Chú trọng giữ gìn bản sắc, giá trị truyền thống trong xây dựng nông thôn mới

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh đang phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh đạt chuẩn NTM theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Chú trọng giữ gìn bản sắc, giá trị truyền thống trong xây dựng nông thôn mới

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân).

Sáng 5/8, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Bí thư Đảng ủy Khối CCQ&DN tỉnh Nguyễn Đình Hải và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng dự.

Chú trọng giữ gìn bản sắc, giá trị truyền thống trong xây dựng nông thôn mới

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Tại hội nghị, đại biểu đã nghe báo cáo tóm tắt triển khai cơ chế, chính sách và định hướng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.

So với giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 đã bổ sung thêm một số mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, cấp xã, huyện; tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cho từng vùng, miền, làm cơ sở để các địa phương xác định mục tiêu cụ thể và triển khai thực hiện.

Chú trọng giữ gìn bản sắc, giá trị truyền thống trong xây dựng nông thôn mới

Đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh theo dõi hội nghị.

Theo đó, Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025: phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 60% số thôn, bản, buôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM…

Chương trình tiếp tục được thiết kế với 11 nội dung thành phần và 54 nội dung cụ thể, trong đó bổ sung những điểm mới so với giai đoạn 2016 - 2020 như: hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng NTM; nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy sự đa dạng, phong phú về các giá trị văn hóa ở nông thôn, làm cơ sở để nhân rộng các mô hình trải nghiệm, du lịch NTM…

Chú trọng giữ gìn bản sắc, giá trị truyền thống trong xây dựng nông thôn mới

Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Đến tháng 7/2022, cả nước đã có 5.813/8.227 xã (70,7%) đạt chuẩn NTM; trong đó, có 803 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 94 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 254 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 41 đơn vị so cuối năm 2021 (chiếm khoảng 39,2% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước); 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM; có 8.340 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

Giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 6 chương trình chuyên đề trong xây dựng NTM gồm: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM; Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh; Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM; Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM.

Để thực hiện mục tiêu, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 là 39.632 tỷ đồng.

Chú trọng giữ gìn bản sắc, giá trị truyền thống trong xây dựng nông thôn mới

Về Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021 - 2025 các cấp, cơ bản dựa trên cơ sở các tiêu chí giai đoạn 2016 – 2020 và điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu phù hợp với các chủ trương, định hướng, điều kiện thực tế.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM tại các địa phương; những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chương trình và định hướng các giải pháp trong thời gian tới.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong chuyển đổi nền nông nghiệp, nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn, mang lại giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới.

Chú trọng giữ gìn bản sắc, giá trị truyền thống trong xây dựng nông thôn mới

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kết luận hội nghị. Ảnh chụp màn hình.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 được thiết kế không chỉ xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế “cứng” mà còn chú trọng nhiều đến phát triển kinh tế, phát huy văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc nông thôn, nâng cao năng lực cộng đồng, cư dân trong xã hội nông thôn. Do đó, cần thay đổi cách tiếp cận chương trình với tư duy mới, xây dựng NTM phát triển hài hòa, thân thiện với môi trường thiên nhiên, với không gian làng quê nông thôn.

Ngoài nguồn vốn Trung ương, các địa phương cần lồng ghép nguồn vốn địa phương và huy động mọi nguồn lực, kêu gọi vốn xã hội hóa để thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị xây dựng NTM phải linh hoạt, phù hợp với từng đặc thù địa phương. Hình ảnh NTM cần dựa trên các giá trị truyền thống, đặc điểm vùng miền, đặc thù địa phương, do đó cần đa dạng về ý tưởng quy hoạch, kiến trúc cảnh quan nông thôn; cần đan xen công trình và các mảng xanh, tạo không gian sinh hoạt chung cho cộng đồng, sự giao lưu, kết nối giữa cư dân nông thôn và tiếp cận đô thị.

Bên cạnh xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cao, thời gian qua, nhiều địa phương đã có sáng kiến xây dựng làng thông minh, làng hạnh phúc, mô hình hội quán, ngôi nhà trí tuệ...., cần tiếp tục phát huy các mô hình này.

Các địa phương cần chú ý, quan tâm phát triển kinh tế nông thôn, tạo ra cơ hội việc làm cho lao động nông thôn; phát triển du lịch nông nghiệp để thu hút người đô thị về nông thôn, góp phần quảng bá hình ảnh làng quê gắn với tiêu thụ nông sản, sản phẩm làng nghề, thay đổi nếp sống nông thôn theo hướng văn minh...

Hà Tĩnh hiện có 177/181 xã (tỷ lệ 97,8%) đạt chuẩn NTM, 50 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 xã NTM kiểu mẫu, 983 khu dân cư NTM kiểu mẫu; 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Dự kiến đến cuối năm 2022 có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có thêm 01 xã đạt chuẩn kiểu mẫu, 1 huyện đạt chuẩn NTM.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tiếp tục được tập trung chỉ đạo thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 249 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Dự kiến đến cuối năm 2022 có thêm 50 sản phẩm đạtchuẩn OCOP,

Hà Tĩnh đang phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh đạt chuẩn NTM theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao. Hiện nay, các sở, ngành, địa phương đã và đang tập trung thực hiện kế hoạch, đề án xây dựng NTM đảm bảo chất lượng, cụ thể lộ trình, thời gian thực hiện, phù hợp với điều kiện thực tiễn của ngành, địa phương và gắn kết chặt chẽ với thực hiện các mục tiêu, nội dung, tiêu chí tỉnh NTM.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast