Dưới bóng tre làng

(Baohatinh.vn) - Giờ đây, dễ dàng nhận ra không gian sống của người dân các thôn quê đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, sạch sẽ, thoáng mát với nhiều công trình tươi mới, đường làng ngõ xóm đổ láng bê tông, trải thảm nhựa. Vậy nhưng, không ít người vẫn bâng khuâng vì cảm giác đang bị mất một cái gì đó gắn với bản sắc của một làng quê, trước hết đó là sự vắng bóng dần của những lũy tre xanh.

Dưới bóng tre làng

Đường quê (Ảnh Internet).

Sinh ra ở một vùng quê nghèo bên bờ sông La, gốc chuối, bờ tre đã trở thành nỗi nhớ trong tôi mỗi lúc tìm về những kỷ niệm vui buồn một thuở thiếu thời. Ngày ấy, làng tôi xanh um bóng mát của tre hóp mọc ken dày trên các lối đi, những góc vườn. Trong làng, nhìn vào đâu cũng rất dễ bắt gặp những sản phẩm được làm từ tre nứa. Tre được dùng làm cột kèo, phên liếp cho nhà bếp, chuồng trại, cầu khỉ, cầu ao, kết bè, dựng hàng rào, làm sào phơi, sào chống, hay chế ra những vật dụng của nhà nông như cối xay, thang, chõng, mươn (mâm), kiềng, gậy, chổi, làm cán ven, cuốc, cào, đòn gánh, máng nước, điếu cày, đan lát thành thúng, mủng, dần, sàng, cót, bồ, vó, nơm, nhủi, lừ, oi, giỏ, chiếu, mành mành, đũa, tăm, lạt buộc…

Vào mùa tết, tre còn được dùng làm đu hay những cây nêu cao chất ngất. Khi nguồn gỗ rừng ngày càng cạn kiệt, để có thêm những vật dụng có tính “mộc” trong nhà, người ta còn làm ra bao nhiêu thứ từ tre trúc như bàn, ghế, chao đèn và các đồ chơi dành cho trẻ nhỏ.

Đồ tre bền, lành và có vẻ đẹp độc đáo, giá lại rẻ, khi hỏng có thể xử lý rác thải dễ dàng và an toàn hơn so với những đồ dùng bằng kim loại, nhựa. Hồi còn bé, chúng tôi chặt những cành hóp chế thành những khẩu súng phóc, “đạn” là các thứ quả bé tý trong vườn, làm cần câu hay thẻ đánh chuyền, đánh chắt.

Cái thời “gạo châu củi quế”, ngoài việc dùng măng non để xào nấu, lá vặt xuống bỏ vào nồi xông giải cảm, tre còn là nguồn vật liệu dùng để đun nấu. Mùa giá rét, chúng tôi rủ nhau mò vào các bụi rậm để tìm gốc tre khô già, nhặt nhạnh những thanh tre khô thành bó, xâu những bẹ vỏ tre nâu xám về làm củi.

Dưới bóng tre làng

Ngõ quê (Ảnh Internet).

Cây tre mộc mạc, dung dị được xem là biểu trưng bản lĩnh quật cường, ý chí bất khuất của con người Việt Nam. Còn đó trong truyền thuyết lịch sử hình ảnh vị anh hùng Thánh Gióng nhổ tre ngà đánh đuổi giặc Ân.

Thời chiến, tre là pháo đài xanh, làm lũy thành che chắn ở bìa làng, hóa gậy gộc, chông tên, làm hầm chữ A để tránh bom đạn. Trong cuộc sống thường ngày, tre không chỉ gắn bó với người lúc ăn uống, ngủ nghỉ, làm lụng, lễ hội, chơi đùa mà còn có mặt trong tang lễ.

“Làng tôi sau lũy tre mờ xa. Tình quê yêu thương những nếp nhà…”. Ai cũng thấy lời mở đầu bài hát “Làng tôi” của nhạc sỹ Hồ Bắc như đang nói về làng quê của chính mình bởi cây tre là hình bóng thân thương, là nơi gửi gắm niềm yêu quý, tự hào, nỗi nhớ thương về quê hương, làng mạc. Nhìn vào tre, người ta ngẫm nghĩ, luận ra được bao điều từ một loài cây “sống gần nhau thân mới thẳng” cho ta bài học về kinh nghiệm sống, về đạo lý, nhân sinh, về tinh thần lạc quan, yêu đời, khao khát tự do, kiên cường, bất khuất, đoàn kết, gắn bó, biết yêu thương, san sẻ, giàu đức hy sinh, bền bỉ sức sống.

Hình tượng cây tre thấm đượm triết lý dựng nước và giữ nước, phép đối nhân xử thế và quan hệ bang giao của dân tộc. Gần đây, người ta thường nhắc đến khái niệm ngoại giao cây tre Việt Nam để chỉ đối sách hòa hợp cương nhu, mềm mại, khôn khéo nhưng luôn kiên cường, bản lĩnh trước mọi gian nan, thử thách nhằm bảo vệ giang sơn, độc lập, chủ quyền của đất nước.

Dưới bóng tre làng

Sau lũy tre làng (Ảnh Internet).

Châu Á, trong đó có Việt Nam là xứ sở có nhiều tre. Gọi chung là tre trúc vậy thôi nhưng có tới hàng trăm loại thuộc nhiều chủng khác nhau như tre gai, vầu, luồng, lồ ô, tầm vông, trúc sào… Tôi đã từng có dịp sang Hàn Quốc, được mời đi thưởng lãm rừng tre - một thứ cây trồng cũng được ca tụng tại nước này. Có hẳn cả một lễ hội về cây tre ở rừng tre Juknokwon, huyện Damyang, tỉnh Jeollanam. Tại đây, du khách được thả mình trong một không gian với sự hài hòa của kiến trúc các ngôi nhà truyền thống Hanok bao quanh bởi các lũy tre xanh mát, tĩnh lặng.

Cây tre Việt Nam đã từng đi vào ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, cổ tích cho đến văn chương hiện đại nhưng nay đang dần thiếu vắng. Chợt ước ao giá như ta sớm nghĩ đến việc bảo tồn những làng quê thuần Việt để đón những du khách có nhu cầu du lịch sinh thái, vừa được thưởng lãm khung cảnh thiên nhiên lại có thể mua sắm những món đồ lưu niệm được các nghệ nhân chế tác từ trúc, tre, nứa, hóp… Ở vùng núi Hương Sơn có nghệ nhân Lê Mưu chuyên săn tìm các gốc tre có hình thù kỳ lạ mang về đẽo gọt, tỉa tót tạo thành những long, ly, quy, phượng… Những sản phẩm ấy chắc chắn sẽ có chỗ đứng nếu có cơ hội được quảng bá trên thị trường văn hóa.

Dưới bóng tre làng

Triền đê xanh xanh lũy tre (Ảnh Internet).

Cây tre sẽ vẫn còn mãi trong cuộc sống và tâm hồn của người Việt. Như dự cảm của nhà văn Thép Mới khi nghĩ về tiền đồ của cây tre: “…các em rồi đây lớn lên, sẽ quen dần với sắt, thép và xi măng cốt sắt. Nhưng, nứa, tre sẽ còn mãi với các em, còn mãi với dân tộc Việt Nam, chia bùi sẻ ngọt của những ngày mai tươi hát, còn mãi với chúng ta, vui hạnh phúc, hòa bình”.

Cuối đông 2022

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast