Nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở Cẩm Xuyên

(Baohatinh.vn) - Qua 2 vụ triển khai thí điểm sản xuất lúa hữu cơ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang xây dựng lộ trình nhân rộng mô hình để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ xanh, sạch, an toàn và bền vững.

Đây là năm thứ 2 gia đình anh Đặng Thế Luận ở thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ do Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm hướng dẫn kỹ thuật. Theo đánh giá, năm nay, anh Luận thu về năng suất và giá trị cao hơn so với năm đầu tiên triển khai.

Nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở Cẩm Xuyên

Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, an toàn được triển khai trên diện tích 15 ha tại thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình.

Anh Đặng Thế Luận (thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình) chia sẻ: “Năm đầu tiên thí điểm tại vụ xuân 2022, chúng tôi tập trung cải tạo chất đất nên chi phí sản xuất cao hơn. Sang năm thứ 2, không phải bón lót, gia đình chỉ phải bón thúc 2 đợt phân hữu cơ khoáng cao cấp của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm nhưng lúa rất xanh tốt. Sau thu hoạch, năng suất đạt hơn 2,3 tạ/sào, cao hơn vụ hè thu năm ngoái 0,7 tạ/sào. Hơn 1 ha lúa hữu cơ của gia đình cho năng suất hơn 4,5 tấn, dù so với các loại lúa thường, năng suất không cao bằng nhưng giá bán thấp nhất được 10.000 đồng/kg, gia đình thu về khoảng 50 triệu đồng, cao gấp 1/3 so với sản xuất lúa khác và rất được các thương lái ưa chuộng".

Nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở Cẩm Xuyên

So với phương pháp sản xuất thông thường, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cho năng suất khá, giá bán cao.

Giá trị từ mô hình thí điểm của anh Đặng Thế Luận, vụ xuân 2023, Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên mở rộng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, an toàn tại cánh đồng của thôn Đông Nam Lý và thôn Bình Quang (xã Cẩm Bình).

Trên diện tích 15 ha với 65 hộ dân tham gia, địa phương sản xuất giống lúa hữu cơ ST25; canh tác theo quy trình hữu cơ, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật. Theo đó, sau thu hoạch vụ hè thu 2022, bà con nông dân tiến hành thu gom rơm rạ chứ không đốt để bảo vệ môi trường, bảo vệ các vi khuẩn có lợi trong đất.

Trước lúc cày bừa làm đất, người dân được hướng dẫn bón phân vi sinh, ủ men phân hủy rơm rạ và bón một ít phân hữu cơ khoáng để cải tạo môi trường. Quá trình chăm sóc cây lúa được 18 ngày thì bón thúc cây, từ 50 - 55 ngày thì bón thúc đòng bằng phân hữu cơ khoáng. Để phòng trừ sâu bệnh, người dân được hướng dẫn hòa nước vôi trong để phun, tùy theo loại bệnh để phun theo liều lượng thích hợp.

Nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở Cẩm Xuyên

Ông Trần Văn Trung ở thôn Đông Nam Lý, xã Cẩm Bình thu gom rơm rạ để tận dụng chăn nuôi trâu bò.

Trong quá trình sản xuất, bà con nông dân được Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm phối hợp với Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên giám sát, chỉ đạo sát sao. Đặc biệt, mô hình được đích thân Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm Hồ Đăng Khoa trực tiếp làm việc với hộ dân và hướng dẫn về kỹ thuật. Cùng với đó, công ty cử một cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình để kiểm tra, giám sát; thường xuyên đo độ PH trong đất để kịp thời đưa ra các hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con.

Ông Trần Văn Trung (thôn Đông Nam Lý, xã Cẩm Bình) phấn khởi cho biết: “Chúng tôi được hướng dẫn cặn kẽ quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, giúp bà con có tính kỷ luật hơn trong sản xuất, tuân thủ kỹ thuật để cho ra sản phẩm đồng nhất, chất lượng. 8 sào ST25 canh tác theo hướng hữu cơ cho năng suất khoảng 2 tấn. Với giá bán 10.000 đồng/kg, gia đình tôi thu về khoảng 20 triệu đồng, cao hơn so với sản xuất lúa hàng hóa khoảng 4 triệu đồng. Gạo sản xuất theo hướng hữu cơ ngon nên hiện nay nhiều người đã liên hệ đặt mua. Vụ hè thu 2023, gia đình tôi sẽ tiếp tục nhân rộng thêm diện tích ở các cánh đồng khác”.

