Mùng 5 tết, dù tiết xuân vẫn còn vui tươi song bà con nông dân các địa phương ở Hà Tĩnh đã gác lại việc du xuân để ra đồng chăm sóc lúa. Thời tiết nắng ấm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đẩy nhanh tiến độ dặm tỉa lúa. Trên những cánh đồng, tiếng cười nói đầu xuân vang rộn, nông dân chúc nhau giành thắng lợi trong mùa vụ chính của năm.
Ông Nguyễn Mạnh Hải ra đồng dặm tỉa lúa xuân.
Xuống giống hơn 3 sào lúa BQ5 vào thời điểm rét đậm rét hại kèm theo mưa ngập nên tỷ lệ lúa nảy mầm đạt thấp. Từ mồng 4 tết, gia đình ông Nguyễn Mạnh Hải, trú tại thôn 3, xã Xuân Lĩnh (Nghi Xuân) đã tập trung nhân lực ra đồng dặm tỉa lúa.
Ông Hải chia sẻ: "Thời tiết bất lợi nên lúa không được đẹp như những năm trước. Chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ dặm tỉa, bón phân để tăng cường sức đề kháng cho lúa xuân, những mong không ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng lúa cuối vụ".
Với diện tích sản xuất lớn, hơn 1 mẫu lúa nên gia đình ông Nguyễn Tuấn, trú tại thôn Hợp Sơn, xã Thanh Lộc (Can Lộc) đã huy động mọi người ra đồng sớm để đẩy nhanh tiến độ chăm sóc lúa xuân.
Ông Nguyễn Tuấn phấn khởi: "Vụ mùa này, chính quyền địa phương đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, hình thành cánh đồng mẫu lớn. Cùng với việc chuyển đổi đất đai, hạ tầng kênh mương nội đồng cũng được củng cố, tạo điều kiện cho bà con sản xuất vụ xuân, dần hình thành cho nhà nông thói quen sản xuất quy mô, hàng hóa. Với hơn 1 mẫu lúa các giống đại trà và giống năng suất cao như: Nếp 98, QP5..., từ mồng 4 tết, nhà tôi đã ra đồng thăm lúa để vừa kiểm tra mực nước trong ruộng và tập trung dặm tỉa những khu vực lúa nảy mầm không đều. Tiếp đó, chúng tôi đồng loạt bón phân, thúc đẩy lúa đẻ nhánh, phát triển tốt. Vụ lúa xuân năm ngoái, chúng tôi thu về từ 2,8 - 3 tạ/sào, năm nay nhà tôi chăm chút trong từng khâu chăm sóc, mong muốn lúa đạt năng suất cao hơn".
Ông Nguyễn Tuấn (xã Thanh Lộc, Can Lộc) bón thúc cho lúa xuân.
Theo ông Phan Cao Kỳ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc: Vụ xuân năm 2024, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi ruộng đất, dồn điền, đổi thửa và phá bỏ bờ thửa nhỏ để chỉnh trang đồng ruộng, hình thành ô thửa lớn, cánh đồng lớn gắn với củng cố, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi đồng bộ. Vụ xuân 2024, toàn huyện tổ chức gieo cấy 9.167 ha, trong đó hơn 5.900 ha sản xuất tập trung theo bộ cơ cấu giống của tỉnh gồm: các giống lúa thuần ( HT1, Nếp 98, Nếp 87, Khang dân đột biến, Khang dân 18), lúa lai (Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, Lai thơm 6)...
Thời điểm này, các địa phương ở Can Lộc đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp chăm sóc lúa xuân như: dặm tỉa đảm bảo mật độ cây trồng theo quy trình kỹ thuật, tiến hành bón thúc đợt 1 để tạo đà cho lúa đẻ nhánh, sinh trưởng và phát triển tốt.
Căn cứ thời gian sinh trưởng của từng bộ giống, từ ngày 10/1/2024 đến ngày 8/2/2024, nông dân thị xã Hồng Lĩnh đã nhanh chóng khép lại 1.566 ha lúa xuân các loại. Thời điểm này, nông dân các phường, xã của thị xã Hồng Lĩnh đã gác việc du xuân, ra đồng chăm sóc lúa với mong ước gặt hái mùa vàng.
Bà Bùi Thị Minh phấn đấu hoàn thành dặm tỉa lúa trong 1 tuần để tiến hành bón thúc đợt 1.
Bà Bùi Thị Minh, trú tại tổ dân phố 5, phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh) cho biết: “Vụ xuân 2024, gia đình tôi gieo thẳng 5 sào lúa giống lúa các loại với hình thức xuống giống gieo thẳng. Ảnh hưởng bất lợi của thời tiết nên tỷ lệ lúa bị chết lớn hơn những năm trước. Hiện nay, gia đình tôi tập trung dặm tỉa theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Cũng may, đầu vụ chúng tôi chủ động gieo dày nên bây giờ đủ lúa non để cấy dặm. Chúng tôi phấn đấu khoảng 1 tuần sẽ hoàn thành dặm tỉa để kịp thời bón thúc đợt 1, giúp lúa phát triển tốt và bước vào kỳ đẻ nhánh”.
Nông dân Hà Tĩnh ra đồng đầu xuân mang theo niềm mong ước về một mùa vụ bội thu.
Ông Phan Văn Huân – Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết: "Theo kế hoạch, vụ xuân năm 2024, toàn tỉnh sản xuất 59.107 ha lúa các loại. Đến thời điểm này, nông dân Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành việc gieo cấy lúa xuân. Các địa phương cần hướng dẫn bà con nông dân tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình sinh trưởng của lúa xuân, từ đó có giải pháp chăm sóc kịp thời khi thời tiết thuận lợi. Theo đó, nông dân cần duy trì mực nước trên mặt ruộng lúa thích hợp, tiến hành dặm tỉa theo quy trình kỹ thuật của từng bộ giống, đảm bảo mật độ phù hợp, sau đó tiến hành bón thức, tạo đà cho lúa đẻ nhánh, sinh trưởng.
Ngoài ra, các địa phương cần chủ động công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo các đối tượng dịch hại ngay từ đầu vụ, trong đó tập trung các đối tượng như: bệnh đạo ôn, ruồi đục nõn hại lúa... Trong điều kiện thời tiết có sương mù, độ ẩm cao, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh đạo ôn để chủ động phát hiện và phòng trừ kịp thời, hạn chế nguồn lây lan...".