Địa giới hành chính thành phố Hà Tĩnh qua các thời kỳ

(Baohatinh.vn) - Xuất hiện trên địa giới hành chính đất nước từ thời Văn Lang, cùng với bao biến thiên lịch sử, TP Hà Tĩnh dẫu trải qua nhiều lần tách nhập vẫn hình thành nên cốt lõi văn hóa, để trong suốt tiến trình lịch sử, những giá trị đó được chắt lọc, bồi đắp, tạo nên bản sắc, cốt cách riêng...

Từ thời Văn Lang đến thành lập tỉnh 1831

Thành phố Hà Tĩnh ngày nay là mảnh đất có từ thời dựng nước, thuộc địa bàn nước Văn Lang thời Hùng Vương. Trong thời Bắc thuộc, vùng đất này thuộc quận Cửu Chân, sau đó là huyện Hàm Hoan, quận Cửu Đức, quận Nhật Nam, châu Phúc Lộc. Đời Tiền Lê (980-1009), thuộc châu Thạch Hà.

Địa giới hành chính thành phố Hà Tĩnh qua các thời kỳ

Toàn cảnh thành Hà Tĩnh xưa (Ảnh chụp lại trong sách An Tĩnh cổ lục của tác giả Hippolyte Le Breton)

Từ năm 1025, đời Lý, thuộc trại Định Phiên; đời Trần - Hồ (1226-1407), thuộc châu Nhật Nam; thời thuộc Minh (1047-1427), là đất huyện Bàn Thạch, châu Nam Tĩnh. Thời Hậu Lê, thuộc huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, thừa Tuyên (rồi xứ, trấn) Nghệ An.

Đời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), lập tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh lỵ Hà Tĩnh cũng được hình thành từ đó. Năm Quý Sửu, niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853), triều đình bỏ tỉnh, lấy phủ Hà Thanh (trước năm 1841 là Hà Hoa) lập đạo Hà Tĩnh. Đạo thành được đặt ở thôn Nài Thị, xã Đại Nài, nguyên lỵ sở huyện Thạch Hà.

Năm Ất Hợi, niên hiệu Tự Đức thứ 28 (1875), tỉnh Hà Tĩnh được lập lại, lỵ sở dời về xã Trung Tiết. Đến năm Tự Đức thứ 34 (1881), thành Hà Tĩnh được xây dựng bằng gạch và đá ong theo kiểu Vô-băng. Tỉnh thành không phải là một đơn vị hành chính mà chỉ là nơi đặt trụ sở của chính quyền tỉnh. Cư dân ngoài thành đều thuộc quyền quản lý của xã Trung Tiết, tổng Thượng Nhị, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa. Khoảng năm 1920, chính quyền có chủ trương “gia quảng” (mở rộng), sáp nhập các xóm Đồng Quế, Xã Tắc, Trung Hậu, Tiền Bạt vào thành Hà Tĩnh để thu thêm thuế nhà, thuế vệ sinh, còn về mặt hành chính những xóm này vẫn thuộc xã Trung Tiết.

Thành lập thị xã Hà Tĩnh 1924-1991

Ngày 10/5 Giáp Tý (tức ngày 11/6/1924), vua Khải Định ban hành Đạo dụ thành lập thị xã Hà Tĩnh. Ngày 30/7/1924, Toàn quyền Đông Dương Méclanh (Merlin) ra nghị định chuẩn y đạo dụ trên. Về mặt hành chính, lúc bấy giờ tỉnh lỵ được chia làm 8 phố: phố Tiền Môn, trước cửa tiền (một đoạn đường Phan Đình Phùng, từ Thành Đông đến ngã tư Công ty cổ phần Phát hành sách hiện nay); phố Hậu Môn, phía trước cửa hậu (Đồng Vinh - một đoạn đường Hải Thượng Lãn Ông hiện nay); phố Tả Môn, phía trước cửa tả (Thành Đông, đường Nguyễn Trung Thiên hiện nay); phố Hữu Môn, phía trước cửa hữu (một đoạn đường Nguyễn Công Trứ hiện nay); phố Tân Giang bên bờ Bắc sông Cụt; phố Nam Ngạn bên bờ Nam sông Cụt; phố Hoàn Thị xung quanh chợ Tỉnh trước đây; phố Tịnh Trung là một phần đường Phan Đình Phùng, đoạn ngã tư Công ty cổ phần Phát hành sách hiện nay (có thời kỳ gọi là ngã tư Hồng Ký).