Còn chị Trần Thị Khánh ở thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình, mấy ngày qua cũng đang trong niềm vui hân hoan được mùa. Chị chia sẻ: “Làm lúa theo quy trình hữu cơ vất vả hơn nhưng chúng tôi lại rất phấn khởi. Không chỉ được mùa, làm ra được hạt lúa sạch, trước hết yên tâm về sức khỏe của mình, con cháu trong nhà và người tiêu dùng cũng được ăn những hạt gạo sạch”.

Nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở Cẩm Xuyên

Lúa sản xuất theo hướng hữu cơ ST25 được mùa, được giá khiến bà con nông dân hết sức phấn khởi.

Theo đánh giá của người dân, lúa hữu cơ ST25 có khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết và sâu bệnh tốt hơn sản xuất thông thường khác; giảm được các tác động xấu đến môi trường và bảo vệ sức khỏe của người dân. Áp dụng quy trình sản xuất của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, người dân xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên đang từng bước cải tạo môi trường sinh thái. Quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, cứng rễ, ít sâu bệnh, trổ tập trung...

Hơn thế, việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Quế Lâm giúp các chủng vi sinh vật có lợi sẽ đi vào trong đất hoạt hóa, phân hủy gốc rạ, phân hủy các tồn dư phân bón, các lớp đất xấu... Qua đó, giúp cải thiện môi trường đất, tạo ra tầng đất tơi xốp giúp cây lúa phát triển.

Tuy nhiên, giống lúa hữu cơ ST25 có thời gian sinh trưởng dài ngày, bởi vậy, vụ sản xuất hè thu này, địa phương dự kiến sẽ tiến hành bắc mạ và cấy theo quy trình kỹ thuật để đảm bảo khung lịch thời vụ.

Nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở Cẩm Xuyên

Anh Đặng Thế Luận (thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình) cải tạo đất sau thu hoạch vụ xuân bằng phương pháp hữu cơ để chuẩn bị cho sản xuất hè thu 2023.

Ông Nguyễn Minh Duyệt - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình cho biết: “Vụ xuân 2023, cùng với mô hình sản xuất gạo ST25 theo hướng hữu cơ của Trung tâm Ứng dụng KHKT & bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên, địa phương còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh sản xuất Nếp 98 theo hướng hữu cơ ở thôn Bình Quang. Các mô hình này đang từng bước đưa phương thức canh tác hữu cơ đến bà con nông dân, từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của người sản xuất nhằm hướng tới nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và lợi ích, sức khỏe người tiêu dùng”.

Nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở Cẩm Xuyên

Niềm vui được mùa lúa hữu cơ của ông Trần Danh Lợi ở thôn Đông Nam Lý, xã Cẩm Bình.

Không chỉ ở xã Cẩm Bình, hiện nay, UBND huyện Cẩm Xuyên đang xây dựng kế hoạch tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên địa bàn toàn huyện. Theo đó, vụ hè thu năm 2023, địa phương sẽ triển khai thí điểm mô hình bắc mạ cấy sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở xã Cẩm Bình; vụ xuân năm 2024, huyện sẽ nhân rộng thêm khoảng 50 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ ở các xã: Cẩm Thành, Nam Phúc Thăng, Cẩm Bình.

Sự thành công của mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên các cánh đồng của huyện Cẩm Xuyên đang tạo ra những giá trị mới cho thương hiệu lúa gạo của địa phương, góp phần đưa nền nông nghiệp phát triển theo đúng xu hướng, đồng thời từng bước thay đổi nhận thức của người dân Hà Tĩnh về sản xuất và tiêu dùng sản phẩm gạo trên địa bàn.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Chủ đề THI ĐUA ÁI QUỐC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast