“Đến Trường Lưu, lưu lại Trường Lưu...”

(Baohatinh.vn) - Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Huy Hoàng - nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Nga, người có công lớn trong việc dịch Truyện Kiều ra tiếng Nga là một người con ưu tú của làng Trường Lưu văn chương và khoa bảng. Nhân dịp năm mới 2019, từ Matxcova, Giáo sư Nguyễn Huy Hoàng đã dành cho nơi “chôn rau cắt rốn” những ký ức thăm thẳm và niềm tự hào lớn lao. Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu những hoài niệm và tình cảm mến yêu của ông với quê hương.

“Đến Trường Lưu, lưu lại Trường Lưu...”

“Đến Trường Lưu, lưu lại Trường Lưu...”
“Đến Trường Lưu, lưu lại Trường Lưu...”

Dường như trong hành trang của mỗi một người đều có những câu thơ, những bài thơ tâm đắc về quê hương. Những bài thơ về làng quê, về nơi cắt rốn, chôn rau trong văn học Việt Nam, trong văn học Nga và văn học nước ngoài, tôi đọc và thuộc khá nhiều, nhưng câu thơ mộc mạc và chân thành của cố thi sĩ Xuân Quỳnh luôn gợi lên trong tôi một hoài niệm man mác, nhất là trong một khoảng thời gian dài tôi sống xa Tổ quốc:

Ai cũng có một quê

Nơi tuổi thơ để ở

Tuổi khôn lớn để yêu

Và ra đi để nhớ!

“Đến Trường Lưu, lưu lại Trường Lưu...”

Tôi cũng có một quê để ở, để yêu và để nhớ, đó là làng Trường Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Mảnh đất Can Lộc cùng với những xã, những làng khác của tỉnh Hà Tĩnh đã để lại cho dân tộc bao danh nhân văn hóa, được phát triển rực rỡ trong nhiều thế kỷ của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Hồi còn ở trong nước cũng như sau này khi ra nước ngoài, cứ mỗi lần về quê, sau khi dâng hương tại các nhà thờ, tôi lại thơ thẩn ra đứng trước nơi ngày xưa là một gốc đa làng, nay chễm chệ một ngôi nhà kiên cố, hồi tưởng lại quãng thời gian đầy thăng trầm dâu bể.

“Đến Trường Lưu, lưu lại Trường Lưu...”

Nét cổ kính của nhà thờ Nguyễn Huy Tự. Ảnh: Huy Tùng

Khi lớn lên, làng tôi đã đi qua cuộc cải cách ruộng đất, bước vào thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp. Bỏ lại phía sau 3 khu Đình Hạ, Đình Trung, Đình Thượng và 2 hàng cây mộc muỗm (một loại xoài cổ thụ) với hàng chục cây lim bị bom tàn phá và khu Phúc Giang thư viện bị đốt cháy hoàn toàn, trường ấu nhi bị dỡ bỏ… là những sân kho hợp tác xã, trại chăn nuôi được trưng dụng từ những đình chùa.

Những giếng làng mang những cái tên mộc mạc, gần gũi, gắn bó, với cuộc sống dân làng từ nhiều thế kỷ như giếng Thơm, cầu Lối, giếng Đền...; những gốc đa cổ thụ, những lũy tre yên lành, những con đường đá mịn đẹp như trong cổ tích… cứ lần lượt trở lại trong tôi như một cuốn phim quay chậm. Nhắm mắt lại, tôi hình dung ra một làng quê đã từng có những cảnh đẹp đến nao lòng:

“Đến Trường Lưu, lưu lại Trường Lưu...”

Tôi tiếc nuối đến xót xa, vì đó là những hình ảnh “nhất khứ bất phục phản”, một đi không bao giờ trở lại. Có lẽ lúc đó nhiều người như chúng tôi, lớn lên trong không khí vùng lên sau chiến thắng, không ai trang bị cho một tầm nhìn văn hóa, cứ coi quá khứ phong kiến, bất luận một thứ di sản gì cũng cần phế bỏ. Đáng tiếc hơn nữa, khi chúng tôi đã lớn, suốt bao mùa hè lại đi săn tìm những bản giấy nam trong làng, thực chất là những tác phẩm vô giá của tiền nhân còn sót lại, để phất diều giấy!

“Đến Trường Lưu, lưu lại Trường Lưu...”

Đình làng Trường Lưu. Ảnh: Huy Tùng

Suốt bao nhiêu năm, cả một kho mộc bản chứa trong nhà thờ, chẳng ai có thì giờ quan tâm, thực chất là không ai hiểu được giá trị của báu vật này và cứ thế mai một, hoặc là làm củi sưởi, hoặc là đóng làm vật dụng trong nhà!

Đứng trước cảnh những con đường xi măng thay con đường đất đỏ xưa kia, những ngôi nhà bê tông ngự trên những mảnh đất từng là miếu mạo, những tường thành không còn dấu vết… không khỏi chạnh lòng.

“Đến Trường Lưu, lưu lại Trường Lưu...”

