Rạng danh dòng họ Nguyễn ở làng Mật Thôn

(Baohatinh.vn) - Xưa kia, vùng Mật Thôn thuộc tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, đến triều Khải Định (1916-1925) thì chuyển về huyện Thiên Lộc. Mật Thôn nay là làng Mật Thiết, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), nổi tiếng có nhiều người học giỏi và đỗ đạt cao.

Rạng danh dòng họ Nguyễn ở làng Mật Thôn

Đền thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp

Mật Thôn xưa nằm trong vùng đất có phong thủy tốt, mặt nhìn sông, lưng tựa núi. Núi Cài (Sạc Sơn hay Phượng Sơn) soi bóng sông Linh, hợp với Hồng Lĩnh đằng Đông và Trà Sơn, Bột Sơn đằng Tây làm nên một vùng thổ tú tụ anh tài với nhiều bậc khoa danh nổi tiếng. Trong đó, Nguyễn Thiếp là một bậc hiền tài kiệt xuất của đất nước từng được Hoàng đế Quang Trung ban tước hiệu “La Sơn phu tử”.

Ở nước ta, cùng với Tuyết Giang Nguyễn Bỉnh Khiêm và Đại danh sư Chu Văn An, ông là một trong ba người được suy tôn bậc Phu tử như thế (tạm dịch là thầy của mọi nhà).

Viễn tổ họ Nguyễn làng Mật Thôn xa xưa là cụ Nguyễn Lưu, vốn người làng Tiền, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, khoảng niên hiệu Hồng Đức (1470-1476) thi đậu về khoa võ, được nhậm chức Võ lâm quân Chỉ huy sứ. Ông theo vua Lê và có công lớn dẹp giặc trên núi Thần Đầu (huyện Kỳ Anh) lúc bấy giờ.

Vào niên hiệu Lê Cảnh Thống, ông giúp vua dẹp nạn voi trắng phá hại ở dãy núi Trà Sơn, được vua ban tặng tước Quận công. Lúc khải hoàn đưa quân về đóng tại làng Nguyễn Xá, ông gặp gỡ và kết duyên với người con gái nhan sắc họ Võ và định cư tại đây. Từ đó mà sản sinh ra dòng họ Nguyễn Mật Thôn, đến nay đã có 22 đời và trải qua lịch sử trên 500 năm.

Họ Nguyễn ở Mật Thôn có truyền thống khoa danh nổi trội nhất trong vùng với 2 người đỗ đại khoa, hai người đỗ hương cống, trên 40 người đỗ sinh đồ và tú tài qua các kỳ thi. Cháu đích tôn của Lưu quận công là Nguyễn Bật Lãng đậu Đệ nhị giáp Tiến sĩ khoa thi Đinh Sửu (1577) làm đến chức Thái thường tự khanh. Nguyễn Hành (chú ruột Nguyễn Thiếp) đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa thi Quý Sửu triều Lê (1733), giữ chức Đông các hiệu thư, Thái Nguyên tỉnh hiến sát sứ.

Rạng danh dòng họ Nguyễn ở làng Mật Thôn

Gia phả họ Nguyễn ở làng Mật Thôn, xã Kim Song Trường.

Danh nhân Nguyễn Thiếp (1723-1803), hậu duệ đời thứ 10, đậu Hương giải kỳ thi năm Quý Hợi niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê (1743) là nhân vật lịch sử kiệt xuất thời cuối Lê đầu Nguyễn, nổi tiếng là một danh sĩ tài cao đức trọng.

Ông là nhà cải cách giáo dục với chủ trương lấy chữ Nôm làm quốc ngữ, từng giữ chức Viện trưởng Viện Sùng chính quốc gia, coi sóc việc biên dịch và phổ biến kinh sách. Ông đã phò giúp Hoàng đế Quang Trung binh kế đại phá 20 vạn quân xâm lược nhà Thanh và được nhà Tây Sơn ủy thác việc khởi dựng Phượng Hoàng trung đô tại Nghệ An. La Sơn phu tử từng tấu trình vua Quang Trung phép trị quốc với 3 kế sách lớn về Quân đức, Nhân tâm và Học pháp. Ông được vua Quang Trung tôn trọng và ban mỹ hiệu La Sơn phu tử để ghi nhớ công lao.

Ông để lại tập “Hạnh Am thi cảo” với trên 100 bài thơ nặng lòng với thế cuộc và thấm đượm tình yêu quê hương xứ sở. Chính La Sơn phu tử là người đích thân bái soạn cuốn “Mật Thôn Nguyễn tộc gia phả”. Về sau được con cháu tục biên, trở thành tư liệu quý để Giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết nên cuốn sách “La Sơn phu tử” nổi tiếng về một nhân vật lịch sử. Nhiều tư liệu quý liên quan đến họ Nguyễn ở Mật Thôn và mối thâm giao giữa La Sơn phu tử với Hoàng đế Quang Trung như sắc phong, thư từ... cũng được con cháu dòng họ cất giữ cẩn thận, khá trọn vẹn và hiện đang được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội.

