Anh nông dân bám đất, bám ruộng, tìm hướng phát triển kinh tế mới

(Baohatinh.vn) - Từ vùng đất sâu trũng, chua phèn, anh Hoàng Minh Luyến (xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi cá, mở ra hướng phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Anh nông dân bám đất, bám ruộng, tìm hướng phát triển kinh tế mới

Anh Hoàng Minh Luyến cải tạo mặt ruộng, thả bèo tây để nuôi cá rô đầu vuông và cá chép.

Sinh ra ở vùng quê khó khăn, anh Hoàng Minh Luyến (SN 1983, thôn Phú Minh, xã Kỳ Phú) đã từng lao động tại Hàn Quốc trong nhiều năm để kiếm thêm thu nhập trang trải cho gia đình. Tuy nhiên, anh vẫn luôn trăn trở, mong muốn được làm giàu trên mảnh đất quê hương. Chính suy nghĩ đó đã thôi thúc anh Luyến quyết tâm bám đất, bám ruộng, tìm hướng phát triển kinh tế mới.

Và quyết tâm đó càng được hoạch định rõ ràng hơn khi vụ xuân năm 2023, xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh) lần đầu tiên thực hiện chủ trương chuyển đổi, tích tụ ruộng đất để hình thành cánh đồng lớn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp tại những vùng đất kém hiệu quả.

Anh nông dân bám đất, bám ruộng, tìm hướng phát triển kinh tế mới

Vụ xuân 2023, anh Luyến bắt đầu thực hiện mô hình sản xuất lúa - cá theo quy trình hữu cơ.

Qua tìm hiểu, anh Luyến nhận thấy vùng Nương Mạ, thuộc thôn Phú Minh đồng ruộng thấp trũng, chua phèn, manh mún, khó canh tác. Người dân chủ yếu làm lúa vụ xuân, còn vụ hè thu bỏ hoang vì sợ lũ lụt. Anh đã quyết định thuê lại ruộng của các hộ dân tại vùng này, cải tạo lại mặt ruộng, đào ao xung quanh để xây dựng mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá.

Nhận thấy anh Luyến “dám nghĩ, dám làm”, mạnh dạn đổi mới, chính quyền địa phương đã tích cực hỗ trợ. Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh đã tư vấn kỹ thuật thực hiện trồng giống lúa chất lượng cao ST25, thả 30.000 con cá rô đầu vuông, 6.000 cá chép với tổng diện tích 3 ha.

Anh Luyến chia sẻ: “Vì đây là vùng đất đã bị hoang hóa, rất lâu chưa được cải tạo, hạ tầng xuống cấp nên khi bắt đầu tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Muốn trồng được lúa đạt tiêu chuẩn, tất cả hệ thống đường ruộng, kênh dẫn nước được xử lý để có kích thước rộng 3-4m, độ sâu phù hợp điều tiết nước chủ động đạt 1-1,2 m trên toàn mặt ruộng; bờ kè phải được gia cố lại chắc chắn, bờ phải đắp cao không để bị ngập tràn do mưa lũ và thất thoát cá. Thời gian chuẩn bị phải tập trung thực hiện trong 3 - 4 tháng với khối lượng công việc rất lớn”.

Anh nông dân bám đất, bám ruộng, tìm hướng phát triển kinh tế mới

Cá rô đầu vuông nuôi trong ruộng phát triển tốt.

Theo anh Luyến, ngoài sự hỗ trợ của kỹ thuật viên anh cũng tự tìm hiểu thêm các thông tin trên mạng, tham quan các mô hình ở nhiều địa phương khác để tích lũy kinh nghiệm. Mô hình này có rất nhiều ưu điểm, mang lại hiệu quả “kép” do cá - lúa có quan hệ cộng sinh. Cá ăn sâu bệnh hại, sục bùn liên tục nên lúa ít bị sâu bệnh, chất thải của cá có tác dụng làm phân bón, giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi.

Ngoài ra, việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ giảm chi phí trong quá trình canh tác. Cá rô đầu vuông và lúa ST25 có thời gian sinh trưởng tương đồng nhau nên rất thuận tiện trong quá trình chăm sóc và thu hoạch. Cá nuôi từ ruộng lúa do sử dụng thức ăn tự nhiên là chính nên chất lượng thịt cá thơm ngon, người tiêu dùng ưa chuộng, bán được giá.

Anh nông dân bám đất, bám ruộng, tìm hướng phát triển kinh tế mới

Cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh kiểm tra mô hình. Ảnh tư liệu

Vụ xuân vừa qua, sau khi thu hoạch lúa ST25 với năng suất 54 tạ/ha, gia đình anh Luyến xuất bán hơn 5 tấn cá rô đầu vuông, trừ mọi chi phí cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Còn số cá chép đang được chăm sóc và cho thu hoạch khi cá đạt kích cỡ thương phẩm.

Anh Luyến vui mừng: “Quả là “đất không phụ công người”, nhờ chú trọng xây dựng lại hệ thống hạ tầng đồng nhất, sau nhiều năm bỏ hoang, tôi đã có thể thực hiện sản xuất trên cánh đồng này, góp phần gia tăng thu nhập cho gia đình, tận dụng quỹ đất của địa phương để phát triển nông nghiệp. Đồng thời, tôi cũng tham gia Tổ hợp tác trồng lúa thôn Phú Minh để tăng tính liên kết cho đầu ra của sản phẩm, xây dựng thương hiệu gạo có chất lượng".

Anh nông dân bám đất, bám ruộng, tìm hướng phát triển kinh tế mới

Sản phẩm lúa gạo canh tác theo hướng hữu cơ của anh Luyến

Ông Nguyễn Kiên Quyết - Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú cho hay: “Với sự mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất, anh Hoàng Minh Luyến đã thuê lại đất ruộng kém hiệu quả để trồng lúa kết hợp nuôi cá, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ mô hình này, thời gian tới, cùng với chủ trương tích tụ ruộng đất chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân chuyển một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi cá nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập, tạo nguồn sản phẩm an toàn, sản xuất thân thiện môi trường; tham gia chuỗi cung ứng nông sản sạch, hữu cơ, sản phẩm OCOP của huyện”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.