May thay, một sự phục hưng đã đến và đang đến. Nhờ sự bền bỉ hàng chục năm sau một cuộc hội thảo về di sản văn học của Nhà thơ Nguyễn Huy Tự từ năm 1980, tiếp theo là các cuộc hội thảo tại Matxcova, của Ủy ban Khoa học Xã hội ở Hà Nội, ở Hà Tĩnh, của Viện Hán Nôm; nhiều công trình nghiên cứu, sưu tập về trứ tác các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy đã tổng kết lại sự nghiệp đồ sộ của các bậc tiền nhân. Những mỏ vàng ròng nằm trong trầm tích thời gian dần lộ diện. Thoạt tiên là các nhà nghiên cứu, sau đó là lãnh đạo Hà Tĩnh và Trung ương để đến nay, nhân loại đã biết đến di sản “vô tiền khoáng hậu” của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu Việt Nam. Việc UNESCO vinh danh Mộc bản Trường Lưu và Hoàng Hoa sứ trình đồ là sự khâm phục và thừa nhận văn hóa nước Đại Việt nói chung, văn hóa Hà Tĩnh nói riêng. Chúng ta có quyền tự hào về điều đó.

“Đến Trường Lưu, lưu lại Trường Lưu...”

Dòng họ Nguyễn Huy và nhân dân xã Trường Lộc tổ chức rước bằng công nhận “Hoàng hoa sứ trình đồ” là Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO. Ảnh: Giang Nam

“Đến Trường Lưu, lưu lại Trường Lưu...”

"Hoàng Hoa sứ trình đồ" hiện được trưng bày ở xã Trường Lộc (Can Lộc).Ảnh: Huy Tùng

Nhưng, tự hào rồi để làm gì, chả nhẽ cứ mài mãi vị thuốc tự hào mà nhấm, mà tự sướng, mà tự khen mình!

Được biết, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, huyện Can Lộc đã có một ý tưởng rất lớn là xây dựng một làng văn hóa Trường Lưu! Tại sao không? Nhân loại nước nào cũng hiện thực hóa các di sản bằng việc xây dựng khu du lịch văn hóa danh nhân, một là để cho dân tộc ngưỡng vọng những đóng góp lớn lao của họ, không phải tính bằng thước đo mà bằng tình cảm công dân; hai là khai thác giá trị kinh tế văn hóa, đó là du lịch.

“Đến Trường Lưu, lưu lại Trường Lưu...”

Mộc bản Trường học Phúc Giang được công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới của UNESCO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (ngày 19/5/2016)

Trong ảnh:GS-TS Nguyễn Huy Mỹ giới thiệu với các chuyên gia trong nước và quốc tế về cách chế tác mộc bản Trường Lưu. Ảnh tư liệu

Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài sau khi thăm Trường Lưu không khỏi băn khoăn, là tại sao một danh thắng như vậy, mà chưa thấy đầu tư, đâu là thư viện, đâu là hồ Nghĩa Thương, đâu là bát cảnh, đâu là đình hát phường vải mà các nhà thơ Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Du đã viết nên những vần thơ trác tuyệt?.

Tôi bảo với các nhà nghiên cứu nước ngoài, sẽ có và vẽ ra một viễn cảnh con đường di sản từ Nguyễn Du đến Nguyễn Công Trứ, Ngô Đức Kế, Dương Trí Trạch, Phan Kính, Nguyễn Thiếp và sẽ kéo dài tiếp tục lên tận Lê Hữu Trác…

Tôi tin ở tâm đức và tầm nhìn văn hóa của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, những người mến yêu, tự hào về mảnh đất Hồng Lam, về truyền thống văn chương không nơi nào có được. Đó là cơ duyên, là vận may cho văn hóa Hà Tĩnh để trong vòng chừng một thập niên nữa, sau những đầu tư đúng mức cho văn hóa, chúng ta sẽ có một Hà Tĩnh, một Can Lộc, một Trường Lưu và những địa danh đáng tự hào, xứng đáng với những gì cha ông để lại.

“Đến Trường Lưu, lưu lại Trường Lưu...”
“Đến Trường Lưu, lưu lại Trường Lưu...”

Nét cổ Trường Lưu. Ảnh: Đình Nhất

Mang trong lòng những ý nghĩ đầy lạc quan và hứng khởi, tôi đã nhìn thấy phía trước một sự đổi thay mới của Trường Lưu. Tôi đã hình dung ra hình ảnh những nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật, những vị khách nước ngoài, những du khách thập phương sẽ về Hà Tĩnh như trẩy hội, sẽ ghé thăm miền đất, nơi sinh ra những danh nhân trác việt. Bên những công trình mới, họ sẽ hình dung ra “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” của các thế kỷ đã qua; họ sẽ “Đến Trường Lưu, lưu lại Trường Lưu/ Lưu luyến nhớ người xưa lưu lạc” như trong một câu xuất đối vô danh mà đến nay chưa một ai đối lại.

Matxcova - Xuân 2019

Ảnh: P.V - C.T.V

thiết kế: Huy Tùng

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast