Nông dân Thạch Hà hối hả thu hoạch lúa hè thu

(Baohatinh.vn) - Những ngày cuối tháng 8, bà con nông dân huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) tất bật ra đồng thu hoạch lúa hè thu. Để đáp ứng tiến độ và đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, chính quyền địa phương các cấp đã vào cuộc giám sát, điều tiết máy gặt giúp bà con.

Nông dân Thạch Hà hối hả thu hoạch lúa hè thu

Nông dân Thạch Trị ra đồng với tiêu chí “xanh nhà hơn già đồng”.

Lúa được mùa, nông dân phấn khởi

Vụ hè thu năm nay, gia đình ông Phan Văn Đồng (thôn Bắc Dinh, xã Thạch Trị) làm 2 mẫu lúa, chủ yếu là giống Khang dân 18. Từ giữa tháng 8, ông bắt đầu “huy động” các thành viên trong nhà rục rịch ra đồng thu hoạch. “Nhờ gieo cấy đúng lịch thời vụ nên đến nay, diện tích lúa chín đã lên tới hơn 90%. Lúa hè thu có ý nghĩa quan trọng đến kết quả sản xuất của cả vụ nên với tiêu chí “xanh nhà hơn già đồng”, không chờ lúa chín hết, chúng tôi đã thuê máy gặt với mức giá 130 ngàn đồng/sào để thu hoạch” - ông Đồng chia sẻ.

Nhờ được chăm sóc tốt cùng thời tiết thuận lợi nên vụ hè thu năm nay, gia đình ông Đồng được mùa lớn, năng suất bình quân của 2 mẫu ruộng ước đạt hơn 2,5 tạ/sào.

Nông dân Thạch Hà hối hả thu hoạch lúa hè thu

Đến nay, toàn xã Thạch Trị có khoảng 50% đã được thu hoạch.

Chủ tịch UBND xã Thạch Trị Nguyễn Công Hường thông tin: "Năm nay, Thạch Trị gieo cấy tổng diện tích 150 ha, chủ yếu là các giống lúa Khang dân đột biến, Khang dân 18, Xuân Mai 12... và hiện đã thu hoạch được khoảng 50% diện tích. Theo đánh giá, vụ mùa này thắng lợi toàn diện, năng suất đạt 5 tấn/ha, sản lượng hơn 2.500 tấn. Thời gian qua, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân khẩn trương thu hoạch lúa để sớm triển khai các kế hoạch sản xuất tiếp theo”.

Nông dân Thạch Hà hối hả thu hoạch lúa hè thu

Vụ hè thu tại Thạch Hà, chủ yếu là các giống lúa dưới 105 ngày như: Khang dân đột biến, Khang dân 18, Xuân Mai 12, PC6, TH3-3, BQ.

Tại xã Thạch Lạc, bắt đầu từ ngày 20/8, người dân đã giục nhau ra đồng, bắt đầu vụ thu hoạch. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Thoan, toàn xã có khoảng 310 ha lúa. Sau gần 1 tuần, đến nay, diện tích đã thu hoạch xong khoảng 20%. Vụ hè thu năm nay, nhiều hộ gia đình có diện tích lúa lớn như ông Dương Kim Toàn (thôn Thanh Quang, trên 4 mẫu), ông Dương Kim Hùng (thôn Vĩnh Thịnh, trên 3 mẫu), ông Dương Công Thục (thôn Vĩnh Thịnh, trên 3 mẫu)...

Nông dân Thạch Hà hối hả thu hoạch lúa hè thu

Công an xã Thạch Lạc thường xuyên nhắc nhở người dân phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo.

Không chỉ các xã vùng bãi ngang như: Thạch Lạc, Thạch Trị, Thạch Hội, Thạch Văn mà trên khắp cánh đồng của vùng Bắc Hà, vùng Tây Nam của huyện Thạch Hà, trong những ngày này, dù 1 tuần nữa mới tiến hành thu hoạch đại trà song một số hộ gia đình đã gấp rút ra đồng.

Nông dân Thạch Hà hối hả thu hoạch lúa hè thu

Nhiều địa phương ở Thạch Hà đã điều tiết vận hành, giám sát nhằm giúp bà con đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa hè thu.

Điều tiết máy gặt, đảm bảo phòng chống dịch

Đảm bảo an toàn cho bà con nông dân trong quá trình lao động, các địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân về thông điệp 5K cùng khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19; nhắc nhở mỗi người đeo khẩu trang, găng tay, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, không tập trung quá đông người...

Đặc biệt, giữa áp lực “chạy đua” với tiến độ, nhiều địa phương ở Thạch Hà đã vào cuộc điều tiết vận hành, giám sát máy gặt lúa nhằm giúp bà con đẩy nhanh thu hoạch lúa hè thu, đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19. Hiện tại, những nông dân lái máy gặt muốn vào hoạt động tại xã khác phải có kết quả xét nghiệm PCR hoặc test nhanh âm tính, đồng thời ký cam kết tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Nông dân Thạch Hà hối hả thu hoạch lúa hè thu

Năm nay, xã Nam Điền có chính sách hỗ trợ máy gặt cho người dân.

Bên cạnh một số xã thực hiện liên kết với các xã cận kề, điều tiết máy gặt; nhiều nơi lựa chọn phương án huy động máy gặt “tại chỗ”.

Ở thời điểm hiện tại, xã Nam Điền đã thu hoạch được khoảng 10% trên tổng số 500 ha diện tích lúa. “Ngoài 6 máy gặt sẵn có, xã ban hành chính sách hỗ trợ người dân mua mới thêm 2 máy gặt với số tiền 50 triệu đồng/máy nhằm đảm bảo tiến độ thu hoạch cho bà con khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, hạn chế lượng máy gặt từ bên ngoài vào địa bàn” - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Sỹ Quý thông tin.

Huy động nguồn máy “tại chỗ” cũng là cách làm được xã Lưu Vĩnh Sơn áp dụng. Với diện tích trồng lúa hè thu lớn nhất toàn huyện Thạch Hà (900 ha), hơn 20 máy gặt cũng đã rục rịch khởi động vụ thu hoạch mới.

Nông dân Thạch Hà hối hả thu hoạch lúa hè thu

Bên cạnh phương án liên kết với các xã cận kề, điều tiết máy gặt; nhiều nơi lựa chọn huy động máy gặt “tại chỗ”.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà Lê Văn Thuận cho biết: "Vụ hè thu năm nay, toàn huyện gieo cấy trên diện tích 7.562,2 ha. Ước tính, năng suất lúa hè thu đạt hơn 49,5 tạ/ha, sản lượng hơn 36.676 tấn (đạt 102% kế hoạch, tăng 2.554 tấn so với cùng kỳ).

Thời gian này, các địa phương đang đôn đốc bà con nông dân tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ hè thu theo phương châm “lúa chín đến đâu thu hoạch đến đó”. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các địa phương cần điều tiết máy gặt hợp lý, giúp Nhân dân thu hoạch lúa hè thu nhanh gọn. Dự kiến, đến hết ngày 10/9, toàn huyện Thạch Hà sẽ thu hoạch xong toàn bộ diện tích".

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.