Rạng danh dòng họ Nguyễn ở làng Mật Thôn

“Mật Thôn Nguyễn tộc gia phả” do Nguyễn Thiếp viết, về sau được con cháu tục biên, trở thành tư liệu quý để Giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết nên cuốn sách “La Sơn phu tử”. Ảnh Internet

Không chỉ nổi tiếng nhiều đời giàu có, nhiều người học giỏi và đỗ đạt cao, các thế hệ con cháu họ Nguyễn Mật Thôn có truyền thống gìn giữ nếp gia phong, coi trọng đạo lý, từ tâm và nhân hậu, yêu nước, thương nòi. Hiện tại, nhà thờ họ còn lưu giữ văn bia ca ngợi công đức của bà Hầu cụ, thân mẫu La Sơn phu tử, người đã đem hàng chục mẫu ruộng hiến tặng các làng trong tổng Lai Thạch để làm quỹ giúp đỡ người nghèo khó.

Bà còn bỏ công của, vận động dân làng đắp đê, trồng lũy phòng hộ xóm làng, tiếng thơm nhiều đời vẫn còn lưu. Ngày nay, các thế hệ nội ngoại tôn của họ Nguyễn Mật Thôn noi gương các bậc tiền nhân, nhiều người thành đạt, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước, xứng danh con cháu dòng cự tộc đất Hồng Lam.

Nhiều di tích như nhà thờ và mộ Tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng, Tiến sĩ Nguyễn Hành, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ở làng Mật Thiết (xã Kim Song Trường), đền thờ và mộ La Sơn phu tử thành Lục niên (trên núi Thiên Nhẫn, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, Nghệ An) được Nhà nước, ngành văn hóa, các địa phương, dòng họ và con cháu bảo vệ, tôn tạo khang trang, thành kính phụng thờ, trở thành những địa chỉ văn hóa danh tiếng, có ý nghĩa giáo dục truyền thống tốt đẹp.

Tài liệu tham khảo:

- La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp; Hoàng Xuân Hãn, ấn bản đầu tiên, Nxb Minh Tân, Paris, 1952.

- Gia phả họ Nguyễn Mật Thôn (bản chép tay).

- La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp - Thái Kim Đỉnh in chung trong cuốn Thiên Lộc - Can Lộc rạng rỡ một vùng địa linh nhân kiệt; Nxb Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; 2005.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

 Thạch Hà - vùng đất giàu truyền thống văn hóa và khoa bảng

Thạch Hà - vùng đất giàu truyền thống văn hóa và khoa bảng

Với lịch sử 1020 năm phát triển, các thế hệ người dân Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã chinh phục thiên nhiên, chung lưng đấu cật, gắn bó đoàn kết, xây dựng mảnh đất này ngày càng phát triển, trở thành vùng quê giàu bản sắc văn hóa, có nhiều người đỗ đạt khoa bảng.
Người miệt mài tìm “cái đẹp” của văn chương

Người miệt mài tìm “cái đẹp” của văn chương

Với nhiều tâm huyết, nhà nghiên cứu Hà Quảng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam duy nhất ở Hà Tĩnh đạt nhiều giải thưởng lớn cấp tỉnh và cấp Trung ương về lĩnh vực lý luận, phê bình văn học.
Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn quê Hà Tĩnh là ai?

Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn quê Hà Tĩnh là ai?

Đại tá Tư Chu - Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định là một người con của quê hương Hà Tĩnh. Ông là người kiến tạo các cách đánh “xuất quỷ nhập thần”, là cái tên đứng đằng sau nhiều chiến công huyền thoại của biệt động Sài Gòn.
Trung úy công an đam mê nghiên cứu khoa học

Trung úy công an đam mê nghiên cứu khoa học

Bằng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Trung úy Phạm Minh Hiếu - Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Tĩnh đã biến rác hữu cơ thành tài nguyên, giải quyết bài toán khó về xử ý ô nhiễm môi trường
Thiêng liêng tiếng gọi cội nguồn

Thiêng liêng tiếng gọi cội nguồn

Từ chỗ là hoạt động tín ngưỡng của người dân địa phương, lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương ở TX Hồng Lĩnh đã trở thành lễ hội được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh quan tâm, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Đoàn kết một lòng hướng về nguồn cội…

Đoàn kết một lòng hướng về nguồn cội…

Hòa chung lòng thành kính hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân Hà Tĩnh đã cùng nhau gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, khẳng định sự gắn bó bền chặt trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
Ngắm khu dân cư kiểu mẫu bên dòng Ngàn Phố

Ngắm khu dân cư kiểu mẫu bên dòng Ngàn Phố

Bên dòng sông Ngàn Phố thơ mộng, người dân thôn Phúc Bằng, xã Sơn Bằng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đang cùng nhau xây dựng cảnh quan xanh sạch đẹp, hướng tới cuộc sống sống ấm no, hạnh phúc.
Tín ngưỡng thờ cá Ông ở Hà Tĩnh

Tín ngưỡng thờ cá Ông ở Hà Tĩnh

Thờ cá Ông (cá Voi) là một tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời của cư dân sinh sống ven biển Việt Nam. Nhiều vùng ở Hà Tĩnh, người dân thờ cá Ông như một vị thần biển linh thiêng.
Chat với "thần đồng tiếng Anh" 12 tuổi đạt IELTS 8.0

Chat với "thần đồng tiếng Anh" 12 tuổi đạt IELTS 8.0

Với điểm IELTS 8.0, “thần đồng tiếng Anh” Nguyễn Lê Bảo Chung (lớp 6A7, Trường Albert Einstein Hà Tĩnh) đã trở thành 1 trong những thí sinh nhỏ tuổi nhất đạt số điểm này với kỹ năng Reading đạt tuyệt đối 8.0, Speaking 8.5, Listening 8.5 và Writing 7.0.