so với ruộng đối chứng.

Nông dân Hà Tĩnh mở rộng diện tích trồng lúa thân thiện môi trường

Mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường giúp nông dân giảm chi phí và tăng năng suất.

Ông Biện Văn Quảng - Trưởng phòng Dịch vụ hỗ trợ nông dân, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh cho hay, dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” do Tổ chức ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (Quỹ BRACE) tài trợ thông qua Hội Nông dân Việt Nam. Dự án đã và đang được triển khai tại 24 tỉnh, trong đó có Hà Tĩnh.

Tiếp nhận dự án, chúng tôi đã triển khai thực hiện tại xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ và Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà từ tháng 1/2022. Ban quản lý dự án đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường. Trong đó tập trung vào 3 kỹ thuật chính bao gồm: giảm phân hóa học, tưới ướt khô xen kẽ, xử lý rơm rạ; nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng và các bên liên quan về lợi ích của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường; nâng cao giá trị sản phẩm gạo trồng theo phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường và đưa ra thị trường tiêu thụ".

Nông dân Hà Tĩnh mở rộng diện tích trồng lúa thân thiện môi trường

Các địa phương triển khai tuyên truyền về dự án qua hình thức sân khấu hóa.

Đến nay, qua đánh giá thực tế cho thấy lúa tại mô hình đẻ nhánh khỏe và tập trung, không có hiện tượng đẻ nhánh kéo dài. Bộ rễ đẹp, dài ăn sâu, rất ít rễ đen so với các ô ruộng khác sản xuất theo tập quán. Số bông hữu hiệu ở ruộng trình diễn đạt trung bình 310 bông/m2, tương đương lô đối chứng nhưng bông to và dài hơn. Vụ xuân 2023, vùng sản xuất mô hình không nhiễm các bệnh đạo ôn hay khô vằn, hầu hết các hộ sản xuất không phun thuốc phòng.

Được biết, tại xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ có 15 ha lúa tham gia dự án. Năng suất lúa đạt 7 tấn/ha.

Tiếp nối thành công của dự án, Hội Nông dân tỉnh đang hỗ trợ nhân rộng mô hình tại các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà trong vụ hè thu 2023 với tổng diện tích gần 7,5 ha. Hiện nay, cơ bản các địa phương đã hoàn thành khâu xuống giống.

Nông dân Hà Tĩnh mở rộng diện tích trồng lúa thân thiện môi trường

Nông dân huyện Lộc Hà sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý gốc rạ.

Tại huyện Lộc Hà, mô hình được triển khai tại thôn Yến Giang, xã Hồng Lộc với diện tích hơn 1 ha với giống Nếp N98. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Lộc Hồ Sỹ Giang phấn khởi nói: “Rơm, rạ trong vụ xuân được các hộ dân tận dụng làm thức ăn chăn nuôi. Phần gốc rạ còn lại trên ruộng được dự án hỗ trợ xử lý bằng men vi sinh để phân hủy. Chỉ sau 10 -15 ngày, toàn bộ gốc rạ đã bị phân hủy, tạo thành phân hữu cơ, vừa tránh cho cây lúa bị ngộ độc. Hiện nay, bà con nông dân được hướng dẫn các kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường và rất hào hứng xuống giống”.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Tiến Anh cho biết, sau 3 mùa vụ triển khai, đến nay, dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường đã mang lại những kết quả tích cực cho người nông dân. Dự án đã góp phần tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của nông dân trong sản xuất lúa theo hướng thân thiện với môi trường. Có thể khẳng định, việc áp dụng phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường là giải pháp hữu ích bảo vệ môi trường, sức khỏe nông dân do hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nhân rộng mô hình, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường, hướng đến xây dựng thương hiệu lúa gạo Hà Tĩnh an toàn, thân thiện với môi trường.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.