Từ năm 1948-1957, thị xã Hà Tĩnh không còn trực thuộc tỉnh, mà chỉ là một đơn vị hành chính cấp xã, thuộc huyện Thạch Hà.

Ngày 21/11/1957, Phó Thủ tướng Phan Kế Toại ký Nghị định số 564-NĐ/CP tái thiết thị xã Hà Tĩnh trên cơ sở địa giới hiện tại. Thị xã Hà Tĩnh là đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh. Ngày 27/4/1960, Đảng bộ thị xã Hà Tĩnh được thành lập và tiến hành Đại hội lần thứ I. Trong thời kỳ này, thị xã Hà Tĩnh có 4 đường phố là Phan Đình Phùng, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Danh Dương và Cao Thắng, có 3 xóm là Thành Đông (Nam Ngạn, Tân Giang, Tả Môn) và Đồng Quế, Xã Tắc. Năm 1960, thành lập thêm phố Tân Bình, sáp nhập thêm Liên Bình (Thạch Quý), Phú Lạc (Thạch Phú).

Địa giới hành chính thành phố Hà Tĩnh qua các thời kỳ

Văn miếu Hà Tĩnh mới được phục dựng lại. Ảnh Đồng Anh

Trong các năm 1962-1964, thị xã thành lập thêm 3 khối phố mới là Trần Thị Hường, Lâm Phước Thọ và Trần Đức Vịnh. Cũng trong thời gian này, mở rộng và nhập thêm Trung Quý của xã Thạch Yên, Đông Phú của xã Thạch Phú vào thị xã; thành lập 2 hợp tác xã nông nghiệp Bồng Sơn, Đồng Hải.

Tháng 12/1975, 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hợp nhất thành tỉnh Nghệ Tĩnh, thị xã Hà Tĩnh không còn là tỉnh lỵ, là đơn vị hành chính ngang cấp huyện nhưng không có đơn vị cấp dưới. Tháng 9/1981, thành lập 2 phường Bắc Hà và Nam Hà trên cơ sở 2 tiểu khu, có 9 khối phố là: Tân Lập, Trần Thị Hường, Lâm Phước Thọ, Đồng Hải, Lê Bình, Đồng Vinh (thuộc phường Bắc Hà); Thành Đông, Bồng Sơn, Trần Đức Vịnh (thuộc phường Nam Hà).

Ngày 16/9/1989, sáp nhập 6 xã: Thạch Linh, Thạch Trung, Thạch Quý, Thạch Phú, Thạch Yên và Đại Nài thuộc huyện Thạch Hà vào thị xã Hà Tĩnh.

Ngày 12/8/1991, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII quyết định tách Nghệ Tĩnh thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh như trước đây, thị xã Hà Tĩnh trở lại là tỉnh lỵ của tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 12/1993, thành lập thêm 2 phường mới là Trần Phú và Tân Giang, thị xã Hà Tĩnh có 4 phường, 6 xã với diện tích tự nhiên là 30,6 km2, dân số là 49.410 người.

Địa giới hành chính thành phố Hà Tĩnh qua các thời kỳ

TP Hà Tĩnh ngày nay.

Ngày 2/4/2004, Chính phủ có Nghị định số 09/2004/NĐ-CP về việc mở rộng địa giới hành chính thị xã Hà Tĩnh, cắt thêm 5 xã Thạch Hạ, Thạch Môn, Thạch Đồng, Thạch Hưng và Thạch Bình của huyện Thạch Hà sáp nhập vào thị xã Hà Tĩnh và chuyển xã Đại Nài thành phường Đại Nài, xã Thạch Phú thành phường Hà Huy Tập.

Đô thị loại III và thành phố Hà Tĩnh ngày nay

Ngày 19/7/2006, Bộ Xây dựng có Quyết định số 1048/QĐ-BXD công nhận thị xã Hà Tĩnh là đô thị loại III.

Ngày 7/2/2007, Chính phủ ra Nghị định số 20/2007/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới phường, xã thuộc thị xã Hà Tĩnh, chuyển các xã Thạch Linh, Thạch Yên, Thạch Quý thành phường, thành lập phường mới Nguyễn Du.

Ngày 28/5/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2007/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Hà Tĩnh trực thuộc tỉnh.

Hiện nay, thành phố Hà Tĩnh có 15 đơn vị hành chính (10 phường, 5 xã), 125 thôn, tổ dân phố (sau khi sáp nhập xã Thạch Đồng với Thạch Môn thành xã Đồng Môn năm 2020).

---------------------

(Biên soạn từ sách “Thành phố Hà Tĩnh theo dòng lịch sử”, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 6/2017)

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast