Vài tuần nay, ngày nào bà Phan Thị Hồng Lộc - thôn Hồng Lĩnh cũng thức dậy từ 3 giờ sáng cặm cụi trên những luống rau giống các loại như: cải, xà lách, bắp cải, súp lơ, cà tím, cà chua... Để đáp ứng nhu cầu thị trường, bà luôn tất bật trên mảnh vườn rộng hơn 3.500 m2 của gia đình cho đến tận 23 giờ đêm.
Mỗi ngày, công việc của bà Lộc bắt đầu từ 3 giờ sáng.
Bà Lộc chia sẻ: “Dịp này, nhu cầu cây giống của bà con nông dân khá lớn nên có lúc tôi phải thuê thêm nhân công để kịp đơn hàng. Vất vả, nhưng bù lại mỗi ngày có thêm nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình nên chúng tôi hết sức phấn khởi”.
Là vựa rau giống lớn ở huyện Can Lộc, thời gian qua, lượng khách hàng trên địa bàn toàn tỉnh tìm đến thôn Hồng Lĩnh ngày càng tăng. Đó cũng là động lực để người dân trong thôn duy trì diện tích rau màu trong vườn hộ và mở rộng diện tích ở các xứ đồng, chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau giống. Từ sản xuất nhỏ lẻ, đến nay, rau giống đã trở thành sản phẩm hàng hóa, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trong thôn.
Người dân thôn Hồng Lĩnh có nguồn thu nhập đáng kể từ rau giống.
Chị Lương Thị Hương - thôn Hồng Lĩnh cho biết: “Làm rau giống khá bận rộn vì việc chăm sóc cầu kỳ, bù lại, nguồn thu nhập lại khá tốt. Gia đình tôi làm 2 sào đất màu với đủ các loại cây giống, đợt này, trung bình mỗi ngày bán hơn vài ngàn cây, thu về từ 800 đến 1 triệu đồng”.
Năm nay nhuận 2 tháng 2, nên việc triển khai sản xuất cây rau giống vụ đông của nông dân thôn Hồng Lĩnh chậm hơn mọi năm. Mặt khác, bước vào đợt gieo giống đầu tiên (vào đầu tháng 10/2023), thời tiết không thuận lợi, mưa lớn kéo dài khiến nhiều diện tích bị hư hỏng, cây chậm phát triển. Tuy nhiên, nhờ sự đầu tư chăm sóc của người dân nên chất lượng cây giống vẫn luôn đảm bảo. Nông dân và thương lái từ các vùng miền trong tỉnh đến tận vườn để tìm mua các loại cây theo nhu cầu.
Bà Lê Thị Ty - nông dân đến từ huyện Cẩm Xuyên chia sẻ: “Sản xuất rau để bán trong nhiều năm qua, tôi rất chuộng nguồn giống của bà con thôn Hồng Lĩnh. Mặc dù hơi xa nhưng qua nhiều mùa lấy giống ở đây nên chúng tôi rất tin tưởng tìm đến nơi để đặt hàng”.
Nhiều năm nay, bà Ty đã trở thành khách hàng quen thuộc của người dân thôn Hồng Lĩnh.
Đến thời điểm hiện tại, thôn Hồng Lĩnh có 25 ha rau giống, mỗi vụ cung cấp ra thị trường hàng triệu cây giống như: su hào, súp lơ, cải bắp, bầu, bí, rau cải các loại... Ngoài những yêu tố thuận lợi về tự nhiên, những năm qua, bà con nhân dân thôn Hồng Lĩnh đã tập trung đầu tư cho vườn rau giống bằng các phương pháp canh tác mới, quy trình chăm sóc đến hệ thống tưới tiêu, quy hoạch vườn, nhà lưới...
“Từ sau năm 2014, khi thôn bước vào xây dựng NTM, khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu, việc quy hoạch sản xuất được đưa vào quy củ, chuyên nghiệp. Vì vậy, bên cạnh gia tăng sản lượng, chất lượng cây rau giống cũng được nâng tầm”, ông Nguyễn Xuân Thảo - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Hồng Lĩnh cho hay.
Rau giống được người dân đóng hộp để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Cùng với thu hoạch rau giống, hiện nay, bà con nông dân thôn Hồng Lĩnh đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau, củ, quả ưa lạnh theo đúng khung thời vụ, chủ động nguồn hàng để cung ứng thị trường tết.
Từ hiệu quả sản xuất rau màu vụ đông ở thôn Hồng Lĩnh, thời gian qua, xã Vượng Lộc đã xây dựng kế hoạch, có các giải pháp khuyến khích người dân phát triển sản xuất rau màu vụ đông, đặc biệt là vùng ven núi Hồng Lĩnh và các vườn hộ. Với sự quan tâm, đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự năng động sáng tạo của người dân, rau giống đã trở thành mặt hàng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân và tạo nên nét riêng cho vùng quê NTM.